Tỉnh Bắc Kạn đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đặc biệt là NTM nâng cao tại các địa phương; xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Bộ tiêu chí về NTM nâng cao đòi hỏi rất cao, như về giao thông đòi hỏi 100% đường giao thông nông thôn phải được cứng hóa, phải có ít nhất 01 trường học trên địa bàn đạt chuẩn mức độ 2. Ngoài ra, tiêu chí thu nhập cần tăng từ mức 42 triệu đồng lên 51 triệu đồng/người/năm để đạt nông thôn mới nâng cao, là nhiệm vụ rất khó khăn.
Với quan điểm xây dựng nông thôn mới phải bền vững, thực chất, tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo xây dựng nông thôn mới chắc ngay từ cấp thôn và tập trung cho phát triển tiêu chí nâng cao thu nhập, bảo đảm “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp”.
Là tỉnh nông nghiệp, Bắc Kạn đã không ngừng chuyển dịch theo hướng đổi mới cơ cấu, cây trồng, vật nuôi, cơ cấu lại mùa vụ đặc biệt sản xuất hàng hoá trở thành lựa chọn hàng đầu của người dân. Tỉnh chú trọng đầu tư vào các sản phẩm nông sản theo hướng chế biến sâu, liên kết chuỗi, quy hoạch vùng nguyên liệu phát triển bền vững, từng bước khẳng định chất lượng, thương hiệu, đồng thời tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết hợp tác…
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng sản xuất chế biến quy mô lớn; tạo mọi điều kiện thuận lợi về đất đai, thuế, lao động, tín dụng… mời gọi các nhà đầu tư đến Bắc Kạn để sản xuất và chế biến nông sản chất lượng cao.
Các chính sách tín dụng, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi... đã tạo điều kiện trực tiếp cho các vùng nông thôn, vùng sâu từng bước vươn lên, nhiều mô hình kinh tế được hình thành, phát triển thu về những kết quả ngoài mong đợi.
Đặc biệt, bắt kịp làn gió của cuộc cách mạng công nghệ, của chuyển đổi số, tỉnh đã và đang mạnh dạn triển khai nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, phát triển các mặt hàng nông sản, đặc biệt là sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) theo hướng củng cố số lượng, nâng cao chất lượng. Cùng với việc nâng cao chất lượng các sản phẩm nông sản, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm xúc tiến, quảng bá, đưa thương hiệu, sản phẩm thế mạnh của địa phương có mặt trên nhiều thị trường trong, ngoài nước.
Song song với việc tạo nguồn nông sản chất lượng, Bắc Kạn còn rất nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm này. Hiện tại, tỉnh đã xây dựng và vận hành sàn thương mại điện tử Bắc Kạn tại địa chỉ backanmarket.vn. Đây là kênh quảng bá, mua bán hàng hóa sản phẩm dịch vụ trực tuyến do tỉnh Bắc Kạn xây dựng, phát triển và vận hành với sự đồng hành hỗ trợ của Công ty TNHH Tập đoàn Kim Nam. Đến nay, đã có gần 200 sản phẩm OCOP và nông sản tỉnh Bắc Kạn được đăng tải thông tin, mua bán trực tuyến tại sàn thương mại điện tử Bắc Kạn. 182 sản phẩm được hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử VoSo và sàn thương mại điện tử Postmart. HTX Tài Hoan và HTX Nông nghiệp Tân Thành đã có sản phẩm lên sàn thương mại điện tử https://www.alibaba.com một trong 10 sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới.
Để tiếp tục mở rộng đầu ra cho các sản phẩm địa phương, Bắc Kạn đã hỗ trợ 8 đơn vị xây dựng website bán hàng, tiếp thị sản phẩm, hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ nhóm được tập huấn kỹ thuật về kỹ năng tham gia các sàn thương mại điện tử... qua đó quảng bá sản phẩm hàng hóa của tỉnh đến với người tiêu dùng địa phương cũng như trong cả nước.
Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn xây dựng và vận hành Cổng Thông tin điện tử “Kết nối OCOP” hồ sơ sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên của Bắc Kạn, lựa chọn để đăng tải trên hệ thống https://ketnoiocop.vn; Liên minh Hợp tác xã tỉnh hỗ trợ trên 50 lượt hợp tác xã quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên Internet và hỗ trợ trên 120 lượt hợp tác xã tham gia kết nối chương trình tại Cổng Thông tin kết nối cung cầu Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Sự hợp tác của các sàn thương mại điện tử lớn này sẽ hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn thúc đẩy phân phối sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử, hướng đến mục tiêu thương mại số. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn tiếp cận với phương thức phân phối hiện đại, ứng dụng các giải pháp công nghệ số để tăng cường hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.