Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, phát triển kinh tế nông thôn và quá trình đô thị hoá đi vào chiều sâu, hiệu quả; thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới các cấp thống nhất. Đồng thời để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển lâu dài.

Thực hiện đường lối đổi mới theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền đã giúp nhiều vùng nông thôn tỉnh Vĩnh Long thay đổi, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Từ đó không chỉ góp phần chuyển biến về diện mạo nông thôn mà còn tạo cơ hội cho người dân phát triển kinh tế, giao thương, liên kết giữa các cấp xã, huyện, tỉnh và các vùng với nhau, nổi bật với các thành tựu khá toàn diện và to lớn.

W-Vinhlong.png

Theo đó, nông nghiệp phát triển với tốc độ khá cao theo hướng nâng cao năng suất, giá trị, chất lượng và hiệu quả. Tới nay giá trị sản xuất nông lâm thủy sản tăng hơn 1,92 lần so với năm 2007; giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích trồng trọt và nuôi trồng thủy sản tăng 5,5 lần so năm 2007; hình thức tổ chức sản xuất đổi mới từ nhỏ lẻ sang tập trung có liên kết sản xuất và tiêu thụ. Nông thôn tỉnh Vĩnh Long đã hình thành được nhiều vùng sản xuất hiệu quả, vùng chuyên canh cây ăn trái; mô hình chăn nuôi tập trung, trang trại, an toàn sinh học; vùng nuôi cá xuất khẩu, cá lồng bè quy mô lớn và các loại thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao theo hướng an toàn môi trường và vệ sinh thực phẩm.

Thu nhập của dân cư ở hầu hết các khu vực nông thôn ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 43,05 triệu đồng/người/năm, tăng 7,2 lần so với năm 2008; tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm từ 12,86% năm 2006 xuống còn 2,01% vào năm 2021. Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 93% vào năm 2021, đời sống tinh thần của người dân được nâng lên thông qua việc tiếp cận mô hình lắp đặt dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời, mô hình giao lưu văn hoá – văn nghệ, dịch vụ wifi công cộng…

Diện mạo nhiều vùng nông thôn thay đổi, cảnh quan môi trường được sự phối hợp của nhân dân, chính quyền địa phương, đoàn thể trang hoàng sáng - xanh - sạch - đẹp; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, đầu tư đầy đủ, đạt tiêu chuẩn về điện thắp sáng, đường giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế... đảm bảo tạo thuận lợi cho nhu cầu đi lại, sản xuất, sinh hoạt và vui chơi, giải trí của người dân. Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố và tăng cường như xây dựng cổng an ninh – trật tự tại các ấp, lắp đặt camera bảo vệ tại các tuyến đường nông thôn, thị trấn, khu dân cư,..

Lũy kế đến 10/5/2024 toàn tỉnh hiện có 03 đơn vị hành chính cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới/đạt chuẩn nông thôn mới (thị xã Bình Minh, 02 huyện Bình Tân và Tam Bình); 75 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 86,2%), trong đó có 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 40,22%), 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (chiếm 5,74%) tổng số xã trên địa bàn tỉnh. Trong 06 tháng cuối năm, tiếp tục phần đấu để đạt được mục tiêu năm 2024, cụ thể trình Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận thêm 05 xã nông thôn mới, 01 xã nông thôn mới nâng cao.

Với những kết quả mà tỉnh đã đạt được thấy rõ việc thi hành và triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, thống nhất cao từ các cấp, các ngành góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ngày 11/10/2022, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã ban hành Chương trình số 25-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu chung là xây dựng và phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại, có hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nông thôn xanh - sạch - đẹp, an ninh trật tự được đảm bảo.

Để thực hiện đạt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ mới hiện nay cần quan tâm thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu:

Thứ nhất, phối hợp nghiên cứu cải tạo giống cây trồng, vật nuôi, nhân rộng mô hình sản xuất có năng suất, chất lượng và giá trị cao; từng bước thực hiện khép kín, dây chuyền hiện đại từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đổi mới tổ chức sản xuất trong nông nghiệp cho phù hợp với điều kiện phát triển mới, tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ bằng nhiều hình thức để phát triển các hình thức sản xuất tập trung (tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới...) mang lại hiệu quả cao.

Thứ hai, mở rộng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đặc biệt các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, xây dựng, đăng ký các nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa có chứng nhận, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho nông sản.

Thứ ba, phát huy các chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn dựa trên nhu cầu thực tế; tạo điều kiện người dân vay vốn phát triển mô hình kinh tế hộ gia đình như: tăng thêm hỗ trợ cho vay qua Ngân hàng Chính sách Xã hội đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo; đa dạng hóa các nguồn cung cấp tín dụng, đổi mới cơ chế, thủ tục để nông dân và các đối tác kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tiếp cận tín dụng thuận lợi. Đẩy mạnh công tác giảm nghèo giảm trung bình mỗi năm 0,4 - 1,0%.

Thứ tư, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao cho người dân tham gia.

Thứ năm, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch đẹp và hiện đại, chú trọng đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện, hệ thống nước sạch, viễn thông, hệ thống y tế, trường học, công trình phòng, chống thiên tai, công trình hiện đại về hình thức và cơ sở vật chất phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu. Xóa bỏ nhà tạm bợ, dột nát, từng bước cải thiện điều kiện sống cho người dân.

Thứ sáu, triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn sáng – xanh – sạch – đẹp trên từng tuyến đường nông thôn và nâng chất hằng năm. Xây dựng kế hoạch nhằm mục tiêu giữ gìn, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.