Ngày 14/4, Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức họp báo, công bố các chương trình nghệ thuật của các nhà hát trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

W-f6ab6174dc466f183657.jpg
NSND Xuân Bắc - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn. 

NSND Xuân Bắc, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, hòa vào không khí mừng 50 năm non sông thống nhất (30/4/1975-30/4/2025), giới nghệ thuật biểu diễn sẽ đem đến khán giả khắp cả nước nhiều chương trình nghệ thuật hấp dẫn, thể hiện ý nghĩa, tầm vóc vĩ đại, giá trị to lớn của Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

"Đây là đợt ra quân khí thế và hào hứng của các đơn vị nghệ thuật, với những chương trình được chuẩn bị kỹ, dàn dựng công phu, có giá trị nghệ thuật cao, truyền tải thông điệp ý nghĩa, không chỉ phục vụ khán giả các thành phố lớn mà còn đến với nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng cao", Cục trưởng Nguyễn Xuân Bắc khẳng định.

NSƯT Quỳnh Trang - Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam cho biết đơn vị đã chuẩn bị từ nhiều tháng nay để giới thiệu với công chúng chương trình nghệ thuật đặc biệt Ký ức Trường Sơn, biểu diễn ngày 27/4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. 

W-3b4b82440f74bc2ae565.jpg
NSND Trần Bình. 

NSND Trần Bình - Tổng đạo diễn Ký ức Trường Sơn khẳng định chương trình rất đặc biệt và có ý nghĩa lớn nhân dịp kỷ niệm 50 năm non sông nối liền một dải. 

Theo NSND Trần Bình, toàn bộ chương trình kéo dài 85 phút, chia làm 3 chương: Chia cắt, Vì miền Nam ruột thịt - xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, Tri ân.

"Chúng tôi dành chương cuối cùng để tri ân những người lính. Những người sinh ra và sống trong thời bình, không có nhiều ý niệm về chiến tranh. Với họ, chiến tranh là câu chuyện trong lời kể của ông bà, cha mẹ, những người thương bệnh binh còn sót lại... Hiểu về chiến tranh để sống với lòng biết ơn, trân trọng những gì thế hệ cha anh đã hy sinh", NSND Trần Bình bày tỏ.

NSND Trần Bình cũng tiết lộ, chương trình quy tụ rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Trung Đức, NSND Thu Hiền, NSND Quang Thọ...

"Họ đã từng trải qua mưa bom bão đạn, hát dưới chiến hào. Với những nghệ sĩ này, tiếng hát cũng là một thứ vũ khí. Tiếng hát ấy cao vút, nội lực và đầy truyền cảm, vừa đủ mềm mỏng để lan tỏa tình yêu, nguồn động lực tinh thần vô cùng mạnh mẽ cho người lính, thậm chí vào thời khắc sinh tử của đời người. Vì thế, khi được mời tham gia họ 'đòi' hát rất nhiều, trên tinh thần được tận hiến chứ không vì cát-sê. Nhưng tôi biết, họ sức khoẻ không cho phép nên phải sắp xếp hợp lý", NSND Trần Bình chia sẻ. 

W-33f8d18a54b8e7e6bea9.jpg
Tiết mục múa trong "Ký ức Trường Sơn".

Nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn 2 vở kịch về hình tượng Bác Hồ: Người đi dép cao su (ngày 27/4 và 17/5), Đêm trắng (ngày 18,19 và 24/5) tại Nhà hát Kịch Việt Nam.

Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tổ chức hòa nhạc đặc biệt kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước vào 20h ngày 21/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, với sự tham gia của nhạc trưởng Honna Tetsuji (Nhật Bản) và tài năng piano quốc tế Nguyễn Việt Trung.

Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam tổ chức hòa nhạc giao hưởng dân tộc - thính phòng Bài ca chiến thắng vào 20h ngày 25/4, tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ,  các tiết mục tôn vinh tinh thần chiến thắng và khát vọng thống nhất dân tộc.

Liên đoàn Xiếc Việt Nam biểu diễn chương trình Non sông ngày thống nhất, có sự kết hợp xiếc với hình tượng người lính, chiến sĩ biên cương và ngày đại thắng... được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc phòng ngày 25/4 và biểu diễn từ ngày 26/4 đến 4/5, tại Rạp Xiếc Trung ương.

Nhà hát Tuổi Trẻ biểu diễn vở nhạc kịch Lửa từ Đất, ca ngợi sự ra đời của Đảng bộ TP Hà Nội và những người con Thủ đô trong kháng chiến, vào 20h ngày 26/4, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô.

Nhà hát Chèo Việt Nam biểu diễn các vở chèo kinh điển Quan Âm Thị Kính, Dây tràng hạt diệu kỳ, Bắc Lệ đền thiêng tại Rạp Kim Mã và lưu diễn nhiều địa phương.

Nhà hát Tuồng Việt Nam biểu diễn vở diễn Tình mẹ tại Rạp Hồng Hà, ngày 19 và 26/4.

Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam tổ chức đêm nhạc Ký ức Trường Sơn ngày 27/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, quy tụ nhiều giọng ca gạo cội như NSND Thanh Hoa, NSND Thu Hiền, NSND Quang Thọ, NSND Trung Đức, NSND Quốc Hưng…

Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc sẽ đến với Huế vào ngày 30/4, biểu diễn chương trình Việt Nam vang khúc khải hoàn và lưu diễn tại nhiều tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng trong tháng 4 và 5 vở nhạc kịch Đi về phía mặt trời.

Nhà hát Múa rối Việt Nam mang Âm vang đồng quê đến với Phú Quốc (Kiên Giang) vào ngày 28, 29/4 và 1/5.

Nhà hát Cải lương Việt Nam thực hiện Hành trình biên giới 2025 đưa nghệ thuật cải lương đến phục vụ chiến sĩ và nhân dân huyện Si Ma Cai (Lào Cai), từ ngày 18 đến 20/4.

Hoành tráng nhất là chương trình Mùa xuân thống nhất diễn ra tối 29/4, tại phía trước Hội trường Thống Nhất (quận 1, TPHCM), với sự tham gia của hơn 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, với những tiết mục được dàn dựng mãn nhãn. Đây là chương trình sử thi kết hợp nghệ thuật đương đại.