Sáng 29/3 vừa qua, tại huyện Tịnh Biên, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang phối hợp Sở Công Thương An Giang và Siêu Thị Tứ Sơn tổ chức Lễ phát động Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Chương trình “100 chuyến hàng Việt về nông thôn” trên địa bàn tỉnh.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một chủ trương lớn của Ðảng, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, với mục đích góp phần tích cực và thiết thực ngăn chặn suy giảm kinh tế, phòng ngừa lạm phát, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội.
Tiếp nối thành công của Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”, năm 2023, Sở Công Thương cùng với Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang và Siêu thị Tứ Sơn sẽ tổ chức Chương trình “100 chuyến hàng Việt về nông thôn” trên địa bàn tỉnh, với mục đích tiếp tục tạo điều kiện cho người dân nông thôn được tiếp cận với các sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất đảm bảo chất lượng, có giá cả hợp lý, phù hợp với thu nhập của người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, điểm mới của chương trình năm nay là các chuyến hàng có thêm một số sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của các địa phương… Hiện tỉnh An Giang đã có 88 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó, có 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia, 16 sản phẩm đạt 4 sao và 70 sản phẩm đạt 3 sao, thuộc nhóm ngành thực phẩm, sản phẩm đồ uống, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trang trí.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu đề xuất những cơ chế chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong tỉnh tiếp cận với những dự án lớn; khuyến khích cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh, phát triển mạng lưới bán lẻ, nhất là ở vùng có nhiều khó khăn. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ làm hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả...
Đến nay, người dân ở các vùng nông thôn An Giang đã khá quen thuộc với chương trình này. Các sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Việt được bày bán bắt mắt, thông tin sản phẩm đầy đủ, phong phú, đa dạng, giá cả thấp hơn thị trường 5-10%, chất lượng sản phẩm tốt, phù hợp thị hiếu..., đây chính là những ưu điểm nổi bật, thu hút được người tiêu dùng ở nông thôn.
Năm ngoái, Sở Công thương phối hợp với Siêu thị Tứ Sơn, Siêu thị Co.op Mart Thoại Sơn, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam chi nhánh tỉnh Đổng Tháp tổ chức được 99 chuyến xe “Đưa hàng Việt về nông thôn” và 1 chợ hàng Việt tại khắp các địa phương trong tỉnh, cung cung ứng đa dạng hàng hóa thiết yếu, như: Nhu yếu phẩm, hàng bách hóa, tiêu dùng, đồ gia dụng…, có chất lượng đảm bảo cùng với giá cả theo chương trình bình ổn trên địa bàn toàn tỉnh, thu hút trên 150.000 lượt tham quan, mua sắm, với tổng doanh số bán hàng đạt trên 1,8 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Minh Hùng cho biết: “Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” đã tạo điều kiện cho người dân nông thôn được tiếp cận với các sản phẩm hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, phù hợp với thu nhập của người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp Việt Nam từng bước tiếp cận, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng nông thôn”.
Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Sở Công Thương phối hợp với UBMTTQVN tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và Siêu thị Tứ Sơn tổ chức Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” thông qua 2 hình thức là phiên chợ và các chuyến bán hàng lưu động đã tạo được ấn tượng rất tốt cho người tiêu dùng nông thôn đối với hàng Việt với giá cả hợp lý, mẫu mã đa dạng, phong phú.
Hồ Nhi