Nghệ sĩ Hồng Vân. |
“Học ăn, học nói”
Mấy ngày nay tôi vào trang Facebook một người quen, anh đưa hình hai nghệ sĩ Hồng Vân và Đức Hải với dòng trạng thái: “Hâm mộ quá!”, bình luận, chê nhiều, cảm thông thì ít ỏi!
Tôi có người cậu nay vào hàng U90, thuộc lớp nhà giáo xưa. Có lần cậu nửa đùa, nửa thật: “Làm nhà giáo, đạo đức giả lâu dần thành đạo đức thật”. Tôi hiểu cậu muốn nhắn gửi, để có đạo đức nghề nghiệp cần phải rèn luyện. Cán bộ quản lý trường học, thầy của những người thầy, ứng xử càng phải tinh tế.
Là người của công chúng nói chung, nghệ sĩ nói riêng, họ có tác động nhất định đối với một bộ phận người, càng nổi tiếng, sóng, càng được nhiều người thu, qua lăng kính mỗi người, biên độ sóng được khuyếch đại có khi lớn lắm!
Những nghệ sĩ tiếng tăm, hàng triệu người theo dõi, đòi hỏi họ khổ luyện để thành TÀI, và nên ĐỨC. Bởi thế, nghệ sĩ “học ăn, học nói” không đến nơi, đến chốn, thì khó rồi!
Phải biết xấu hổ!
Trên đường trần mấy ai không mắc sai lầm. Lúc rơi vào trạng thái đó, phải biết xấu hổ! Sai - dẫu vô tình cũng là nguyên nhân vừa có tính khách quan, vừa có tính chủ quan. Đổ hết cho khách quan là chạy tội. Công chúng rất tinh vi, có khi dối được với lòng mình, nhưng tuyệt nhiên không thể khỏa lấp với mọi người. Thời 4.0, công dân kỹ thuật số, họ có tai mắt khắp nơi. Trong triệu triệu người đó, bỏ qua hay săm soi, nhẹ nhàng hay ném đá, tha thứ hay kết tội... Họ có quyền gõ bàn phím những gì mà pháp luật không cấm.
Có lần, một học sinh trường tôi tung clip nói xấu ban nhạc BTS (Hàn Quốc), với nhiều lời lẽ phản cảm. Lúc biết việc, tôi trăn trở, giá mà thường xuyên nhắc nhở học sinh phép tắc ứng xử trên mạng xã hội. Mặc cảm một cán bộ quản lý chưa tròn trách nhiệm. Hộp thư của trường lúc đó nhận bao nhiêu lời chì chiết, mắng mỏ từ những fan hâm mộ của ban nhạc BTS. Tôi như rơi vào điểm hung, chút bình tĩnh còn lại, tôi phản hồi: “Cảm ơn bạn”. Sau đó, tôi gửi thư xin lỗi đến người hâm mộ, xử lý học sinh sai phạm. Dư luận dần lắng xuống, hơn tháng sau, trong một bài viết môn Ngữ văn lớp 11, tôi hướng dẫn giáo viên trích một câu phát biểu của ban nhạc BTS (tại Diễn đàn Liên Hiệp Quốc) để học sinh phân tích, liên hệ. Lần này tôi được các báo giải trí, cộng đồng mạng, khen rần rần! Một bài học, tôi nhớ đời.
Im lặng - chỉ làm tình hình thêm tệ hại!
Xã hội thông tin mà chọn cách ứng xử im lặng là không thể được, sự việc không chìm xuồng mà bị đẩy đi xa, lúc đó, luống cuống xin lỗi, thật tiếc, scandal bên TA lan tỏa đến tận trời TÂY.
Cuộc phỏng vấn của Công tước Harry và nữ Công tước Meghan (xứ Sussex, Anh Quốc) với gương mặt nổi tiếng trên truyền thông Mỹ, Opera Winfrey, phát sóng trên đài CBS, Mỹ (hôm 7/3), như một đòn giáng mạnh vào Hoàng gia Anh.
