Trong bức tranh phát triển chung của ngành nông nghiệp, lĩnh vực trồng trọt có tốc độ giá trị sản xuất tăng 3,5% so với năm 2022. Hiện toàn tỉnh có 424.754 ha diện tích đất canh tác nông nghiệp; trong đó, cây cao su và điều đứng đầu cả nước.
Ngành nông nghiệp Bình Phước xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2030 là ưu tiên hàng đầu và tập trung vào một số ngành hàng chủ lực và phát triển ở địa bàn có lợi thế về đất đai rộng. Trong đó Bình Phước quan tâm phát triển vùng cây ăn trái với diện tích 5.000ha; vùng trồng hồ tiêu với diện tích 3.000ha; đồng thời xây dựng chuỗi chăn nuôi trên khoảng khoảng 9.500ha.
Tỉnh có 440ha được ứng dụng công nghệ cao; 6.000ha được ứng dụng tưới tiết kiệm nước và có 75 mã số vùng trồng được xuất khẩu chính ngạch khoảng 4.500ha, sản lượng khoảng 148.783,36 tấn/năm.
Lĩnh vực chăn nuôi và thuỷ sản có bước phát triển vượt bậc, theo hướng công nghiệp hiện đại. Lĩnh vực chăn nuôi và thuỷ sản, có 271 trang trại chăn nuôi heo (chiếm 66,7% số trang trại) và gia cầm có 60 trang trại (chiếm 68,2% số trang trại) có ứng dụng công nghệ cao.
Toàn tỉnh Bình Phước có 5 nhãn hiệu được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ gồm: “Hạt điều Bình Phước”, “Hồ tiêu Lộc Ninh”, “Gà thả vườn Thanh Lương” và “Nhãn tiêu da bò Thanh Lương”, “Cao su Bình Phước”. Đến nay tỉnh có 157 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 đến hạng 5 sao và có khoảng trên 206 chuỗi liên kết theo chuỗi giá trị đang hoạt động hiệu quả với 38 hợp tác xã tham gia.
Đặc biệt, việc cấp mã vùng trồng nhằm phục vụ cho xuất khẩu được ngành đặc biệt quan tâm. Đến nay tỉnh đã cấp được 48 mã số vùng trồng với tổng diện tích trên 3.801 ha, nhờ đó trong năm đã xuất khẩu được trên 134,7 ngàn tấn các loại mặt hàng nông sản và cây ăn trái sang thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có thành lập 05 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm: Đồng Xoài, Thanh Lễ, Đồng Phú, Hải Vương và Chơn Thành.
Tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, Bình Phước đang triển khai quyết liệt các chương trình, đề án đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thông qua, với trọng tâm là các đề án thuộc Chương trình 17 của Tỉnh ủy, Chương trình tam nông và Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Phát triển đồng bộ hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp. Thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp. Đẩy mạnh hỗ trợ chủ thể đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu, xúc tiếp thương mại. Đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Mục tiêu đến năm 2030, về trồng trọt, vùng cây ăn trái với diện tích 5.000ha tại các huyện: Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Bù Đăng; vùng trồng hồ tiêu với diện tích 3.000ha tại các huyện: Hớn Quản, Lộc Ninh, Bù Đốp; Vùng trồng cây dược liệu với diện tích 500 ha trên địa bàn các huyện: Bù Gia Mập, Phú Riềng, Hớn Quản, Đồng Phú và Bù Đăng.
Về chăn nuôi, khoảng 9.500ha, trong đó Đồng Phú 600ha, Hớn Quản 1.500ha, Lộc Ninh 1.500ha, Bù Đốp 600ha, Bù Gia Mập 2.500ha, Phú Riềng 800ha, Bù Đăng 2.000ha.