Lần đầu tiếp cận kênh tiêu thụ mới
5h chiều một ngày gần cuối tháng 11, lão nông Trần Văn Quý ở khu Nước Ngập, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, đẩy xe cam vừa hái từ vườn về nhà để ngày mai con cháu mang ra chợ bán, thêm được mấy giá so với khi bán cho thương lái. Mồ hôi lấm tấm trên trán nhưng trong mắt ông ánh lên sự hào hứng, phấn khởi.
Lão nông Trần Văn Quý vận chuyển cam vừa hái từ vườn về nhà. (Ảnh: Bình Minh) |
Vườn cam này được ông Quý gây trồng khoảng 3,5 - 4 năm nay, và đây là vụ cam đầu tiên được thu hoạch. Những quả cam chín mọng, trông thật ngon mắt.
Số cam này sẽ được con cháu ông Quý mang ra chợ bán để được thêm mấy giá so với khi bán cho thương lái. |
“Trước cả khu này trồng cây mai để thu măng. Gia đình tôi mua lại đất, quay sang trồng bưởi da xanh và trồng cam. Khi chăm bón, gia đình dùng hoàn toàn bằng phân hữu cơ, phân vi sinh, phần gốc cam không bao giờ dùng thuốc trừ cỏ, chỉ dùng máy cắt, đáp ứng tiêu chí sản phẩm sạch. Cam vàng đẹp bán tại vườn là 10.000 đồng/kg. Trừ chi phí đầu tư thì đảm bảo có lãi”, ông Quý vui vẻ kể.
Cam ở vườn nhà ông Quý đảm bảo tiêu chuẩn sản phẩm nông sản sạch. |
Chiều nay, nhà ông Quý rộn rã hơn mọi ngày vì có đoàn công tác của Bưu điện huyện đến thăm. Lần đầu tiên ông được nghe giới thiệu về sàn thương mại điện tử Postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) với rất nhiều lợi ích như: Có thể hỗ trợ tiêu thụ nông sản tới khắp mọi miền Tổ quốc, thậm chí ra cả nước ngoài; Có đa dạng sản phẩm đầu vào của sản xuất nông nghiệp như phân vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật…, chỉ cần nhấn chọn sản phẩm sẽ hẹn được ngày giao đến tận nhà…
“Được thế thì còn gì bằng, chúng tôi sẵn sàng đưa các sản phẩm của vườn nhà lên sàn Postmart.vn. Qua ti vi, báo, đài, tôi đã thấy trên sàn này giúp Bắc Giang bán vải ra quốc tế. Tôi cũng mong sao những quả cam đẹp của nhà mình được tiêu thụ ra nước ngoài qua sàn thương mại điện tử”, ông Quý thốt lên.
Giải phóng hàng nhờ sàn thương mại điện tử
Ở huyện Lục Yên, bên cạnh những hộ nông dân, hộ sản xuất nông nghiệp vốn chỉ quen với cách thức tiêu thụ truyền thống là mang ra chợ bán hoặc bán qua thương lái, đã có một số hợp tác xã tiếp cận được với kênh tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Những hiệu quả bước đầu đem lại niềm vui cho họ.
Hợp tác xã Thái Sơn là một ví dụ. Cũng giống như lão nông Trần Văn Quý ở khu Nước Ngập, ông Đàm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Thái Sơn biết đến sàn Postmart.vn nhờ sự giới thiệu của nhân viên Bưu điện. Hiện hợp tác xã này đã có 5 sản phẩm OCOP 3 sao có mặt trên sàn Postmart, gồm: Lạc ri vỏ đỏ, dầu lạc đỏ, dầu lạc trắng, dầu đỗ tương, dầu vừng, đều là sản phẩm sản xuất từ nông sản của địa phương.
