Ngày 24/10, Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội hoàn tất kiểm tra và đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của 4 xã thuộc huyện Hoài Đức, gồm: An Khánh, Sơn Đồng, Kim Chung và Đức Thượng. Mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu không chỉ góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn hướng tới phát triển các xã thành phường trong tương lai.

Trong đợt thẩm định này, các xã đã có những lĩnh vực đề xuất cụ thể để được công nhận đạt chuẩn. Xã An Khánh đã đăng ký đạt chuẩn trên 3 lĩnh vực gồm: văn hóa, y tế và du lịch. Xã Sơn Đồng đề nghị công nhận chuẩn nông thôn mới trên 2 lĩnh vực là y tế và giáo dục. Xã Kim Chung cũng đặt mục tiêu hoàn thành tiêu chuẩn trên lĩnh vực y tế và văn hoá, trong khi xã Đức Thượng đề nghị đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trên 3 lĩnh vực: văn hoá, y tế và môi trường.

Báo cáo đoàn thẩm định, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết, trước khi tiến hành thẩm định cho 4 xã An Khánh, Sơn Đồng, Kim Chung, và Đức Thượng, huyện đã có 3 xã được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Mục tiêu là đến cuối năm 2024, sẽ có ít nhất 40% tổng số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Ngoài việc đẩy mạnh tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Hoài Đức còn đặt mục tiêu có 100% số xã, tương đương với 19 xã trên toàn huyện, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2024. Theo đó, chính quyền huyện đang nỗ lực để hoàn thành kế hoạch 3 xã là Vân Côn, Song Phương và Dương Liễu đạt tiêu chí.

W-Hoaiduc.png
Hoài Đức đang tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành một trong những huyện tiên phong trong công cuộc hiện đại hoá nông thôn (quang cảnh nhìn từ đại lộ Thăng Long)

Từ khi được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017, quán triệt chỉ đạo của Trung ương trong thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Chương trình số 04 của Thành uỷ Hà Nội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khoá 24, nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Hoài Đức đã quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện song hành 2 nhiệm vụ xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao gắn với Đề án xây dựng huyện thành quận.

Thời gian qua, huyện Hoài Đức ban hành các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch sát nhiệm vụ thực tế; ưu tiên tập trung nguồn lực duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại các xã; đồng thời đề ra các giải pháp chiến lược để phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kinh tế, du lịch thương mại, tạo tiền đề hoàn thành các tiêu chí phường, quận đảm bảo theo lộ trình, tiến độ.

Để huy động sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc, chung tay thực hiện tốt các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với hoàn thành các tiêu chí quận, huyện Hoài Đức đẩy mạnh công tác tuyên truyền phong phú, đa dạng bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn để nhận thức của nhân dân được thông suốt. Qua đó, đã tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị, sự vào cuộc tham gia của cả cộng đồng, người dân trong vai trò chủ thể, đồng tâm hợp sức xây dựng quê hương Hoài Đức tốt đẹp hơn.

Nhờ sự tập trung cao độ, đến hết năm 2023, Hoài Đức có 16/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm tỷ lệ 84,2%; 3/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, chiếm tỉ lệ 15,7%; hoàn thành 9/9 tiêu chí với 38 chỉ tiêu huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Huyện đạt 27/31 tiêu chí quận; 100% các xã đạt chuẩn tiêu chí phường về cơ sở hạ tầng. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện hiện được 31.260 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 12,12%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó giá trị thương mại - dịch vụ chiếm 57,25%; công nghiệp - xây dựng 39,12% và nông nghiệp 3,65%. Năm 2023, thu nhập bình quân toàn huyện đạt 78,34 triệu đồng/người. Huyện duy trì không còn hộ nghèo từ năm 2020 đến nay và nỗ lực xóa hộ cận nghèo trong năm 2024.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và đô thị văn minh, hiện đại, công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp trên địa bàn huyện đã chuyển biến tích cực. Các cụm công nghiệp, làng nghề thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường, xử lý nước thải.

Với những bước đi cụ thể và cam kết mạnh mẽ từ các cấp chính quyền và Nhân dân, huyện Hoài Đức tiếp tục là điểm sáng trong chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của thành phố Hà Nội. Mô hình nông thôn mới tại đây không chỉ giúp cải thiện đời sống dân sinh mà còn góp phần vào quá trình đô thị hoá, giúp Hoài Đức tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành một trong những huyện tiên phong trong công cuộc hiện đại hoá nông thôn.