Bắc Kạn là tỉnh miền núi còn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những năm qua, triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh tập trung triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, trong đó có lĩnh vực thương mại.
Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (Tiêu chí số 7) bao gồm chợ nông thôn và cơ sở bán lẻ khác (siêu thị mini, cửa hàng tiện ích, cửa hàng kinh doanh tổng hợp...). Đây là tiêu chí được đánh giá có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bắc Kạn hiện có tổng số 64 chợ đang hoạt động. Trong đó, có một chợ hạng 1, 4 chợ hạng 2 và 59 chợ hạng 3. Nhìn chung, các chợ trên địa bàn tỉnh đều phát huy hiệu quả tốt trong việc thu hút, tập trung lực lượng hàng hóa lớn từ các nguồn sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh.
Các chợ cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua bán trao đổi hàng hóa và tiêu dùng của nhân dân. Tuy nhiên, tại một số địa bàn vùng cao, do điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn hạn chế, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh còn lớn nên việc phát triển chợ ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc (để tránh việc hình thành chợ cóc, chợ tạm gây mất an ninh trật tự, mỹ quan) là thực sự cần thiết, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương; góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại của tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại.
Vì vậy, khi có nguồn vốn đầu tư, tỉnh Bắc Kạn ưu tiên các chợ đang hoạt động nhưng cơ sở vật chất xuống cấp, quá tải cần đầu tư cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới để đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, không có khả năng kêu gọi xã hội hóa.
Năm 2023, theo kế hoạch tỉnh đầu tư, thực hiện xây mới đối với chợ xã Quang Phong, huyện Na Rì và cải tạo, nâng cấp đối với chợ Tinh xã Yên Hân, huyện Chợ Mới với kinh phí hơn 8 tỷ đồng. Cả hai công trình đều đang được triển khai thực hiện dự kiến sẽ bàn giao đưa vào sử dụng trong năm nay.
Kinh phí đầu tư xây dựng chợ chủ yếu đều từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và chỉ đầu tư được hạng mục chính như (nhà đình chợ) còn các công trình phụ chợ hầu hết chưa được đầu tư hoặc đã được đầu tư nhưng đã xuống cấp, hư hỏng và không thể sử dụng được như: Tường bao, nhà vệ sinh, hệ thống thoát nước thải, hệ thống điện, nước sạch, nền chợ … Tình trạng thiếu khu vệ sinh công cộng, thu gom rác và xử lý rác trong ngày gây ô nhiễm môi trường, cơ sở vật chất xuống cấp, vấn đề văn minh thương mại, an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy trong phạm vi chợ chưa được quan tâm đúng mức.
Tỉnh Bắc Kạn xác định thời gian tới sẽ ưu tiên các chợ đang hoạt động nhưng cơ sở vật chất xuống cấp, quá tải cần đầu tư cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới để đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, không có khả năng kêu gọi xã hội hóa.