Lao Chải là xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn, cách trung tâm huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang trên 60 km; có đường biên giới Việt – Trung hơn 7,7 km. Toàn xã có 4 thôn, bản; gồm 2 thôn nội địa là Ngài Là Thầu, Cáo Sào và 2 thôn  biên giới là Lùng Chu Phùng và Bản Phùng. Người dân chủ yếu là đồng bào Mông.

Với đặc thù là xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn, nên việc thực hiện chương trình xây dựng NTM đối với xã gặp không ít truân chuyên. Đơn cử vào mùa mưa, đường giao thông đi lại khó khăn, mây mù, đường trơn trượt có khi bị ách tắc nhiều ngày do sạt, lở. Để xây dựng được một công trình trên địa bàn phải phụ thuộc vào thời tiết nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ xây dựng. Hơn nữa, trên địa bàn xã không có vật liệu xây dựng, phải vận chuyển từ thành phố Hà Giang hoặc xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) với khoảng cách từ 20 đến 40 km; và mùa khô mới có thể thi công được. Thời tiết ở Lao Chải tương đối khắc nghiệt, mùa Đông thường rét đậm, rét hại kéo dài; mùa mưa, lượng nước mưa tương đối lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Còn mùa khô lại bị thiếu nước, khiến đồng bào chỉ có thể sản xuất duy nhất một vụ Mùa trong năm.

Cùng với khó khăn trên, do trình độ dân trí không đồng đều, nên việc tuyên truyền cho đồng bào hiểu và thực hiện chủ trương, chính sách còn hạn chế. Ví như việc thực hiện 3 công trình vệ sinh (bể nước, nhà tắm, nhà vệ sinh), di chuyển chuồng trại ra xa nhà chưa hiệu quả; do đồng bào vốn quen với phong tục, tập quán cũ. Hơn nữa, do địa hình đồi núi dốc và bị chia cắt mạnh,  nên nhiều hộ khó có mặt bằng để mở rộng phát triển chăn nuôi mà chỉ có thể làm được chuồng nuôi từ vài mét vuông đến vài chục mét vuông để nuôi lợn hoặc trâu, bò... 

W-Laochai.png
Ảnh minh hoạ

Không quản khó khăn, Lao Chải cùng cả nước bắt tay xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo được sự bứt phá mới trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân, nhiều mô hình phát triển kinh tế cũng đã được triển khai và mang lại hiệu quả tích cực như mô hình phụ nữ giúp nhau nuôi lợn đen, nuôi dê, nuôi bò vỗ béo, mô hình trồng thảo quả... mô hình phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế.... nhờ đó mà tình hình kinh tế, xã hội của xã đã có nhiều khởi sắc.

Vụ Đông năm nay xã đã mạnh dạn liên kết với HTX Đại Ngân trồng cây khoai tây, bước đầu đã giúp người dân nơi đây tăng vụ, thay đổi được cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập trên diện tích đất canh tác… Mối liên kết lần đầu được thực hiện ở Lao Chải, lần đầu người dân tiếp cận với một cách làm mới nhưng xã đã mạnh dạn thực hiện liên kết với HTX Đại Ngân trồng gần 20ha cây khoai tây, 28 hộ tham gia chương trình. Hợp tác xã hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Người dân tham gia vào mối liên kết sẽ bỏ công, bỏ sức để thực hiện. Giống và phân bón được cung ứng ngay từ ban đầu. Đến vụ thu hoạch khoai tây, người dân mới phải trả lại vốn đầu tư ban đầu cho công ty. 

Ở thời điểm hiện tại mối liên kết trồng cây khoai tây của người dân ở Lùng Chu Phùng bước đầu có kết quả khả quan. Người dân đang rất kỳ vọng vào mô hình này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng mong muốn mô hình này sẽ thành công để người dân ở Lao Chải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng giá trị kinh tế trên một diện tích đất. 

Với những nỗ lực vượt khó, hiện xã Lao Chải đã đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới. Trụ sở UBND xã khang trang, trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở ở kế bên cũng sạch sẽ và đẹp mắt. Từ xã cho đến các thôn, bản đã có đường bê tông, cùng với những ngôi nhà san sát là các cửa hàng tạp hóa.