Từ cô bé mê hát đến duyên nợ với nghệ thuật quân đội

Sinh năm 1979 tại Uông Bí, Quảng Ninh trong một gia đình không có ai theo nghệ thuật, tuổi thơ của Hồng Hạnh gắn liền với những ngày mò cua, bắt ốc, trông em và những bài hát dân ca qua chiếc loa phát thanh của làng. Là chị cả trong gia đình có 4 anh em, từ nhỏ cô đã phải trưởng thành sớm để phụ giúp cha mẹ.

"Niềm đam mê ca hát đến với tôi một cách tự nhiên. Những bài hát tôi học được qua chiếc loa phát thanh của xóm hay từ rạp hát Uông Bí gần nhà đã trở thành người bạn thân thiết", NSND Hồng Hạnh hồi tưởng. Với giọng hát thiên phú, cô bé Hồng Hạnh luôn là hạt nhân trong các hoạt động văn nghệ của trường. Năm học lớp 8, cô đã đoạt huy chương Vàng cuộc thi Tiếng hát họa mi lần thứ nhất của tỉnh Quảng Ninh và được mệnh danh là "họa mi đất Quảng Ninh".

Năm cuối cấp 3, cơ duyên đặc biệt đã đưa Hồng Hạnh đến với nghệ thuật quân đội khi đại diện của Đoàn Ca múa Quân đội gồm các nghệ sĩ Ứng Duy Thịnh, Doãn Tần, Mạnh Hưng tìm đến tận nhà mời về đoàn. "Hình ảnh người lính đã vô cùng thân thuộc với tôi bởi cha tôi từng là lính đặc công, tham gia chiến đấu 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị trước khi trở thành giáo viên triết học", NSND Hồng Hạnh chia sẻ.

Năm 1995 đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi ở tuổi 20, Hồng Hạnh đoạt huy chương Vàng tại cuộc thi Thanh nhạc toàn quốc với ca khúc Cho con xin câu hát của nhạc sĩ Minh Quang. Thành công này đã mở ra cơ hội để cô được đơn vị cử đi học chính quy tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Với nỗ lực không ngừng, chỉ trong 8 năm, cô hoàn thành xuất sắc cả hệ trung cấp và đại học.

Hành trình chinh phục đỉnh cao nghệ thuật

Với chất giọng nữ trung sâu lắng, mang đậm màu sắc dân gian và kỹ thuật điêu luyện, NSND Hồng Hạnh đã ghi dấu ấn đặc biệt với nhiều ca khúc về mẹ, về Bác Hồ và quê hương đất nước. Năm 2002, cô đoạt Huy chương Vàng với ca khúc Mẹ tôi của nhạc sĩ An Thuyên tại cuộc thi Mùa xuân và người chiến sĩ. Năm 2009, cô tiếp tục đoạt Huy chương Bạc Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc với ca khúc Mẹ tôi 2.

Những ca khúc về mẹ như Huyền thoại mẹ (Trịnh Công Sơn), Lời ru cỏ non (Hữu Ước), Khúc mẹ ru (Trọng Lưu - Kiều Công Luận)... đã trở thành thương hiệu của cô. Bên cạnh đó, Hồng Hạnh còn thành công rực rỡ với các ca khúc về Bác Hồ như Vầng trăng Ba Đình, Bác Hồ một tình yêu bao la, Lời Bác dặn trước lúc đi xa.

"Dù đứng trên bao nhiêu sân khấu rực rỡ ánh đèn thì mỗi lần được hát cho đồng đội nghe trên sân khấu giản dị giữa thao trường, trên boong tàu giữa hải đảo xa xôi hay biên cương địa đầu Tổ quốc luôn trào dâng những cảm xúc gần gũi, thân thương", NSND Hồng Hạnh từng tâm sự.

Tiếng hát của Hồng Hạnh không chỉ vang lên trong nước mà còn vươn xa đến nhiều quốc gia châu Á, châu Âu. Năm 2013, tại chương trình Nhịp cầu hữu nghị ở Hàn Quốc, phần trình diễn của cô đã nhận được sự hoan nghênh nồng nhiệt từ công chúng nước bạn.

Nữ tướng tài ba của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội

Năm 2018, NSND Hồng Hạnh trở thành nữ Giám đốc đầu tiên của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội trong suốt 70 năm lịch sử. Trước đó, Hồng Hạnh từng đảm nhiệm các vị trí Đội trưởng, Phó đoàn trưởng và Phó Giám đốc.

"Tôi luôn tâm niệm lãnh đạo phải là người truyền lửa, gần gũi, chia sẻ với anh em nghệ sĩ. Điều quan trọng nhất là phải tạo cho nghệ sĩ cơ hội được phát huy hết năng lực của mình, tạo sức mạnh tập thể", cô chia sẻ về quan điểm lãnh đạo.

Dưới sự dẫn dắt của Hồng Hạnh, Nhà hát đã gặt hái nhiều thành công ấn tượng. Ngay cả trong giai đoạn dịch Covid-19, năm 2021, đơn vị vẫn xây dựng được 17 chương trình biểu diễn chất lượng cao. Tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2022 và Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp về đề tài Quốc phòng toàn dân 2023, Nhà hát đã nhận được "mưa" huy chương và giải thưởng. Đặc biệt, NSND Hồng Hạnh là lãnh đạo duy nhất trong số 22 nhà hát, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp được trao giải Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc.

IMG_42E3A9EC350E 1.jpg
Điều đáng quý ở NSND Hồng Hạnh không chỉ là tài năng nghệ thuật hay năng lực quản lý, mà còn là sự giản dị trong tính cách và chân thành trong cảm xúc. Ảnh: Tư liệu

Dù bận rộn với công tác quản lý và biểu diễn, NSND Hồng Hạnh vẫn là người phụ nữ của gia đình. Cô cho rằng ngoài sự nỗ lực bản thân, sự ủng hộ của gia đình - đặc biệt là cha mẹ hai bên và người bạn đời không cùng nghề nhưng luôn thông cảm, chia sẻ - chính là động lực để chị toàn tâm, toàn ý với nghệ thuật.

Ở tuổi 44, với danh hiệu NSND vừa được phong tặng, NSND Hồng Hạnh vẫn tiếp tục ấp ủ nhiều dự định để đưa Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội phát triển lên tầm cao mới, mang âm nhạc Quân đội đến gần hơn với đồng bào, chiến sĩ khắp mọi miền Tổ quốc.

Ca khúc 'Mẹ' của Nguyễn Tiến qua giọng ca NSND Hồng Hạnh:

Minh Dũng (tổng hợp)