1.jpg
Minh họa: Mạnh Thắng

Sau khi dịch vụ vô tuyến cố định không dây được 3 mạng di động tung ra, việc cạnh tranh ngày càng quyết liệt với nhiều chương trình khuyến mãi như tặng máy, cước thuê bao và cả tặng tiền… Những chương trình khuyến mãi nặng tay này khiến thuê bao gia tăng nhanh chóng. Thế nhưng, phía sau sự phát triển đó là… những câu chuyện lãng phí.

Nông dân cũng “hai tay ba súng”

Năm 2006, EVN Telecom tung ra dịch vụ điện thoại cố định không dây với thương hiệu Ecom nhắm chủ yếu vào thị trường nông thôn. Sau 3 năm thử nghiệm, VNPT cũng chính thức cung cấp dịch vụ vô tuyến cố định với tên gọi GPhone vào ngày 31/5/2007 trên cơ sở mạng GSM của VinaPhone và VinaPhone cũng được giao làm chủ quản dịch vụ. Tháng 8/2007, Viettel  cũng tuyên bố chính thức đưa ra dịch vụ điện thoại cố định không dây mang tên HomePhone.

Không rầm rộ như các cuộc chạy đua điện thoại di động, nhưng dịch vụ điện thoại cố định không dây cũng nổi những đợt “sóng ngầm” ở thị trường nông thôn khi các doanh nghiệp tuyên bố tặng máy cho khách hàng, thậm chí không tính cước thuê bao tháng. Tuy nhiên, mổ xẻ câu chuyện “hậu lắp đặt” sau các cuộc chạy đua khuyến mãi này cũng lắm chuyện bi hài.

Như nhiều gia đình nghèo khác ở khu ga Ngòi Hóp vùng núi Báo Đáp (huyện Trấn Yên, Yên Bái), một ngày đầu năm 2009, gia đình anh Tình, 43 tuổi được hai nhân viên tiếp thị của Viettel gõ cửa giới thiệu chiếc điện thoại có tên gọi HomePhone kèm lời quảng cáo hấp dẫn: Được tặng máy, cước thuê bao miễn phí! Quanh năm chỉ biết bán mặt cho ruộng lúa, cả năm cùng lắm cũng chỉ đến Bưu điện ga gọi điện cho người xã bên đôi lần để mua cá giống, thế mà trước sức hút “miễn phí”, cả gia đình anh không cưỡng nổi… Vậy là lắp. Rất nhanh chóng. Nội trong buổi sáng hôm ấy, ngoài gia đình anh Tình ra còn có tới gần chục nhà khác trong thôn cũng lắp, thậm chí có hộ chả biết lắp để làm gì.

Trở lại câu chuyện ở Yên Bái kể trên, đến nay đã gần nửa năm trôi qua nhưng số cuộc gọi đến và đi của gia đình anh Tình ở xã Báo Đáp cũng chưa vượt nổi chục cuộc. Chiếc “alô” chỉ được phát huy tối đa ở bộ phận… cục pin vào việc cho hai cậu con trai thỉnh thoảng bấm thử nghe các loại nhạc chuông âm thanh nổi rộn ràng được tích hợp sẵn!

Còn tại huyện Bình Gia, Lạng Sơn, bác La Văn Cơ, 66 tuổi, người dân xã Tô Hiệu cho biết: “Điều kiện kinh tế của nhiều gia đình nơi tôi ở rất khó khăn, nhưng giờ rất nhiều nhà cũng thấy lắp điện thoại cố định không dây chỉ vì được… miễn phí. Lắm hộ đăng kí liền 2 cái: chồng HomePhone, vợ G-Phone dù chẳng buôn bán hay có nhu cầu gọi và nghe. Tôi hỏi, vợ chồng anh ấy bảo: “Nhà nước hỗ trợ, cứ lắp thôi! Khi nào dùng hết tiền… Nhà nước thì bỏ!”.

Còn tại xã Tân Linh (huyện Đại Từ, Thái Nguyên), theo tìm hiểu của phóng viên Báo BĐVN, hiện địa bàn này đang xuất hiện tình trạng nhiều hộ gia đình cứ thấy khuyến mãi, hỗ trợ là tràn lan đăng ký. Thế nên mới có chuyện rất nhiều gia đình hiện “thủ” trong nhà ít nhất là 2 máy, thậm chí tới 3 - 4 máy của cả G-Phone, HomePhone và E-Com.

