Theo nghị quyết của Tỉnh ủy Bến Tre đến năm 2025, địa bàn tỉnh phấn đấu nuôi đạt 4.000ha tôm công nghệ cao. Mô hình nuôi tôm nước lợ theo hướng ứng dụng công nghệ cao liên tục phát triển mạnh ở Bến Tre trong vài năm gần đây nhờ thực hiện chủ trương phát triển về hướng Đông của tỉnh, với mục tiêu cụ thể là phát triển 4.000ha tôm nuôi hình thức này vào năm 2025.
Tỉnh hiện có khoảng 36.000ha tôm nuôi nước lợ; trong đó có khoảng 12.500ha tôm nuôi thâm canh bán thâm canh, tập trung tại 3 huyện ven biển là Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.
Để phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao, thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi (hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi) ở các địa phương ven biển.
Sau hơn 3 năm triển khai, Bến Tre đã phát triển được hơn 3.430ha, đạt 85,76% kế hoạch; sản lượng tôm nuôi ước đạt 160.188 tấn. Để phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao, thời gian qua tỉnh đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi ở các địa phương ven biển.
Tỉnh đã xây dựng được vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đạt chuẩn ASC với quy mô 90ha và 96ha tôm ứng dụng công nghệ cao đạt chứng nhận BAP (thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất) tại huyện Thạnh Phú. Hiện, địa phương đang xây dựng khoảng 200 ha theo chứng nhận ASC tại huyện Bình Đại.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Nguyễn Văn Buội cho biết, tỉnh đặt mục tiêu phát triển diện tích nuôi tôm công nghệ cao đến năm 2025 đạt 4.000 ha, với sản lượng tôm đạt 144.000 tấn; đến năm 2030, phát triển khoảng 5.800 ha, với sản lượng đạt 208.800 tấn. Diện tích nuôi tôm công nghệ cao tập trung chủ yếu ở các huyện ven biển, gồm Bình Đại, Thạnh Phú và Ba Tri.
Đặc biệt, đến năm 2030, tỉnh hình thành được 5 vùng nuôi tôm công nghệ cao do doanh nghiệp đầu tư, với quy mô 3.350 ha tập trung ở huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú.
Đồng thời, Bến Tre tận dụng cơ sở hạ tầng đã được đầu tư, để phát triển khu vực nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao có quy mô trang trại,hộ gia đình có diện tích từ 2-10 ha tại các huyện Bình Đại, huyện Ba Tri, huyện Thạnh Phú.
Ông Nguyễn Văn Buội thông tin, để đạt mục tiêu đề ra, thời gian tới, tỉnh khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất dựa trên các hộ, cơ sở nuôi phân tán, nhỏ lẻ hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, với mục tiêu mỗi huyện thành lập 1 hợp tác xã nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao đạt 100 tỷ đồng/hợp tác xã.