Lôi vũ - tác phẩm nổi tiếng của nhà viết kịch Trung Quốc Tào Ngu vừa lên sân khấu Lệ Ngọc. Vở diễn dựng lại cuộc sống hủ bại và đầy tội ác của gia đình phong kiến tư sản hóa.
Tấn bi kịch một gia đình
Câu chuyện xảy ra trong gia đình Chu Phác Viên. Ba mươi năm về trước, là cậu ấm một gia đình quyền thế, Phác Viên dan díu với người đẹp Thị Bình, đẻ ra Chu Bình. Khi Thị Bình sắp sinh đứa con thứ hai, gia đình Phác Viên đuổi cô để cưới cho ông người vợ “môn đăng hộ đối” hơn. Đó là nàng Phồn Y trẻ đẹp, tuổi suýt soát cậu cả Chu Bình.
Sống với người chồng lớn tuổi, quen thói chuyên quyền, Phồn Y ngày một héo hon tàn tạ. Trong hoàn cảnh đó, nàng đã có quan hệ bất chính với Chu Bình. Còn Thị Bình, sau khi bị đuổi khỏi nhà Phác Viên đã ôm con Lỗ Đại Hải nhảy xuống sông tự tử, nhưng được cứu. Bà lên mỏ đi làm, nuôi con và lấy người chồng mới là Lỗ Quý và đẻ thêm con gái Lỗ Thị Phượng.
Vì sinh kế, hai cha con Lỗ Quý và Thị Phượng vào làm đầy tớ cho gia đình Phác Viên mà không hay biết gì về quan hệ trước kia. Lỗ Đại Hải sau trở thành người lãnh đạo công nhân đấu tranh với chủ mỏ - lại là bố đẻ của mình - Phác Viên.
Éo le, Thị Phượng yêu cậu cả Chu Bình. Chu Xung con của Phác Viên với Phồn Y cũng tha thiết yêu Thị Phượng. Trong khi đó, Chu Bình chỉ muốn cưới Thị Phượng để cắt đứt mối quan hệ với mẹ kế Phồn Y.
Vì ghen, Phồn Y nhắn Thị Bình về đem Thị Phượng đi. Đến nơi, Thị Bình mới phát hiện con gái mình đang đi lại quãng đường bi thảm của mình ba mươi năm về trước. Bà phải chứng kiến sự việc ngoài sức tưởng tượng: Hai đứa con bà đứt ruột đẻ ra yêu nhau mà không biết là anh em.
Sự việc vỡ lở, Thị Phượng nhảy vào dây điện tự tử. Chu Xung cứu Thị Phượng cũng chết nốt. Chu Bình rút súng tự sát. Trong không khí chết chóc của gia đình Chu Phác Viên chỉ có một người duy nhất còn sức sống là Lỗ Đại Hải.
Bốn màn kịch ấn tượng
Câu chuyện ba mươi năm của một gia đình được trình bày trong bốn màn kịch. Kết cấu chặt chẽ, tình tiết ly kỳ, hấp dẫn, vở kịch được công chúng rất hoan nghênh.
Khán giả thấy được một Chu Phác Viên tàn nhẫn và độc đoán qua những cái trừng mắt, gằn giọng đáng sợ của nghệ sĩ Nguyễn Văn Hải. Một Thị Bình - thành phần dưới đáy xã hội nhưng đầy lòng tự trọng, mềm yếu mà cương nghị qua thể hiện của NSND Thu Quế. Một Chu Bình hào hoa và phóng túng dưới sự diễn xuất của Hán Quang Tú.
NSND Lệ Ngọc vào vai người đàn bà đẹp Phồn Y đắm say trong tình yêu điên loạn mẹ kế - con chồng. Với đài từ nhấn nhá, lả lơi, những tiếng cười đắng cay đã giúp NSND Lệ Ngọc diễn lúc quằn quại ghen tuông, khi bi lụy, cuồng nộ chỉ mong có thể sống cuộc đời của chính mình khiến người xem yêu ghét lẫn lộn.
Kim Oanh vào vai Thị Phượng ngây thơ chìm đắm trong tình trường của một cô gái mới 18 tuổi với đài từ truyền cảm. Cậu ba Chu Xung trong sáng nhất qua diễn xuất của Lâm Cương, hay nhân vật Lỗ Đại Hải ngang tàng và nghĩa khí của Công Phùng, Lỗ Quý thực dụng nhưng giàu lòng vị tha với diễn xuất của Duy Bách... Tất cả đều thể hiện khá tròn vai nhân vật, góp phần tạo nên thành công của vở diễn.
Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai lần đầu thử sức với kịch vẫn giữ tốt tính chất hiện thực của kịch nói. Với dàn diễn viên vốn có của sân khấu Lệ Ngọc và một vài nghệ sĩ từ nhà hát khác được mời về, NSND Hoàng Quỳnh Mai đã cân bằng phong cách diễn, rút gọn thoại mà vẫn giữ được cốt truyện.
Nhà nghiên cứu, soạn giả Nguyễn Thế Khoa sau buổi diễn dành lời khen cho NSND Hoàng Quỳnh Mai bởi "là đạo diễn chuyên kịch hát, đã khẳng định tài năng, đẳng cấp, uy tín của mình từ cải lương, chèo, tuồng, dân ca kịch, nhưng lần đầu tiên đến với kịch nói đã tự tin vượt qua mọi rào cản để thành công một cách ngoạn mục".