-Những người con Hà Nội” vừa ra mắt khán giả đã khai thác lát cắt dù ngắn ngủi nhưng rất đặc biệt trong lịch sử của Thủ đô Hà Nội: 60 ngày đêm chiến đấu trong mùa đông năm 1946.

“Những người con Hà Nội” do Nhà hát Kịch Hà Nội dàn dựng vừa ra mắt khán giả đã khai thác lát cắt dù ngắn ngủi nhưng rất đặc biệt trong lịch sử của Thủ đô Hà Nội: 60 ngày đêm chiến đấu trong mùa đông năm 1946. Đây là một tác phẩm được Nhà hát Kịch Hà Nội đầu tư công phu, như điểm nhấn cho công tác nghệ thuật của năm 2014, năm kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô. 

Ngay từ khâu kịch bản, sau nhiều cố gắng tìm tòi, đọc rất nhiều tác phẩm, cuối cùng lãnh đạo Nhà hát đã đặt hàng tác giả Phạm Văn Quý, người có cả một sê ri các tác phẩm về Hà Nội, từng đạt giải thưởng Bùi Xuân Phái về những đóng góp nghệ thuật cho mảnh đất này.

{keywords}

NSND Doãn Hoàng Giang trung thành với phong cách dàn dựng của mình đã cho ra mắt một công trình khá ấn tượng.

Không gian êm đềm, thanh bình của Hà Nội với những ca khúc tiền chiến sang trọng của nhạc sĩ Văn Cao bỗng bị cắt ngang vì quân Pháp phản bội hiệp ước, tấn công chiếm Hà Nội. Những người con Hà Nội bỗng chốc bị thay đổi hoàn toàn cuộc sống, sẵn sàng bước vào đối đầu với giặc Pháp. 

Những con người tham gia vào cuộc chiến kỳ diệu này đến từ đủ các thành phần xã hội nhưng đều là những người tận hiến hi sinh vì tự do, độc lập. Vở kịch như những cảnh quay liên hoàn của một cuốn phim tài liệu sống động về người Hà Nội với chất hào hoa, với những mảnh đời, những con người, những góc phố đậm nét riêng có của mảnh đất kinh kỳ.

{keywords}

Không có nhân vật nào thực sự là nhân vật chính diện, cả vở diễn đều nhằm mục đích khắc họa lại giai đoạn hào tráng của quân và dân thủ đô những ngày đông năm 1946. Kết kịch là hai lá cờ đỏ sao vàng bay ngạo nghễ trên Tháp Rùa và Bắc Bộ phủ, như khẳng định chân lý: 'Với quyết tâm thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ, người Hà Nội đã chiến thắng'.

{keywords}

Với trang trí đẹp, sự thổi hồn của tác giả, đạo diễn cho những ngôn từ hào sảng của một thời khiến những câu thoại đều lay động lòng người. Đạo diễn hết sức dụng công để “truyền lửa”, của một thời đại rừng rực sức chiến đấu, một không khí hết sức lãng mạn của thời điểm đặc biệt của dân tộc, của Hà Nội cho diễn viên Nhà hát. 

Những con người đặc biệt như một tay anh chị Ba Hổ, một cô đầu Kiều Loan,… làm cho vở diễn đời hơn, dung dị hơn, thoát được sự căng cứng vốn có ở những đêm diễn có tính chất “hướng về dịp kỷ niệm” như thế này. Trang trí Nhà hát kéo dài từ sảnh vào sân khấu với những bức tường của các căn hộ phố cổ được đục thông sang nhau rất gợi cảm, duy mỹ… 

Dàn diễn viên của Nhà hát với những nghệ sĩ được đông đảo công chúng yêu mến, quen mặt thuộc tên như NSND Minh Hoà, NSƯT Xuân Đồng, Tiến Đạt, Công Lý, Kiều Thanh… và những diễn viên trẻ tiềm năng như Quang Minh, Thanh Hường,… đã tận lực cho đêm diễn.

{keywords}

Tuy nhiên, do kịch bản không đi sâu vào một số phận nhân vật nào, dàn đều cho những Khánh Linh, Hoàng Dương, cu Tèo… nên vở diễn có phần dàn trải. Phần nhạc hơi lê thê, tuy có tạo không khí cần thiết nhưng cũng khiến vở diễn bị kéo dài. 

Với một đạo diễn kỳ cựu như NSND Doãn Hoàng Giang, cách xử lý hai cái chết của hai chiến sĩ vệ quốc quân hào hùng như Hạng Võ, Khánh Linh lại có phần bị lặp lại khiến giới nghề có phần bất ngờ.

Cùng bị thương trước khi bị giặc bắt, toán quân giặc kéo ra, tên chỉ huy Pháp cất giọng mua chuộc, rồi cả hai đều khẳng khái có những câu trả lời đanh thép để khiến tên giặc tức giận vừa nổ súng, vừa hô quân bắn như điên vào họ. Và rồi họ vẫn tỉnh lại để có những lời gan ruột với đồng đội trước khi hi sinh… Rồi việc đưa những con người lên sàn diễn với quá nhiều những lời “có cánh” khiến vở diễn phần nào gượng gạo.

Nhưng trong bối cảnh sân khấu hiện nay, việc tiếp tục cố gắng tạo phong cách riêng cho đơn vị, duy trì được số lượng khán giả nhiệt tình với Nhà hát trong mỗi đêm diễn và sự ủng hộ nhiệt thành, đúng lúc của họ thực sự là điểm đáng quý.

Bích Ngọc