“Đây là đài truyền thanh cơ sở. Buổi truyền thanh hôm nay mời bà con nghe thông báo: Quyết định số… của Ủy ban nhân dân huyện về việc không được tùy tiện san lấp ao, hồ, mương, máng. Khuyến khích trồng nhiều cây ở mỗi đường làng, ngõ xóm, cánh đồng. Cấm bẫy chim dưới mọi hình thức …”.
Đây là một buổi truyền thanh của đài truyền thanh quê tôi (một làng ở Bắc Ninh) mà tôi nghe được dịp về quê cách đây hơn một năm.
Quận Long Biên lên tiếng về việc lấp hồ lấy đất phân lô, trăm hộ dân kiến nghị xin giữ lại hồ |
Vô tình nghe được buổi truyền thanh này tôi khá ngạc nhiên vì cứ nghĩ rằng vấn đề môi trường, việc cấm san, lấp hồ, ao… lâu nay thường được đề cập nhiều hơn ở các thành phố, với các vùng nông thôn thì vấn đề này thường bị xem nhẹ.
Thú thực, bản thân tôi không nghĩ nhiều đến việc các vùng nông thôn cũng cần phải bảo vệ môi trường, phải giữ hồ, ao; phải trồng cây… bởi cũng giống như phần đông mọi người khác, tôi nghĩ rằng ở nông thôn đất rộng, người thưa; dân trí nông thôn thấp hơn dân trí thành phố; đời sống người nông dân đa số khó khăn, hơn nữa do vất vả mưu sinh nên nông dân không có thì giờ để nghĩ tới những ván đề khác như bảo vê môi trường chẳng hạn.
Nhưng giờ đây thực sự đã có nhiều thay đổi sâu rộng ở nhiều vùng nông thôn do đời sống nông dân đang ngày một phát triển, đặc biệt là dân trí nhiều vùng nông thôn ngày một cao.
Hình ảnh người dân phường Ngọc Thụy phải dùng thuyền đi vào nhà trong trận lụt lịch sử năm 2008. (Ảnh người dân cung cấp) |
Nhiều người nông dân bây giờ đã hiểu rằng: muốn đời sống phát triển thì không chỉ có phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường cũng có tầm quan trọng như phát triển kinh tế. Chỉ có thế thì mới phát triển bền vững và hài hòa được.
Ý chí và nguyện vọng này của người nông dân đã được các cấp lãnh đạo thấu hiểu, quyết định “Cấm tự ý san lấp hồ, ao; khuyến khích trồng cây gây rừng để bảo vệ môi trường; cấm bẫy chim dưới mọi hình thức…” của một huyện ở Bắc Ninh là một quyết định kịp thời, rất hợp lòng dân.
Bản thân tôi ngoài việc đồng tình với quyết định trên thì tôi xin đưa thêm một ý kiến nhỏ: hiện nay, nhiều vùng nông thôn đã và đang có những quy hoạch để xây các khu đô thị, dân cư.
Tôi để ý thấy rằng dù các khu dân cư đó có hiện đại thì vẫn không có khu xử lý nước thải, nước thải sinh hoạt ở các làng quê và các khu dân cư mới đều xả trực tiếp ra mương máng, đồng ruộng, ao hồ.
Ao hồ, mương máng ở quê bây giờ không còn tôm, cá một phần bởi các chất bảo vệ thực vật, một phần bởi bị ô nhiễm do nước thải công nghiệp và sinh hoạt. Mong rằng các cấp chính quyền khi cấp phép xây dựng khu dân cư, đô thị… thì cần quy định có khu xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường.
Quyết định hợp lòng dân trên của một huyện ở Bắc Ninh cần được lan tỏa rộng khắp. Mong rằng quyết định đó sẽ được quyết liệt thực thi để các vùng quê thực sự phát triển bền vững, là cơ sở để xây dựng nông thôn mới.
Khi đó những vùng quê trên mọi miền Tổ Quốc sẽ thực sự là những vùng quê đáng sống.
Ở một huyện vùng nông thôn mà còn có quyết định “cấm san lấp ao, hồ…” như vậy, và thực tế chuyện san lấp ao, hồ… ở quê tôi bây giờ là cực kỳ khó khăn, thậm chí là không thể.
Thế mà ở Thủ đô Hà Nội giờ vẫn còn chuyện lấp hồ tự nhiên. Người dân mong đào hồ không được giờ đã có hồ tự nhiên rồi lại lấp đi, thật không thể hiểu nổi.
Có thể quyết định lấp hồ đã có từ lâu, giờ là giai đoạn triển khai, tuy nhiên quyết định của cơ quan công quyền chưa chắc đã đúng 100%.
Mong rằng chính quyền Thủ đô Hà Nội xem xét lại quyết định lấp hai hồ tự nhiên ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội.
Quận Long Biên nói lấp hồ tự nhiên lấy đất phân lô là theo quy hoạch
UBND quận Long Biên cho biết, việc san lấp hồ tự nhiên trên địa bàn thực hiện theo quy hoạch đã phê duyệt. Sau khi lấp những hồ tự nhiên này, sẽ làm các hồ nhân tạo để làm hồ điều hòa và thoát nước.
Anh Phạm (Bạn đọc tỉnh Bắc Ninh)