Phú Lộc là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng; có vị trí địa chính trị - kinh tế quan trọng của tỉnh Thừa Thiên Huế; với diện tích tự nhiên 720,9km, địa hình chia cắt phức tạp, với bờ biển dài trên 60km, diện tích vùng đầm phá hơn 12.000 ha, có nơi núi kéo dài ra đến biển.

Trong hành trình xây dựng NTM, từ một huyện thuần nông, đến nay lĩnh vực dịch vụ - du lịch và công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 93,6% trong cơ cấu kinh tế. Tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn 6,4%. Nhiều dự án du lịch, sản xuất công nghiệp có quy mô lớn đã được triển khai và đi vào hoạt động, đặc biệt là các dự án tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Khu công nghiệp La Sơn. Tổng lượng khách du lịch đến Phú Lộc (trước khi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19) đạt hơn 1 triệu lượt khách/năm. Nông nghiệp phát triển theo hướng khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng biển và đầm phá. Đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất theo hướng hàng hóa. 

Trong giai đoạn 2020 - 2025, huyện Phú Lộc xác định tập trung phát huy tinh thần đổi mới tư duy, huy động và sử dụng tốt các nguồn lực để phát triển toàn diện các lĩnh vực, trong đó, góp phần cùng với tỉnh xây dựng, phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô sớm trở thành đô thị loại III, gắn phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường; giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của địa phương; chăm lo cho các gia đình chính sách, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Mục tiêu tổng quát đến năm 2025, xây dựng Phú Lộc thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, ngày càng giàu đẹp, văn minh.

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Với mục tiêu xây dựng nông thôn mới hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, huyện Phú Lộc đang có những bước đi đúng hướng với mục tiêu này.

Ngành nông nghiệp huyện đang triển khai các giải pháp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là ở các xã trọng điểm về nông nghiệp; phối hợp với các địa phương tập trung các giải pháp hỗ trợ hình thành mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa lớn đối với các nhóm sản phẩm chủ lực. Nhiều mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ xây dựng NTM được triển khai có hiệu quả. Mục tiêu của huyện Phú Lộc trong năm nay, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chuyên đề trọng yếu, tập trung vào phát triển sản xuất. Các địa phương đang xây dựng, nâng cấp các sản phẩm đạt chuẩn OCOP, như hải sản chế biến khô Xuân Anh, trà vả Lộc Mai, dầu tràm Lộc Thủy và các sản phẩm đang triển khai dang dở năm 2022.

Một số địa phương mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng, cải thiện cảnh quan, môi trường, hình thành các điểm dịch vụ du lịch cộng đồng ở khu vực nông thôn. Đáng kể đến là Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, thác Nhị Hồ, Khe Su - Lộc Trì, Bàu Ghè - Lộc Tiến, Suối Tiên - Lộc Thủy... Các điểm du lịch trên từng bước hình thành, tạo ấn tượng tốt với du khách. Trong đó, du lịch Suối Tiên đang hoàn tất hồ sơ đăng ký tham gia sản phẩm OCOP.

Về ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, Phú Lộc đang tích cực triển khai chuyển đổi số trong các đơn vị hành chính, lực lượng Tổ Công nghệ số cộng đồng của huyện Phú Lộc thực hiện số hóa hơn 42.600 địa chỉ nhà ở, hơn 153.800 nhân khẩu; tích hợp, kế thừa các dữ liệu từ các hệ thống dùng chung của tỉnh. Đến nay, hệ thống Trung tâm Giám sát điều hành thông minh huyện Phú Lộc đã hình thành với các phân hệ thông tin dữ liệu được cập nhật, đồng bộ theo thời gian thực, gồm: Phân hệ địa chỉ số; phân hệ hộ nghèo, cận nghèo, chính sách; phân hệ tổ công nghệ số cộng đồng; phân hệ Hue-S và ví điện tử; phân hệ phản ánh hiện trường; phân hệ dịch vụ công; phân hệ tiếp cận truyền thông; phân hệ lưu lượng giao thông.

Thời gian tới, huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn rà soát, bổ sung, chỉnh lý dữ liệu dân cư còn sai lệch, thiếu hụt; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ngành liên quan để hoàn thiện hệ thống; tích hợp, bổ sung, kế thừa các nguồn dữ liệu liên quan phục vụ hoạt động quản lý điều hành của huyện. Bên cạnh đó, sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc rà soát các dữ liệu quản lý chuyên ngành, tham mưu tích hợp vào hệ thống Trung tâm Giám sát điều hành thông minh.

Mục tiêu đến năm 2025, Phú Lộc đảm bảo đạt 100% các tiêu chí về chuyển đổi số, nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và thông minh; thay đổi căn bản và toàn diện phương thức quản lý nhà nước và kết nối người dân bằng nền tảng số; tỷ trọng đóng góp kinh tế số chiếm từ 15% đến 20%.