Giám khảo cuộc thi Hoa hậu Hòa bình 2017 cho biết không hài lòng với sự thể hiện của Huyền My trong đêm chung kết. Theo anh, hành động của cô là đáng xẩu hổ.
Cuộc thi Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2017 khép lại với chiến thắng thuyết phục thuộc về hoa hậu Peru. Đại diện của Việt Nam - Huyền My được khán giả đặt nhiều kỳ vọng nhưng chỉ lọt vào top 10. Tuy nhiên, sự thể hiện của cô sau khi công bố tân hoa hậu mới khiến khán giả bàn tán. Huyền My đã khóc rất nhiều và không đến chúc mừng hoa hậu.
Theo dõi quá trình thể hiện của Huyền My trong 3 tuần tham gia cuộc thi, nhà thiết kế Sỹ Hoàng đã thẳng thắn đưa ra những hạn chế của đại diện Việt Nam.
Huyền My khóc và không chúc mừng tân hoa hậu là không chấp nhận được
NTK Sỹ Hoàng |
Trước đêm chung kết Hoa hậu Hòa bình 2017 nhiều khán giả kỳ vọng vào Huyền My, họ không ngờ cô ấy lại trượt top 5 khi có 3 giám khảo người Việt. Anh phản hồi gì về điều này?
- Đây là cuộc thi mang tầm vóc quốc tế, thành phần ban giám khảo gồm nhiều nước khác nhau, có tính chuyên nghiệp cao. Trong suốt 3 tuần thi, điểm của thí sinh là điểm được chấm trong cả những sinh hoạt đời thường chứ không chỉ trên sân khấu hay đêm chung kết. Hơn nữa ban giám khảo của người Việt không thể không công tâm khi mà có quá nhiều thí sinh đẹp, nổi bật cả hình thể và phong thái giao tiếp trong số 77 thí sinh.
Kết quả của Huyền My đạt được, theo ban giám khảo đánh giá là khá cao và có sự ưu ái. Ban tổ chức còn phải chấp nhận trao giải thưởng phụ mà trước đó họ chưa từng trao đó là giải khỏe và đẹp cho gương mặt đại diện của nhà tài trợ. Được ngồi ghế giám khảo cuộc thi lớn thì chúng tôi phải xác định phải thể hiện danh dự cá nhân và sự công minh, chính trực của nước chủ nhà. Điều này không chỉ là danh dự cá nhân mà để lần sau các cuộc thi quốc tế khác còn muốn mang tới Việt Nam. Nếu không họ làm sao dám mang cuộc thi tới Việt Nam nữa.
Các cuộc thi quốc tế đến Việt Nam cho chúng ta học hỏi được rất nhiều từ quản lý, tổ chức, điều hành rồi thiết kế, kỹ thuật… Đó là những bài học quý giá.
Huyền My khóc rất nhiều trong đêm chung kết. Ảnh: Việt Hùng.
|
Anh đánh giá thế nào về sự thể hiện của Huyền My trong đêm chung kết khi khóc rất nhiều và không đến chúc mừng tân hoa hậu?
- Khi công bố giải thưởng, các hoa hậu các nước đều đến chúc mừng tân hoa hậu còn Huyền My lại đứng đằng sau khóc. Sau đó, ở phía sàn sân khấu, các hoa hậu đứng chúc mừng, ôm nhau thì cô ấy lại khóc thêm một trận nữa. Lẽ ra không được giải thì ngay lập tức Huyền My phải trở về với vai trò của đại diện nước chủ nhà tới chúc mừng chứ.
Chứng kiến cách hành xử của Huyền My, tôi và Giáng My đều cảm thấy rất xấu hổ cho cô ấy. Chúng tôi cứ hỏi tại sao Huyền My lại không đến chúc mừng hoa hậu. Hình ảnh đó lại được truyền thông trên toàn thế giới. Nếu hoa hậu nước chủ nhà ra chúc mừng tân hoa hậu thì đẹp biết bao, đằng này lại khóc tức tưởi.
Quá dở và quá thất vọng! Trong cuộc thi Huyền My có quá nhiều lợi thế so với các cô hoa hậu khác. Cô ấy có một ê-kíp hùng hậu, còn các hoa hậu khác chỉ có một mình, tự làm tất cả. Mỗi lần xuất hiện, Huyền My lại được sự ủng hộ của khán giả quá lớn. Tất cả những lợi thế đó, Huyền My chưa tận dụng được vì cô ấy chưa trưởng thành. Qua lần này, Huyền My phải rút kinh nghiệm để vững vàng hơn, chứ hành xử thế này không chấp nhận được.
