Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, từng bước hình thành nông thôn mới thông minh.

Đến hết năm 2023, tỉnh Đồng Tháp đã công nhận thêm 6 xã đạt chuẩn NTM, lũy kế đến hết năm 2023 toàn tỉnh có 115/115 xã đạt chuẩn NTM; có thêm 18 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, lkế có 36 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đến nay, toàn tỉnh có 3 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ NTM (TP Sa Đéc, TP Cao Lãnh và TP Hồng Ngự), 2 huyện Tháp Mười và Cao Lãnh đạt chuẩn NTM. Các huyện: Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành đã lập hồ sơ đề nghị xét công nhận huyện NTM.

W-muanhan.png
Sản phẩm nhãn của Châu Thành

Tiếp tục hành trình xây dựng NTM, tỉnh đang tập trung vào 3 lĩnh vực chính: phát triển chính quyền số trong xây dựng NTM; phát triển kinh tế số góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn; xã hội số trong xây dựng NTM. Đồng thời phấn đấu có ít nhất 1 mô hình thí điểm xã NTM thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hóa…); xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, theo dõi, giám sát, thẩm định, công nhận địa phương đạt chuẩn NTM.

Một mô hình thí điểm thuộc Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cũng được tỉnh đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đó là mô hình “Xã thương mại điện tử” tại xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, nhằm mục tiêu hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã và cộng đồng dân cư; đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch của cá nhân, tổ chức tại địa phương.

Bên cạnh đó, Đồng Tháp đã xây dựng và ứng dụng “Phần mềm số hoá đánh giá  NTM ” nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc lưu trữ và đánh giá xã, huyện đạt chuẩn  NTM liên thông từ cấp xã đến cấp tỉnh, hạn chế được kinh phí in ấn và photo tài liệu. Văn phòng cũng soạn thảo và in ấn 3.800 cuốn sổ tay hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng  nông thôn mới  tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025 gửi các sở ngành, các huyện và xã, ấp để thực hiện. Đồng thời triển khai Nghiên cứu xây dựng mô hình Làng thông minh phát triển từ Hội quán nông dân tại Đồng Tháp.  

Đảm bảo an ninh trật tự vùng nông thôn, các địa phương thực hiện và nhân rộng mô hình “Camera an ninh” với 2.565 camera; “Zalo Official Account” “Tiếng loa NTM”…, góp phần xây dựng xóm làng yên vui, đảm bảo về trật tự. Chuyển đổi số y tế được tỉnh quan tâm, từng bước mở rộng phạm vi cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh thanh toán bảo hiểm cho y tế cơ sở với mục tiêu chung là bao phủ dịch vụ y tế cơ bản có chất lượng cho toàn dân; áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành y tế cơ sở, ứng dụng triển khai các phần mềm liên thông để phục vụ công tác quản lý điều hành thống nhất thông suốt từ tỉnh, huyện, xã.

Đối với phát triển chính quyền số trong xây dựng NTM, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số đạt kết quả tích cực trong tất cả các lĩnh vực, nhất là chính quyền số và trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục. 100% cơ quan hành chính điều hành giải quyết công việc qua phần mềm quản lý văn bản và điều hành iDesk, được kết nối, liên thông đến 4 cấp; đưa vào vận hành Hệ thống thông tin báo cáo, phần mềm quản lý tiến độ dự án, hệ thống thông tin ngành thông tin và truyền thông, phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước. Đồng thời, cơ quan nhà nước trong tỉnh tăng cường sự tương tác, kết nối trực tuyến với người dân, doanh nghiệp thông qua mạng internet, mạng xã hội, Tổng đài 1022, ứng dụng e-DongThap kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhất là khi sử dụng dịch vụ công.

UBND tỉnh còn hỗ trợ kinh phí tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở (thiết lập mới Đài truyền thanh không dây xã NTM) cho 14 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao năm 2023 với kinh phí 4,125 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng Trang thông tin điện tử cho 102 xã NTM để củng cố chỉ tiêu 8.4 xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành thuộc tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông với kinh phí 2,854 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thực hiện tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin cho cán bộ xã và phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân khu vực nông thôn với khoảng 3.450 người. Tính đến nay, toàn tỉnh có 111/119 xã đạt chuẩn tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông.

Về phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, tỉnh đăng ký với Trung ương thí điểm xây dựng mô hình xã thương mại điện tử Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh đến năm 2025. Đây là 1 trong 9 mô hình thí điểm do Trung ương chỉ đạo thuộc Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025 (đợt 1) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt. Hiện, UBND tỉnh giao Sở Công Thương, các sở, ngành liên quan hỗ trợ, hướng dẫn UBND huyện Cao Lãnh xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình.

Đồng thời gắn kết thực hiện hiệu quả chuyển số ngành nông nghiệp của tỉnh, tiến tới nền nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn.