Đồng Nai là một tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 270.000 ha, với cơ cấu cây trồng, vật nuôi đa dạng; tuy nhiên phát triển nông nghiệp hữu cơ tại một tỉnh công nghiệp như Đồng Nai sẽ gặp nhiều khó khăn. 

Để đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tỉnh Đồng Nai đã xác định vai trò quan trọng của việc phát triển nông nghiệp hữu cơ. Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định: “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm” là 1 trong 4 nhiệm vụ đột phá.

W-huuco.png
Ảnh minh hoạ

Để thực hiện phát triển nông nghiệp hữu cơ, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 05/2023/NQ-HĐND ngày 14/7/2023, quy định về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2327/QĐ-UBND ngày 28/9/2023 về phê duyệt Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch 5 năm, kế hoạch hàng năm để triển khai thực hiện. 

Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu có tổng diện tích trồng trọt hữu cơ và hướng hữu cơ trên địa bàn đạt 4,4 nghìn ha, chiếm 2,13% diện tích sản xuất đất nông nghiệp của tỉnh; xây dựng và nhân rộng 30 mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả gồm: 19 mô hình trồng trọt, 6 mô hình chăn nuôi, 5 mô hình thủy sản.

Hình thành các vùng đáp ứng các tiêu chí để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung bao gồm: huyện Tân Phú 2 vùng: vùng 1 là xã Đak Lua; vùng 2 (4 xã Nam Cát Tiên, Núi Tượng, Phú Lập và Tà Lài); vùng 3 xã Thanh Sơn huyện Định Quán; vùng 4 xã Hiếu Liêm huyện Vĩnh Cửu; vùng 5 xã Phú Lý huyện Vĩnh Cửu; vùng 6 xã Suối Cao huyện Xuân Lộc; vùng 7 xã Lâm San huyện Cẩm Mỹ; vùng 8 xã Phước An huyện Nhơn Trạch. Mỗi vùng phát triển nông nghiệp hữu cơ tập trung, hình thành chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đối với từng ngành hàng. Giá trị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cao gấp 1,5 – 2 lần so với sản phẩm nông nghiệp thông thường.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 9 mô hình trồng rau, hồ tiêu, sầu riêng, bưởi, dưa hấu, đu đủ, ổi, ớt được cấp chứng nhận sản xuất hữu cơ với diện tích gần 29 hécta. Đồng thời, tỉnh cũng có 122 mô hình, vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ với tổng diện tích gần 2,5 ngàn hécta, vượt gấp nhiều lần so với mục tiêu nghị quyết đề ra đến năm 2025.

Kết quả trên là do sự nỗ lực của tỉnh, của các địa phương, doanh nghiệp, nông dân trong học hỏi kinh nghiệm trong nước, nước ngoài để ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp. Mục đích tỉnh hướng đến là nền nông nghiệp xanh, tuần hoàn, ít phát thải.

Mới đây, Đồng Nai đã phối hợp với Đại học Ritsumeikan (Nhật Bản) ứng dụng công nghệ Sofix vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Dự kiến tỉnh sẽ triển khai thí điểm công nghệ Sofix vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cây sầu riêng và bưởi. Sau khi có kết quả tích cực sẽ nhân rộng ra các cây trồng khác để mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại các địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ xây dựng các chính sách hỗ trợ nông dân triển khai những mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với xây dựng thương hiệu nông sản. Như vậy, sản phẩm nông nghiệp của Đồng Nai sẽ dễ dàng tăng được thị phần tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.