Trong dịp trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú lần thứ 10 vừa qua, có nhiều nghệ sĩ được vinh danh khi tuổi đời còn rất trẻ; cũng có những nghệ sĩ nhận danh hiệu này ở tuổi xưa nay hiếm. Có thể, với nhiều khán giả đại chúng, họ chưa phải là nghệ sĩ được ‘nhớ mặt gọi tên’ nhưng hàng ngày hàng giờ, họ vẫn đang miệt mài cống hiến vì nhân dân, vì đất nước. VietNamNet xin giới thiệu những gương mặt nghệ sĩ như thế.
Căn nhà của NSND Đồng Văn Minh nằm trong ngõ Hào Nam, bên cạnh Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Không khó để nhận ra không gian sống của gia đình nghệ sĩ bởi đó là căn nhà duy nhất trong ngõ có cây trúc – loài cây mà bao năm ông đi khắp mọi miền đất nước, tìm cho ra được đoạn cây có thanh âm đẹp nhất để làm nhạc cụ.
Sinh năm 1952 tại Phú Xuyên (Hà Nội), từ nhỏ, Đồng Văn Minh rất yêu các làn điệu chèo, quan họ… Niềm yêu thích âm nhạc dân tộc của ông cứ thế lớn dần theo năm tháng. Gia đình không ai theo nghệ thuật nhưng Đồng Văn Minh lại quyết thi tuyển vào Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - PV). Trúng tuyển, Đồng Văn Minh được chuyển vào học violoncello vì “thầy giáo nhìn thấy có tay to, khoẻ”.
11 năm theo học violoncello, Đồng Văn Minh vẫn đam mê cháy bỏng với âm nhạc dân tộc, mê đắm khi nghe những thanh âm của các nhạc cụ vang lên. Vì thế, những buổi biểu diễn âm nhạc dân tộc ở trường, Đồng Văn Minh đều hồ hởi tham gia.
Cơ duyên ông gặp được bạn gái, và là vợ sau này - NSƯT Mai Lai, cũng nhờ những buổi biểu diễn đầy nhiệt huyết đó.
Nghệ sĩ kể, hình ảnh cô gái đánh đàn tranh thường được coi là bức tranh đẹp nhất trong âm nhạc. Yêu âm nhạc dân tộc, ông mê đắm luôn “bức tranh đẹp nhất” đó.
Bỏ hẳn 11 năm theo violoncello, Đồng Văn Minh chuyển sang Khoa nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam để cùng bạn gái nuôi ước mơ mang âm nhạc dân tộc bay cao, bay xa. Cặp đôi gắn bó và về chung một nhà cũng nhờ sự đồng điệu về những thanh âm.
Nhờ có vốn kiến thức 11 năm học và chơi nhạc cụ phương Tây, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, Đồng Văn Minh đã hiểu nguyên lý hoạt động và biết chơi gần 10 loại nhạc cụ dân tộc khác nhau như: sáo nai, sáo một lỗ, sáo mèo, đàn T’rưng, đàn đá, đàn K’lông-pút; đàn K’ni…
Ra trường về Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam - đơn vị mạnh về âm nhạc dân tộc trong khối nghệ thuật cả nước, Đồng Văn Minh mừng vì như “cá gặp vùng nước tốt”. Ông có cơ hội thể hiện, thả sức sáng tạo và phấn đấu. Ngay những năm đầu tiên, ông đã có những nghiên cứu, cải tiến nhạc cụ, Nhà hát đem đi biểu diễn khắp nơi ra cả nước ngoài, rất thành công.
Một kỷ niệm cho tới tận bây giờ, ông không thể nào quên, đó là lúc sáng chế ra cây đàn tre lắc - loại đàn khán giả quốc tế thường gọi là “bamboo piano” (piano tre).
“Năm 1988, tôi lúc đó 38 tuổi, nói với vợ: đây là lần thử lửa cuối cùng, em còn 2 chỉ vàng trên tay, đưa nốt cho anh. Nếu anh thất bại, anh sẽ yên phận làm diễn viên tập thể, không phấn đấu biểu diễn solo”, nghệ sĩ nhớ lại.
Thấy chồng quyết tâm, NSƯT Mai Lai ủng hộ. Suốt 6 tháng liền, Đồng Văn Minh đắm đuối nghiên cứu, cuối cùng cũng tìm ra được cây đàn tre lắc.
“Không ngờ lúc ra được đàn, nó gây chấn động cả Liên hoan biểu diễn Nhạc cụ dân tộc toàn quốc. Tôi được 50 điểm tròn của 5 giám khảo, nhận Huy chương Vàng đầu tiên trong sự nghiệp nghệ thuật”, ông kể.
Từ đó, Đồng Văn Minh “coi như được đổi đời”. Từ một diễn viên chơi nhạc cụ tập thể, ông thành nghệ sĩ độc tấu. Các chương trình quan trọng của nhà hát, trong nước và quốc tế, cái tên Đồng Văn Minh không thể vắng mặt. Đến nay, ông đã biểu diễn ở 30 nước. Riêng Nhật Bản - thị trường âm nhạc rất khó tính, ông được mời diễn 11 lần và đi cùng ban nhạc gia đình với tên gọi Tre Việt 4 lần.
Thừa thắng xông lên, từ chỗ chỉ sáng tạo đàn cho vợ, con chơi, suốt 30 năm qua, ông đã chế tác hàng nghìn nhạc cụ dân tộc chất lượng cao cho các nghệ sĩ, đoàn nghệ thuật, trường nghệ thuật chuyên nghiệp trong cả nước.
