Huyện Quảng Hòa (Cao Bằng) có 6 làng nghề truyền thống với tổng doanh thu ước đạt hơn 30 tỷ đồng/năm, trong đó có 3 làng nghề rèn Phúc Sen, làng nghề hương Phia Thắp, làng nghề giấy bản Quốc Dân đang giúp người dân xoá đói giảm nghèo.
Nghề rèn thủ công truyền thống của người Nùng An đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Nơi đây trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn du khách thập phương, góp phần làm phong phú thêm hành trình khám phá vùng đất Cao Bằng. Làng Phúc Sen cách thành phố Cao Bằng khoảng 30km, nghề rèn nơi đây có lịch sử trên 300 năm. Ban đầu, làng chỉ rèn các nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật dụng sinh hoạt. Ngày nay, sản phẩm của làng nghề phong phú đa dạng hơn, có uy tín không chỉ trong phạm vi tỉnh Cao Bằng mà còn có mặt ở nhiều tỉnh miền núi phía bắc, Tây Nguyên, Hà Nội cũng như các huyện biên giới của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Để làm ra một con dao sắc, người Nùng An có những bí quyết riêng. Nguyên liệu rèn dao được làm từ những miếng nhíp ô tô đã hỏng, đặc biệt từ nhíp xe U-oát là tốt nhất. Ở những nơi khác người ta thường dùng than đá để nung thì ở làng Phúc Sen lại dùng than củi từ các loại gỗ cứng như gỗ nghiến mới giúp giữ nhiệt và làm than mau đỏ. Để giữ được nhiệt, lò nung thép cũng phải làm bằng đá, rồi dùng rơm và trấu làm chất liệu xây lò. Theo những người làm nghề lâu năm trong làng, nghề rèn thủ công ở Phúc Sen hầu như không có công thức mà chủ yếu nhờ cảm nhận tinh tế của tai, đôi mắt cùng kinh nghiệm của người thợ.
Công đoạn tôi thép là công đoạn khó nhất, quyết định đến chất lượng sản phẩm, vì thế thường do các thợ cả giàu kinh nghiệm thực hiện. Từ làm rèn, các hộ dân có thêm nguồn thu nhập ổn định, kinh tế gia đình phát triển, nhiều hộ có thu nhập hằng năm trên 90 triệu đồng/năm. Sản phẩm dao của Phúc Sen được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh. Hiện nay, làng nghề Phúc Sen có 145 lò rèn với gần 300 người thường xuyên tham gia duy trì sản xuất.
Trong các làng nghề truyền thống thì nghề rèn của người Nùng An hiện thu hút gần 300 lao động địa phương tham gia sản xuất. Đây là nghề phát triển mạnh, có sản phẩm đa dạng, phong phú và mang lại thu nhập cao nhất. Hiện xã có 4 xóm: Pác Rằng, Phja Chang, Tiến Minh, Đâư Cọ làm nghề rèn với 140 lò, sản xuất theo quy mô hộ gia đình, hợp tác xã.
Trung bình mỗi năm nghề rèn mang lại thu nhập cho địa phương hơn 18 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt 5,4 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm nghề rèn không những tiêu thụ tại các địa phương trong và ngoài tỉnh mà còn được các hộ sản xuất theo đơn đặt hàng của phía Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất phát triển.
Nghề làm giấy bản của xóm Dìa Trên, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) có từ lâu đời, các công đoạn chính để làm giấy hiện nay được thực hiện hoàn toàn thủ công theo cách truyền thống. Việc sản xuất giấy bản là hoạt động gắn liền với văn hóa truyền thống của người Nùng An. Bảo tồn và gìn giữ loại hình sản xuất truyền thống này cũng chính là góp phần bảo tồn nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc.
Xóm Dìa Trên có 40/64 hộ làm nghề giấy bản truyền thống. Nghề làm giấy bản của người Nùng được lưu truyền qua các thế hệ, gắn liền trong đời sống tâm linh. Nguyên liệu chính để làm giấy bản là vỏ cây Mạy Sla, tước sạch vỏ phơi khô, rồi ngâm nước khoảng 1 ngày cho mềm. Sau đó đem về ngâm nước vôi, cuốn thành cuộn rồi nung trong một ngày. Nung xong rửa sạch rồi lại ngâm cho mềm, tiếp đó mang về đập cho nhũn. Công đoạn tiếp theo là đổ nguyên liệu xuống hố đá quấy cho tan ra, sau đó trộn với cây nhớt. Khi bột giấy đã nhuyễn thì thành phẩm được múc tráng lên khuôn, mỗi khuôn là một tờ.
Với đặc tính xốp, nhẹ, giấy dai, bền bỉ với thời gian, được làm bởi nguyên liệu tự nhiên sẵn có, không gây hại môi trường nên sản phẩm rất được người dân ưa chuộng.
Xóm Dìa Trên, xã Phúc Sen có 65 hộ với 268 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Nùng, hoạt động kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nghề làm giấy ở đây đã có từ lâu đời. Giấy bản được đồng bào Nùng An dùng để ghi chép, trang trí nhà cửa, thờ cúng tổ tiên trong các dịp lễ, Tết. Việc sản xuất giấy bản là hoạt động gắn liền với với truyền thống và văn hóa của người Nùng An, bảo tồn và giữ gìn loại hình sản xuất truyền thống này cũng chính là góp phần bảo tồn nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc.
