"Kỳ nữ sân khấu" với sự nghiệp lẫy lừng
NSND Kim Cương tên đầy đủ là Nguyễn Thị Kim Cương, sinh năm 1937 tại Sài Gòn trong một gia đình nề nếp, giàu truyền thống nghệ thuật.
Mẹ bà là NSND Bảy Nam – người được mệnh danh là "Tổ nghề sống" của sân khấu cải lương Nam Bộ (cùng với NSND Phùng Há). Cha bà là bầu gánh Đại Phước Cương, một trong những ông bầu quyền lực của sân khấu cải lương. Bà cũng chính là cháu nội của vua Thành Thái.
Bà cố, bà nội của NSND Kim Cương cũng đều làm bầu gánh. Bên họ mẹ của bà có 11 người cậu, dì thì tới 4 người là nghệ sĩ nổi danh giới cải lương, gồm: Năm Phỉ, Bảy Nam, Chín Bia, Mười Truyền.
Chính vì thế, NSND Kim Cương được biết lên sân khấu từ khi còn rất sớm. Theo đó, mới 18 ngày tuổi, bà đã được bế lên sân khấu để vào vai con của Thị Mầu. Bà sống với đoàn hát từ nhỏ tới lớn, mới chập chững biết đi đã được dẫn ra sân khấu đóng vai con. Lớn hơn một chút, bà bắt đầu biết ca, biết diễn vai nọ vai kia. Nhờ đó, dòng máu ca hát, diễn xuất ăn sâu vào huyết quản bà, tới mức nhập làm một.
Sự nghiệp diễn xuất đến sớm, NSND Kim Cương nhanh chóng trở thành đào non trong đoàn Đại Phước Cương, cùng cha mẹ và các thành viên trong đoàn đi lưu diễn khắp nơi.
Vai diễn chính thức đầu tiên của bà là vai Na Tra trong vở Na Tra lóc thịt, do chính NSND Bảy Nam viết kịch bản. Ngay từ những năm tháng ấu thơ đó, NSND Kim Cương đã gây ấn tượng với khán giả và dần tích lũy được rất nhiều vốn liếng, kinh nghiệm về sân khấu.
Tuy bắt đầu sự nghiệp với cải lương và chịu ảnh hưởng lớn từ gia tộc cải lương nhà mình, nhưng NSND Kim Cương lại tỏ ra đam mê và bén duyên hơn với kịch nói. Về sự chuyển hóa này, NSND Kim Cương lý giải rằng, bà muốn theo tiến hóa của xã hội, muốn bản thân mình phải đổi mới.
Cải lương có cái hấp dẫn riêng của nó nhưng kịch nói mới đi sâu được vào xã hội. Kim Cương thích đi thẳng vào vấn đề xã hội một cách nhanh chóng nên chọn kịch nói.
Ở thời của NSND Kim Cương, các soạn giả chủ yếu viết kịch bản cho cải lương, rất ít người viết kịch nói. Chính vì thế, bà phải tự tay viết kịch bản cho chính mình.
Nhờ đó, NSND Kim Cương viết được rất nhiều kịch bản hay. Bà từng được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam chính thức xác nhận kỷ lục là Nghệ sĩ viết nhiều kịch bản kịch nói nhất Việt Nam. Vở kịch nào bà viết ra cũng là tâm huyết, cảm xúc.
Trong thập niên 70 và 80, NSND Kim Cương đạt đỉnh cao sự nghiệp, nức tiếng khắp giới sân khấu, sánh ngang tên tuổi với Thanh Nga, Thẩm Thúy Hằng.
NSND Kim Cương gây dấu ấn với khán giả bởi lối diễn đầy cảm xúc, nức nở. Bà nổi tiếng trong những vai kịch buồn rơi nước mắt hay những vai dí dỏm. Trong đó, vở Lá sầu riêng do chính tay bà viết kịch bản và diễn cùng NSND Bảy Nam đã trở thành kinh điển, lấy đi nhiều nước mắt của công chúng.
Tuổi 86 viên mãn, giàu có trong biệt thự riêng
Tuy nổi tiếng là vậy, nhưng NSND Kim Cương vẫn chú tâm học tập để nâng cao chuyên môn. Bà từng đi tu nghiệp Bulgaria ngành đạo diễn. Không chỉ diễn xuất tài năng, NSND Kim Cương còn giỏi trong lĩnh vực quản lý.
Trong nghề, NSND Kim Cương được xem là một bậc đàn chị đáng kính, có ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều thế hệ đàn em như Thành Lộc, Hữu Châu, Hồng Vân, Minh Nhí… Bà cũng là người thầy giảng dạy cho nhiều thế hệ học trò.
Thành công trong sự nghiệp giúp NSND Kim Cương có được một cuộc sống sung túc, giàu có và gia đình viên mãn.
Sau nhiều năm đi diễn, NSND Kim Cương đã tích lũy được cho mình một căn biệt thự riêng nằm tại trung tâm Sài Gòn, xây dựng được hơn 50 năm, có cả thang máy.
Trong căn biệt thự, NSND Kim Cương bày rất nhiều đồ cổ, quý hiếm, chẳng hạn như một bức tượng lên tới 200 năm tuổi.
Trong phòng khách, NSND Kim Cương còn "chơi lớn" đặt hẳn một bức tượng hình chính mình, khiến ai cũng giật mình khi nhìn vào.
NSND Kim Cương đã nghỉ hưu từ năm 2012 nhưng cho đến hiện tại, bà vẫn rất khỏe mạnh, trẻ trung và hoạt bát.
Ở tuổi 86, NSND Kim Cương vẫn chăm chỉ hoạt động thiện nguyện, công tác xã hội, giúp đỡ các đồng nghiệp khó khăn. Trong thời gian gần đây, bà đã đứng ra giúp đỡ các đàn em như Thương Tín, Hồng Nga.
(Theo GĐXH)