- Là 1 trong số 80 nghệ sĩ TP HCM được trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT đợt 10 vừa qua, NSND Mỹ Hằng có cảm xúc gì?
Đây là niềm vinh dự vô cùng to lớn cho cá nhân tôi, gia đình và trên hết là đơn vị nghệ thuật nơi tôi đang công tác, đó là Nhà hát Trần Hữu Trang. Từ khi bắt đầu theo nghề, gia nhập Đoàn Xung kích Trần Hữu Trang, tôi đã luôn ý thức việc học tập, rèn luyện, cống hiến cho nghệ thuật sân khấu.
Tôi nhìn những người thầy đáng kính của mình bằng đôi mắt ngưỡng mộ và thầm ao ước sẽ thực hiện được niềm khát khao vươn tới những thành công như niềm tin yêu mà các thầy cô đã đặt nơi mình. Với danh hiệu NSND vừa được nhận, tôi nhận thấy đó là sự công nhận về mặt tinh thần rất lớn của Đảng, Nhà nước và của công chúng dành cho tôi.
Tôi cảm ơn Ban Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM, cảm ơn Nhà hát Trần Hữu Trang đã luôn hỗ trợ, đồng hành cùng tôi trong quá trình làm nghề. Cảm ơn mái ấm hạnh phúc của tôi, ông xã tôi và gia đình tôi luôn là điểm tựa rất lớn trong sự nghiệp nghệ thuật.
-Chị có nghĩ mỗi nghệ sĩ khi được đón nhận danh hiệu thì công chúng không chỉ ghi nhận những thành tích nghệ thuật mà còn gửi gắm với người nghệ sĩ những thử thách mới?
Đó là điều tôi trăn trở bởi khán giả luôn mong muốn nghệ sĩ sau khi được trao danh hiệu phải không ngừng cống hiến cho dòng chảy của sân khấu truyền thống. Tôi là nghệ sĩ của sân khấu cải lương, gắn bó với TP HCM, tôi yêu mảnh đất này và dòng chảy văn hóa nghệ thuật đầy kiêu hãnh của thành phố. Danh hiệu NSND thôi thúc tôi không ngừng tiếp tục phấn đấu.
Bởi danh hiệu cao quý chưa bao giờ là điểm dừng, danh hiệu là sự nhắc nhớ phẩm chất người nghệ sĩ phải rèn luyện, học tập và nâng cao trách nhiệm với nghề, là công dân tốt đối với xã hội.
-Chị đúc kết được bài học gì cho nghề từ sau sự kiện lớn của đời mình?
Đó là phải cố gắng lan tỏa những giá trị "chân - thiện - mỹ" trong từng vai diễn. Nhà hát Trần Hữu Trang mang tầm quốc gia, từ nhiều năm qua, khi còn công tác tại Phòng Nghệ thuật, tôi đã tham gia nhiều chương trình đưa cải lương đến gần với công chúng, khán giả trẻ. Nhà hát có chương trình sân khấu biểu diễn trước sảnh phục vụ miễn phí khán giả và chương trình sân khấu cải lương dành cho thiếu nhi.
Đây là hai hoạt động thu hút đông các bạn trẻ, góp phần đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của giới trẻ hiện nay.
-Trong thời gian qua, NSND Mỹ Hằng cùng với nghệ sĩ Thanh Lựu tổ chức nhiều khóa đào tạo diễn viên cải lương cho sân khấu. Chị vẫn tiếp tục với niềm đam mê này?
Ngoài việc cống hiến những vai diễn hay cho khán giả, tôi còn tham gia công tác đào tạo diễn viên cải lương. Với tôi, đó là công việc "đưa đò" một cách thầm lặng. Tôi nhớ thầy của tôi là cố NSND Phùng Há có dạy, nghệ thuật cải lương mang tính tự sự, ở đó cần sự chia sẻ và mang yếu tố nhân văn. Các bạn học viên trẻ ngày nay có nhiều cơ hội tiếp xúc với vô vàn những kênh thông tin nhưng vẫn chọn nghệ thuật cải lương để yêu mến. Rõ ràng trong dòng chảy tiếp biến văn hóa, họ vẫn cần sự chia sẻ, những tự sự của bản thân. Chính vì thế, họ tìm về với cội nguồn văn hóa, trong đó có bộ môn nghệ thuật cải lương.