Nép mình dưới chân núi Phà Hùng (Núi To) của xã Quốc Dân, huyện Quảng Uyên, Cao Bằng, Phia Thắp được biết đến là nghề làm hương truyền thống từ bao đời nay. Với thành phần nguyên liệu hoàn toàn từ tự nhiên, những que hương Phia Thắp tạo nên mùi cay cay, nồng nồng do thành phần từ lá của cây trầm. Thân hương thường được dùng bằng cây mai vì nó dẻo và dễ bắt lửa.
Cây mai được lấy ở trên rừng rồi chẻ bằng tay, vót thành các que nhỏ, tròn đều và ngâm nước 2-3 ngày rồi mới mang ra dùng. Chất keo dính dùng để dính bột trầm với thân hương được làm từ những lá keo phơi khô. Loại lá này là đặc trưng duy nhất chỉ có làng làm hương Phia Thắp ở Cao Bằng trồng.
Nhúng hương vào nước keo rồi tẩm với hỗn hợp gồm mùn cưa và bột trầm, cứ làm đi làm lại 4 lần để cho ra được một que hương chắc và đẹp. Hiện nay, tại làng Phia Thắp có 48 hộ làm hương thắp, số lao động làm nghề 114 người, thu nhập từ làm hương chiếm 50% tổng thu nhập của hộ gia đình, nhiều hộ có thu nhập hàng năm trên 90 triệu đồng mỗi năm. Điều đặc biệt của nghề làm hương tại xã Phúc Sen là sản xuất chủ yếu là thủ công, không áp dụng các dây chuyền sản xuất công nghiệp; nguồn nguyên liệu không độc hại có nguồn gốc tự nhiên; tác động đến môi trường sống, khí thải, nước thải trong sản xuất là rất ít, gần như không có.
Trong quá trình làm phải lưu ý rất nhiều chi tiết. Nếu cho quá nhiều chất kết dính (bột lá bầu hắt) thì cũng không thành hương được. Nếu nắng đẹp thì phơi một ngày là khô, còn nếu không phải phơi 2 - 3 ngày. Có lúc người dân phải phơi hương trong bếp để kịp có hàng bán.
Những que hương sẽ được nhuộm chân màu đỏ rồi đem phơi khô tiếp, sau cùng là buộc thành từng bó để đi bán. Với chất lượng tốt và nguồn gốc rõ ràng, sản phẩm hương Phia Thắp được mang đi bày bán tại tất cả chợ phiên Tết của tỉnh Cao Bằng và các tỉnh, thành lân cận.
Ngoài nghề rèn và nghề làm giấy bản, nghề làm hương cũng được bà con trong xã gìn giữ và phát triển, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Huyện Quảng Hòa hiện có 6 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh Cao Bằng công nhận với tổng doanh thu ước đạt hơn 30 tỷ đồng/năm, gồm: làng nghề rèn Phúc Sen, làng nghề hương Phja Thắp (nay là xóm Đoàn Kết), làng nghề giấy bản Quốc Dân; làng nghề làm đường phên Bó Tờ, thị trấn Hòa Thuận; làng nghề làm nón lá Hoàng Diệu, xóm Hoàng Diệu và làng nghề làm ngói đất nung Lũng Rì, xóm Lũng Rì, xã Tự Do.
Các làng nghề truyền thống góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp gắn với du lịch, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hơn 3.000 lao động nông thôn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Hòa (Cao Bằng) Hoàng Thị Hiếu cho biết: Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2030, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách khuyến khích phát triển làng nghề gắn việc bảo vệ môi trường sinh thái, quy hoạch phát triển làng nghề gắn với sản phẩm OCOP phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Thường xuyên tập huấn nâng cao năng lực cho các chủ cơ sở sản xuất có kiến thức về tổ chức quản lý sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển các mô hình du lịch tại các làng nghề bảo đảm phát triển ổn định, bền vững, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới hiệu quả, thiết thực.
Cùng với đó, quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ, cơ sở hoạt động trong làng nghề được vay vốn trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi nhằm đổi mới thiết bị, công nghệ, sản xuất mặt hàng mới. Khuyến khích các cơ sở thuộc làng nghề nông thôn đầu tư theo chiều sâu, đổi mới công nghệ thiết bị, hiện đại hóa công nghệ truyền thống theo phương châm kết hợp giữa công nghệ tiên tiến với công nghệ truyền thống.
Hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa, tích cực tham gia các hội chợ làng nghề, quảng bá thương hiệu sản phẩm mới mở rộng thị trường xuất khẩu…
Phấn đấu đến năm 2030 tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân các làng nghề đạt khoảng 10%/năm; khôi phục, bảo tồn được ít nhất 2 làng nghề có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận mới 1 làng nghề truyền thống; phát triển 5 làng nghề gắn với du lịch. Trên 70% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả; 40% làng nghề truyền thống có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Có thể nói, việc giữ gìn và phát huy các giá trị làng nghề truyền thống trên địa bàn xã Phúc Sen luôn được Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã xác định là yếu tố quan trọng không những nâng cao đời sống của bà con nhân dân địa phương mà còn góp phần gìn giữ giá trị truyền thống của các làng nghề và làm phong phú thêm kho tàng văn hóa làng nghề của cộng đồng các dân tộc tỉnh Cao Bằng nói riêng, các dân tộc ở Việt Nam nói chung.