Hành trình làm đàn của ông đến từ niềm đam mê nhưng để theo đuổi nó dài lâu, đó còn là cái tâm với nghề. Muốn làm nhạc cụ dân tộc, nguồn nguyên liệu vô cùng quan trọng. Ông không bao giờ ngồi chờ người ta đưa nguyên liệu tới rồi chế tác mà phải tự đi tìm. Để kiếm được những đoạn trúc, miếng đá có thanh âm đẹp, ông phải rong ruổi rất xa, Thanh Hoá, Hoà Bình, Yên Bái… và toàn đi bằng xe máy để có thể chui vào ngóc ngách, nơi có những hang đá.
30 năm đi tìm nguyên liệu làm đàn, người nghệ sĩ ấy đã có vô vàn kỷ niệm. “Người ta không coi tôi là nghệ sĩ, có lúc còn tưởng ông này bị điên vì mua cả 100 cây nứa dài chỉ chọn được 1 cây, lấy đúng 2 đốt rồi bỏ hết. Nhiều người tò mò hỏi sao lạ thế, tôi không nói”, ông cho hay.
Theo NSND Đồng Văn Minh, mỗi lần làm xong một chiếc đàn, niềm vui rất lớn, như mới hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật.
“Giống như người ta sáng tác thơ, có khoảnh khắc xuất thần ra câu thơ vài chữ nhưng hàm chứa bao ý nghĩa. Làm đàn cũng vậy, nếu may mắn tìm ra được vùng nguyên liệu tốt, tiếng đàn rất thanh, làm ra rồi không muốn bán. Hạnh phúc của người nghệ sĩ là như thế!”, ông bày tỏ.
Đôi mắt NSND Đồng Văn Minh ánh lên vẻ tự hào, khi nhắc về hai con trai Đồng Quang Vinh, Đồng Minh Anh. Hai người con theo ông là “trời cho” tính tự giác rất cao. Cả hai bộc lộ yêu thích âm nhạc từ nhỏ. Khi Đồng Quang Vinh 9 tuổi, vợ chồng ông hướng con học chuyên ngành sáo trúc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Minh Anh sau đó cũng theo học đàn bầu. Ông không cho hai con học văn hoá trong trường nghệ thuật mà học công lập ở ngoài và cả hai luôn đứng đầu lớp.
Ban nhạc Tre Việt sau đó được thành lập năm 1993 với 4 thành viên trong gia đình: hai vợ chồng ông và 2 con trai. Khi Đồng Quang Vinh 12 tuổi, Tre Việt được mời sang biểu diễn tại Nhật Bản. Đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên và họ đã gây ấn tượng đặc biệt với người dân Nhật Bản.
Đối tác mời gia đình NSND Đồng Văn Minh sang biểu diễn bởi họ ngạc nhiên khi một cậu bé 12 tuổi lại có thể chơi được nhiều bài dân ca của nước mình với các loại nhạc cụ khác nhau.
Phía Nhật nói với ông, mời Tre Việt sang biểu diễn là bởi mong muốn giáo dục, định hướng thẩm mỹ âm nhạc của giới trẻ tại đất nước mặt trời mọc. Bởi thời điểm đó (năm 1996), giới trẻ Nhật đang bị cuốn theo trào lưu nhạc rock, hip hop, quên mất cội nguồn của âm nhạc dân tộc.
Ông nhớ mãi một khán giả đã bật khóc khi Đồng Quang Vinh chơi bài Ru con theo yêu cầu. Cũng bởi sự tác động mạnh mẽ đến người dân xứ sở hoa anh đào về âm nhạc dân tộc, năm sau Tre Việt lại được mời sang Nhật biểu diễn.
Năm Minh Anh tròn 12 tuổi, cả gia đình được Hội Nghệ thuật Darcey mời sang biểu diễn tại Pháp trong 10 ngày. Ngày nào cũng phải biểu diễn 5 ca/mỗi ca 30 - 40 phút. Chưa hết ca này, khán giả đã xếp hàng dài chờ đợi, ông cùng gia đình tự nhủ phải cố gắng.
Đến bây giờ, khi hai con, mỗi người đều có chỗ đứng trong lòng khán giả yêu nhạc, NSND Đồng Văn Minh nói vô cùng "bái phục" sức làm việc của cả hai.
Ông thường dạy các con, nếu như sống nhân hậu thì tiếng đàn mới có hồn. Ngoài kiến thức cơ bản học được phải biết chơi đàn bằng cả trái tim. Nếu mình không rung động thì không thể khiến người khác rung động. Đó là điều quan trọng nhất.
Vì thế, ở tuổi 72, nghệ sĩ vẫn miệt mài dạy học, tổ chức biểu diễn, làm đàn. Đang tâm sự với phóng viên nhưng những cuộc gọi liên tục hẹn ngày lấy đàn khiến ông đứng ngồi không yên. Ông chia sẻ, sắp hoàn thành cho con trai - nhạc trưởng Đồng Quang Vinh cây đàn đá đặc biệt. Khi hoàn thành, Đồng Quang Vinh có thể dùng đàn này hoà tấu cùng với piano.
Đến thời điểm hiện tại, NSND Đồng Văn Minh chỉ trăn trở một điều, chưa truyền lại được kỹ thuật làm đàn cho ai. Bởi theo ông, kỹ thuật dù có xuất sắc tới mấy học mãi cũng sẽ thành, nhưng người nghệ sĩ không để tâm mình trong đó sẽ chẳng có thanh âm đẹp nào được vang ra.
Phút ngẫu hứng của NSND Đồng Văn Minh:
Ảnh: Thạch Thảo
Clip: Tình Lê
Thiết kế: Cúc Nguyễn