Vào top10 là quá ưu ái
Trong đêm chung kết, anh thừa nhận rơi nước mắt khi chứng kiến những giọt nước mắt của Hoa hậu Hòa bình năm 2016 khi trao lại vương miện. Liệu anh có quá khắt khe với Huyền My?
- Huyền My cho rằng khóc là xin lỗi khán giả, tôi nghĩ đâu cần như vậy. Các cô hoa hậu kia hồn nhiên, chạy tới ôm hôn, chúc mừng tân hoa hậu. Suy cho cùng ai chiến thắng thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ nặng nề trong năm tới và người đó xứng đáng. Họ hồn nhiên, còn Huyền My lại thể hiện sự ăn thua, quá kỳ vọng, quá thiếu lượng sức mình.
Trong 3 tuần thi, cô tách biệt ra khỏi tập thể. Khi xuất hiện trong các bữa ăn, các cô hoa hậu kia vẫn đeo băng, ăn mặc chỉnh tề thể hiện là đại diện quốc gia, còn Huyền My đi dép khách sạn, quá mờ nhạt. Trong khi ai cũng nói chuyện vui vẻ, còn cô ấy lặng lẽ. Thế là do cô ấy tự hạn chế mình chứ có ai hạn chế cô ấy đâu. Khi Hoa hậu Hòa bình năm 2016 lên trao vương miện, cô nói hay, chân thành và đầy cảm xúc khiến tôi và Giáng My đều xúc động và rớt nước mắt. Cô ấy thể hiện sự tự hào về dân tộc.
Cô ấy khóc vì tận cùng của sự tự hào chứ không phải khóc trong sự tức tưởi, tức tối của một đứa trẻ bị mất phần. Giọt nước mắt của cô ấy làm lay động con tim và khiến người ta kính nể cô ấy hơn. Qua đó, càng yêu mến đất nước cô ấy. Còn giọt nước mắt của Huyền My làm xấu hổ cho đất nước. Vào top 10 là quá ưu ái rồi - Ngoài ra, trong suốt cuộc thi, Huyền My còn có những khuyết điểm gì mà theo anh chưa được đánh giá cao?
Giám khảo khi chấm điểm luôn phải đối chiếu so sánh giữa các thí sinh với nhau. Bản thân Huyền My đã nỗ lực nhưng so với các thí sinh khác thì không tốt bằng từ hình thể, phong thái, hành xử. Trong lúc hành xử, giao tiếp ở bên ngoài, đáng lẽ phải thể hiện được sự bản lĩnh, vai trò chủ nhà, ra tiếp khách, Huyền My thì rất mờ nhạt. Trong các bữa ăn, các cô hoa hậu kia rất tự nhiên, cởi mở, chào hỏi mọi người khi gặp mặt. Họ giao lưu với nhau, còn Huyền My ít chào hỏi và ít khi xuất hiện. Sau khi nhận danh hiệu, hoa hậu phải dấn thân, thực hiện nghĩa vụ kêu gọi hoà bình, nếu không hòa đồng và tích cực thì sao làm được.
Nghe nói anh đã phá lệ, góp ý với gia đình Huyền My những thiếu sót của cô ấy. Cụ thể những góp ý ấy là gì?
- Nếu ban tổ chức biết tôi làm chuyện này chắc khỏi cho tôi làm giám khảo luôn nhưng tôi vẫn phải thiên vị một chút vì Huyền My là thí sinh Việt Nam. Tôi làm như vậy chỉ vì lo cho đại diện của đất nước. Tôi nhắc nhở xa gần với ba mẹ của cô ấy để Huyền My tốt hơn qua các vòng thi. Huyền My có tiến bộ nhưng vẫn chưa đủ. Ở đây, tôi cho rằng lỗi không hẳn ở Huyền My mà ở cả hệ thống giáo dục. Chúng ta không đào tạo cho một đứa trẻ sự tự chủ, độc lập, tự tin. Trong khi đó, các nước khác, trẻ em được dạy từ nhỏ là ngã phải tự đứng lên. Đây là hệ quả của nền giáo dục trọng học hơn hành. Ngày cuộc thi diễn ra thời tiết mưa gió, bão bùng, các thí sinh khác không quen về phong thổ, khí hậu, đồ ăn nhưng người nào cũng tràn đầy năng lượng, còn Huyền My là chủ nhà lại tỏ vẻ mỏi mệt, thiếu năng lượng thì làm sao chấp nhận được.