Ông Lương Văn Tuân, người dân xã Tân Linh cho biết: “Gia đình tôi đăng ký cả ba máy gọi cho… kinh tế, vì hiện nay tất cả đều đang được khuyến mãi”. Vậy, còn những gia đình thừa máy không sử dụng, họ đăng ký để làm gì? Xin thưa, việc đầu tiên là họ “phanh thây” chiếc máy, tháo luôn 2 viên pin ra để lắp vào thiết bị khác như đèn pin, radio do loại pin này… có thể sạc để dùng đi dùng lại nhiều lần!

Tại tỉnh Hà Giang, trao đổi thêm với phóng viên Báo BĐVN về tình trạng sử dụng điện thoại cố định không dây lãng phí, một cán bộ Sở TT&TT của tỉnh cho biết: Hết khuyến mãi, công tác thu phí đối với những đối tượng sử dụng điện thoại cố định không dây tại nhiều xã vùng núi của Hà Giang gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên, đó là do nhiều đồng bào sử dụng G-Phone sống ở những nơi quá hẻo lánh, thậm chí nằm riêng biệt mỗi nhà… một quả đồi khác nhau, trong khi đó cước phí sử dụng của họ lại chưa tới mười nghìn đồng mỗi tháng!

Thực tế ấy khiến cho nhân viên thu tiền cước đến khổ vì nếu bỏ thời gian cả vài giờ đồng hồ đi bộ chỉ để thu được dăm bảy nghìn đồng thì quá tốn kém công sức, vậy nên mới có chuyện không ít người đành ngậm ngùi tự bỏ tiền túi ra nộp cho… đỡ phải đi lại vất vả và cũng là để hoàn thành nhiệm vụ với đơn vị. Cùng đó, có những nhà do không có nhu cầu gọi – nghe nên chiếc điện thoại được hỗ trợ miễn phí được dùng vào mục đích làm… đồ trang trí trong nhà. Đến cuối tháng dù chỉ phải thanh toán cước thuê bao 5.200 đồng cũng không đủ khả năng trả!.

Lãng phí vẫn gia tăng

Khi các “nhà mạng” liên tiếp tung ra khuyến mãi, tăng tốc trong cuộc chạy đua giành thị phần, nhân viên tiếp thị đến tận nhà tận tình giới thiệu tính năng, sự tiện lợi, vì thế, chưa bao giờ cơ hội kết nối qua điện thoại của người dân phục vụ mục đích làm ăn kinh tế, liên lạc với người thân… lại trở nên dễ dàng đến như hiện nay, nhất là tại những vùng núi, điều kiện để lắp đặt cáp hữu tuyến không thể có.

Tuy nhiên, bên cạnh những ích lợi mang lại thì hàng loạt câu chuyện đang diễn ra như tại Hà Giang, Lạng Sơn, Yên Bái hay Thái Nguyên kể trên đang cho thấy thực trạng lãng phí lớn từ hàng ngàn chiếc máy G-Phone, HomePhone hay E-Com. Như vậy, hậu “cuộc chiến” cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại cố định không dây là sự lãng phí tiền bởi lượng “cung” vượt quá “cầu”.

Trong số đó, có những chiếc điện thoại vô tuyến cố định được hỗ trợ từ Quỹ VTCI Việt Nam. Nhiều chiếc điện thoại từ các chương trình hỗ trợ của QVTCI hay các chương trình khuyến mãi của doanh nghiệp đã nhanh chóng phải chịu cảnh bị “ngược đãi” nằm lăn lóc pin một nơi, tai nghe một nẻo, hoặc “ăn không ngồi rồi” như một vật trang trí vô tác dụng để giúp chủ nhân giải quyết khâu… oai chứ chẳng phải vì cái mục đích trao đổi công việc hay bàn chuyện làm ăn nào hết!

Nguy cơ lãng phí đang nhỡn tiền, thực trạng nêu trên cũng như câu chuyện gia tăng ảo thuê bao điện thoại di động trả trước do người dân đổ xô mua SIM thay cho mua thẻ, gây lãng phí kho tài nguyên số đối với các mạng di động trong nước trong thời gian vừa qua. Đã đến lúc các nhà cung cấp dịch vụ cần thắt chặt tình trạng này.

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 82 ra ngày 10/7/2009.

Ở địa phương của bạn có tình trạng này không, hãy chia sẽ với chúng tôi qua địa chỉ [email protected] hoặc phản hồi dưới bài viết này.