Theo Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh Bình Định, cái khó của các địa phương trong thực hiện xây dựng NTM trong năm 2022 là hầu hết các xã đều có xuất phát điểm rất thấp, tiềm lực hạn chế. Thế những các tiêu chí để được công nhận xã NTM và xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 có nhiều điều chỉnh theo hướng nhiều hơn, nâng cao hơn. Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021-2025 về cơ bản vẫn giữ 19 tiêu chí, nhưng tăng thêm 8 chỉ tiêu. Các chỉ tiêu tăng thêm này được chia nhỏ ra, cụ thể hơn và nâng cao hơn so với giai đoạn trước.
Nâng chất sản phẩm nông nghiệp
Cùng với đó, một số tiêu chí với các chỉ tiêu phân cấp cho Bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh quy định cụ thể. Ví như giai đoạn 2016-2020, tiêu chí 13 là tổ chức sản xuất chỉ có 2 chỉ tiêu là xã có HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012 và xã có mô hình sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững.
Thế nhưng trong giai đoạn 2021-2025, với tiêu chí 13 đã tăng thêm 3 chỉ tiêu và phân cấp cho UBND tỉnh quy định cụ thể gồm: Thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương; có kế hoạch và triển khai kế hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với hạ tầng về bảo vệ môi trường; có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả.
Đầu năm 2022, trong 113 xã trên địa bàn tỉnh Bình Định đăng ký xây dựng NTM có 2 nhóm xã; nhóm 1 có 83 xã, trong đó có 81xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 71,68%; 2 xã đã hoàn thành hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận năm 2021, chiếm 1,77%. Nhóm 2 có 30 xã, trong đó có 5 xã đã đạt từ 15-18 tiêu chí, chiếm 4,42%; 19 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, chiếm 16,81%; 6 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, chiếm 5,31%.
Cả năm 2022, toàn tỉnh Bình Định có 4 xã đăng ký về đích NTM gồm xã Vĩnh Quang (huyện Vĩnh Thạnh), xã Mỹ Thắng và Mỹ Ðức (huyện Phù Mỹ) và xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân). Ðến nay, cả 4 địa phương nói trên đang gấp rút triển khai thực hiện các tiêu chí, đặt mục tiêu về đích đúng kế hoạch.
Xây dựng đời sống văn hóa mới
Nhờ luồng gió NTM mang lại, các mô hình về xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa đã hình thành ở tất cả huyện, thị xã, thành phố, góp phần thay đổi nếp sống, cách nghĩ, cách làm trong nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh.
Bên cạnh thúc đẩy làm kinh tế, bà con giờ còn cùng nhau phục dựng, bảo tồn các nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
Vào những quãng thời gian nông nhàn, hay chuẩn bị lễ hội, CLB Cồng chiêng của đồng bào H’re thôn 4 (xã An Trung, huyện An Lão) tập hợp các thành viên say mê cồng chiêng, làn điệu dân ca truyền thống, tham gia biểu diễn ở các lễ hội của địa phương, truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ.
Bà Đinh Thị Gai, Chủ nhiệm CLB, cho biết: Để gìn giữ nét đẹp truyền thống, CLB đã vận động nhân dân trong làng tham gia các hoạt động tập luyện, biểu diễn cồng chiêng, múa hát. Nhiều thanh niên từng bỡ ngỡ, ngượng ngùng bởi không biết đánh cồng, chiêng, múa hát thì nay đã mạnh dạn hơn. Đội cồng chiêng của thôn cũng tham gia các lễ hội lớn của huyện, của tỉnh.
Được thí điểm từ năm 2020, mô hình tổ tự quản thu gom rác thải, vỏ thuốc bảo vệ thực vật tại khu dân cư Phước Thung (xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ) đã đẩy mạnh vận động nhân dân thu gom rác thải, giám sát việc thu gom, tập trung rác thải, vỏ thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định.
Ông Nguyễn Thành Phương, Tổ trưởng tổ tự quản chia sẻ: Định kỳ 2 lần mỗi tháng, chúng tôi thực hiện tiêu hủy rác thải, chai lọ, vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng. Bà con ý thức rõ ý nghĩa của hoạt động này là góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của chính mình.
Giờ đây mô hình tổ tự quản đã được nhân rộng khắp toàn tỉnh, góp phần đưa nông thôn Bình Định ngày càng khang trang, thịnh vượng.
Yến Hưng