Nhà hát đã tổ chức hơn 10 khóa đào tạo, tôi rất mừng khi vẫn có nhiều người trẻ yêu nghệ thuật cải lương. Họ phần nhiều là cán bộ, công nhân, kỹ sư, bác sĩ, có cả công an, giáo viên, tiểu thương buôn bán nhưng hễ lên sân khấu là cháy hết mình. Tôi rất hạnh phúc khi họ đến với cải lương bằng niềm đam mê, bằng tình yêu để cùng chung tay làm cho sàn diễn sáng đèn.
-Tính đến năm nay, nghệ thuật cải lương đã đánh dấu 105 năm tồn tại. Để hậu thế vẫn yêu, vẫn trân trọng và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của nghệ thuật này, theo chị cần phải chọn mũi nhọn nào trong kế hoạch duy trì chấn chỉnh và phát triển nghệ thuật cải lương?
Khâu đào tạo quan trọng nhất. Các thầy cô đi trước luôn canh cánh bên lòng, suất diễn đã ít, khán giả ngày một vơi đi, thì nguồn nhân lực phải tinh túy để giữ chuẩn mực cho bộ môn nghệ thuật này. Năm nay, TP HCM sẽ có hai sự kiện lớn có liên quan đến sân khấu, đó là "Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang" lần 3 và "Liên hoan Sân khấu TP HCM" kế thừa thành quả của Liên hoan Sân khấu Mùa thu trước đây.
Tôi cho rằng đây sẽ là đợt ra quân lớn của lĩnh vực cải lương từ tác giả, đạo diễn, diễn viên. Diện mạo của sân khấu cải lương TP HCM kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn khi có thêm nhiều thế hệ diễn viên trẻ có đủ đam mê và năng lực.
-Chị trăn trở nhất điều gì hiện nay khi nhìn lại chặng đường nghệ thuật của mình?
Tôi là một trong những đồng nghiệp cùng thế hệ nuôi khát vọng khôi phục lại bộ môn nghệ thuật cải lương sau một thời gian im hơi, lặng tiếng. Các khóa học đào tạo của nhà hát nhằm truyền dạy cải lương cho thanh thiếu niên, góp phần sản sinh một bộ phận diễn viên trẻ, có trình độ, có kiến thức và được khán giả đón nhận là trọng trách của chúng tôi.
Từ khi còn là một cô bé khoảng 7-8 tuổi, mỗi ngày tôi đã chờ chương trình cải lương trên đài phát thanh để nghe. Người anh rể thấy cô em vợ bé xíu mê cải lương như vậy đã tìm mua cho tôi một cái radio nhỏ, để nghe cải lương cho thỏa cơn ghiền. Nhờ đó, dần dần tôi đã phân biệt được giọng ca nhiều nghệ sĩ, chỉ cần nghe hát không cần giới thiệu, tôi biết nghệ sĩ đang hát là ai. Chính vì thế, nghệ thuật ca diễn phải có nét riêng, có sự đặc thù thì mới tỏa sáng.
NSND Mỹ Hằng tên thật Phạm Thị Mỹ Hằng, cô thi vào lớp Trung cấp cải lương khóa IV do Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đào tạo, bạn đồng môn với NSƯT Tâm Tâm. Điểm son, cũng là bước ngoặt trong sự nghiệp của NSND Mỹ Hằng chính là đoạt huy chương vàng Trần Hữu Trang cùng với Tâm Tâm, Lịch Sử, Hoa Phượng… vào năm 2000.
(Theo NLĐ)