Vai trò đại sứ hòa bình cần phải có năng lượng mới làm tròn nghĩa vụ. Tôi nhắc lại, cô ấy vào top 10 là cả sự ưu ái rồi chứ đáng lẽ là không được đâu.
Nhiều khán giả cũng thắc mắc Á hậu 1 thuộc về thí sinh Venezuela nhưng cô này không giao tiếp được bằng tiếng Anh. Trong khi tiêu chí tiếng Anh là điểm cộng của thí sinh. Anh nói gì về điều này?
Tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế là cần thiết nhưng khi làm nhiệm vụ của đại sứ hòa bình người ta quan trọng nhất là trái tim, hệ tư tưởng. Còn ngôn ngữ có thể thuê mướn người làm được. Hệ tư tưởng thì không ai làm thay được. Tôi cho rằng ban tổ chức đã chấm điểm trong cả một tháng chứ không phải đêm chung kết. Đó là sự đồng thuận và công tâm của cả ban giám khảo. Trong cuộc thi, tôi ấn tượng với Hoa hậu Philippines.
Cô ấy nhỏ tuổi nhưng lại được xem là "leader" vì cô ấy cực kỳ thông minh, suy nghĩ, ăn nói như một chính trị gia, diễn giả. Các cô hoa hậu khác đều nể trọng. Vì thế, tôi cho rằng rào cản của ngôn ngữ là một vấn đề nhưng đây không phải là cuộc thi như Hoa hậu Hoàn vũ hay Trái đất mà cuộc thi này truyền đi thông điệp về hòa bình. Vì vậy cuộc thi này cũng không đơn thuần là tìm ra người đẹp nhất.
Nếu đẹp nhất thì ban giám khảo đã chọn Hoa hậu Cộng hòa Czech hay Ukraine vì các cô ấy đẹp như thiên thần. Nhưng tân hoa hậu này 27 tuổi lại đủ tầm để thể hiện vai trò của một sứ giả hòa bình.
Đỗ Mỹ Linh có sự chừng mực và có cốt cách
Ở Việt Nam đang bùng nổ các cuộc thi hoa hậu, rất nhiều thí sinh tham gia các cuộc thi nhan sắc trên thế giới. Nhiều ý kiến cho rằng các cuộc thi này không đem lại giá trị cho xã hội mà chỉ cho các cô khoe vẻ đẹp cơ thể và váy áo?
- Trên thế giới, người ta phát triển hơn mình nhiều điều và khi đã làm điều gì chắc hẳn phải có lý do. Và những cuộc thi đó, nếu không có giá trị thì không thể có nhiều nước cùng tham gia như vậy. Chả lẽ các cường quốc trên thế giới cũng thiếu hiểu biết và nông cạn sao? Từ xưa đã có câu cái đẹp cứu rỗi thế giới. Cái đẹp không cần chứng minh, đứng trước cái đẹp lòng nhân ái sẽ xuất hiện. Thực tế, ai cũng hướng tới chân - thiện - mỹ. Vì thế mọi người đừng từ chối cái đẹp mà hãy tôn vinh cái đẹp. Nhưng vấn đề là sử dụng cái đẹp thế nào. Nếu dùng cái đẹp để phục vụ xã hội, xoa dịu nỗi đau thì quá hay, để tư lợi cá nhân mới đáng lên án.
Trong số nhiều người đẹp Việt tham gia các cuộc thi nhan sắc hiện tại, ai là người khiến anh ấn tượng?
- Tôi đánh giá cao Đỗ Mỹ Linh. Tôi từng tiếp xúc với cô ấy vài lần và thấy rằng cô ấy có sự chừng mực. Chừng mực nghĩa là có phong thái tự chủ bản thân, có cốt cách riêng. Điều này không phải học hỏi là có được mà nó được bắt nguồn từ gia đình, dòng họ. Điều này chỉ có cảm nhận được chứ khó nói được.
Anh nhắn nhủ điều gì với các người đẹp đang chinh chiến trên các đấu trường nhan sắc và muốn thành công?
- Mỗi cô hoa hậu đăng quang thì giữ được vương miện trong một năm và sau đó phải nhường cho người khác. Như vậy cái cốt lõi ở đâu để hoa hậu còn lại mãi, giá trị lâu dài chính là tâm - tầm - tài của người đó. Họ phải được rèn luyện toàn diện từ nhỏ chứ không phải một vài tháng. Điều này lại quay lại vấn đề cốt lõi về giáo dục, văn hóa. Phần trình diễn bikini của Huyền My tại Hoa hậu Hòa bình 2017 Trong đêm chung kết Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2017, Huyền My dừng chân ở top 10.
Theo Zing