“Con của Meghan sẽ có nước da sẫm màu đến mức nào?”, theo Meghan, đó là phát biểu của một vị trong Hoàng gia Anh (?). Điện Buckingham chao đảo, họ tuyên bố với đại ý sự việc rất đáng quan ngại; các vấn đề sẽ được giải quyết riêng tư trong gia đình; rất buồn khi biết Harry - Meghan đã có những năm tháng đầy thách thức; Harry, Meghan, Archie sẽ luôn là thành viên được yêu thương của gia đình (theo BBC). Cách xử lý thông tin rất “Ăng-lê” mới tuyệt vời làm sao.
Giá mà gần đây nghệ sĩ vướng lùm xùm học được bài học đó thì tốt biết bao.
Xã hội học tập thì công dân được tạo cơ hội học tập suốt đời, nghệ sĩ không được đứng ngoài, càng không được đứng trên, lo mà học đi chứ không sẽ đến lúc “những bản du ca không có đất sống”.
Xin lỗi, phải chân thành!
Người Mỹ họ rất thực tế khi đưa ra lời xin lỗi, đã xin lỗi là chân thành và khắc phục hậu quả với trách nhiệm cao nhất.
Nhà mình mà người khác vào làm điều xằng bậy với hàng xóm, tuy không lỗi trực tiếp, nhưng không thể không áy náy vì đã làm ảnh hưởng tới mọi người. Trang Facebook của nghệ sĩ Đức Hải đăng dòng trạng thái “chua ngoa, nhạy cảm”. Cứ cho là bị hack đi nữa, Đức Hải cần xin lỗi, ấy mới là lãnh đạo một trường văn hóa!
Đức Hải cần xin lỗi |
Đổ tại, đổ lỗi, sau này nói thế nào với thầy cô, bảo ban với học trò ra sao về hành xử thế nào cho phải đạo? Hay, “người thầy thường nói những điều mà bản thân mình không làm được”?
“Kiếp cầm ca” với chữ tình, chữ nghĩa.
Đã khép lại thời “xướng ca vô loại”, nghệ sĩ ngày nay, họ có vị trí tốt trong xã hội, được công chúng dõi theo với tình cảm và sự trân trọng. Sống cho trọn tình - tình ở đây là tấm lòng. Tấm lòng vì nghệ thuật, vì cuộc sống mến yêu, trân quý khán giả. Đó là nguồn năng lượng vô giá giúp nghệ sĩ bước lên những nấc thanh danh vọng.
Sống cho vẹn nghĩa - nghĩa ở đây là trách nhiệm. Trách nhiệm dựng xây xã hội an vui, người người sống tử tế.
Trọn tình, vẹn nghĩa là nền tảng để nghệ sĩ rèn giũa phẩm cách. Hành trình này gian nan, nhưng với con đường đó, nghệ sĩ tìm thấy hạnh phúc. Được vậy, tâm sẽ trong, trí sẽ sáng, để khi nghệ sĩ vướng scandal, họ sẽ có lối ra chuẩn mực mà không phải “im lặng cũng dở, nói không xong”.
Hà Giang (Lâm Đồng)
Nếu bạn có ý kiến, hãy gửi cho chúng tôi vào địa chỉ: [email protected]. Ý kiến của bạn có thể không trùng với quan điểm của VietNamNet.
Toàn bộ sự việc NSƯT Đức Hải bị miễn nhiệm vì phát ngôn thiếu chuẩn mực
Toàn bộ thông tin liên quan đến NSƯT Đức Hải bị miễn nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng do những phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội.
Nghệ sĩ gặp scandal: Im lặng cũng dở, nói không xong?
Nghệ sĩ gặp scandal như "chuyện thường ngày ở huyện". Nhưng sự bùng nổ của văn hóa xóa sổ khiến nhiều trường hợp nghệ sĩ rơi vào cảnh "im lặng cũng dở, nói không xong".