Sản phẩm lạc ri vỏ đỏ của Hợp tác xã Thái Sơn đạt OCOP 3 sao, đã có mặt trên sàn Postmart.vn. |
“Thiên nhiên ban tặng cho Lục Yên thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng tạo ra loại lạc ngon, thơm bùi, ngọt hơn hẳn so với nhiều loại lạc ở địa phương khác. Sau khi sản xuất ra những sản phẩm có thương hiệu, chúng tôi cũng cần chỗ tiêu thụ. Trong giai đoạn dịch Covid này, một số tuyến xe liên tỉnh ngừng hoạt động. Sàn thương mại điện tử Postmart.vn của Bưu điện đã giúp giải phóng được một số mặt hàng. Trước đây, chúng tôi cũng triển khai tiêu thụ qua một số trang mạng xã hội, nhưng sau khi lên sàn Postmart thì kết quả tích cực hơn. Khối lượng hàng đi lớn hơn. Trong khoảng 1 tháng qua, sàn đã tiêu thụ 1 – 2 tạ lạc nhân, hơn hẳn bán lẻ”, ông Việt chia sẻ.
Ông Đàm Văn Việt chia sẻ về những lợi ích khi đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. |
Đánh giá cao hiệu quả khi lên sàn thương mại điện tử, song ông Việt cũng đề xuất chủ sàn xem xét giảm cước phí vận chuyển cho hàng nông sản: “Chúng tôi có khách hàng ở nhiều địa phương rất xa, chẳng hạn tháng nào cũng gửi hàng đi Cà Mau. Do cước vận chuyển khá cao nên hàng đến tay họ cũng bằng giá họ mua lẻ ở gần nhà. Nông sản là mặt hàng lợi nhuận thấp, lại thuộc diện hàng nặng, mỗi kiện hàng thường là hàng yến, hàng tạ. Nếu cước vận chuyển giảm được khoảng 50% so với hiện nay thì thật tốt cho chúng tôi”.
Một số sản phẩm OCOP khác của Hợp tác xã Thái Sơn được khách hàng ở nhiều địa phương tin dùng, đặt mua qua sàn Postmart.vn. |
Bạn đồng hành của nhà nông
Khoảng 3 tháng nay, đội ngũ cán bộ, nhân viên Bưu điện huyện Lục Yên có thêm một nhiệm vụ mới, đó là triển khai Quyết định số 1034 của Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Kế hoạch Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Trên địa bàn huyện đã có Hợp tác xã Thái Sơn đưa được sản phẩm lên sàn Postmart.vn. Vừa rồi, Bưu điện huyện tiếp tục hỗ trợ cho các hợp tác xã sản xuất măng khô ở xã Lâm Thượng lên sàn; và tới đây sẽ hỗ trợ một số hộ sản xuất trồng cam sành Lục Yên triển khai kênh kinh doanh, tiêu thụ mới.
Theo ông Hoàng Quốc Dũng, Giám đốc Bưu điện huyện Lục Yên: trước khi triển khai Quyết định số 1034, bà con nông dân rất khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, thường xuyên bị các thương lái ép giá, dẫn đến việc “được mùa mất giá. Từ khi Bưu điện vào hỗ trợ bà con tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, các thương lái thu mua nông sản với giá tốt hơn, không dẫn đến tình trạng bị ép giá nữa.
Ông Dũng nêu dẫn chứng măng khô của xã Lâm Thượng. Trước khi Bưu điện vào hỗ trợ thì bà con bị thương lái ép giá, chỉ bán được 70.000 đồng/kg. Sau khi Bưu điện vào thu mua với giá 100.000 đồng/kg thì thương lái vào trả giá cao hơn so với Bưu điện.
Tuy nhiên, việc hỗ trợ nông dân, hộ sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã ở Lục Yên lên sàn vẫn phải đối diện với khá nhiều khó khăn, thách thức, không thể hoàn tất trong một sớm một chiều. Chẳng hạn, ở huyện vùng sâu, vùng xa này, đa phần là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn hạn chế, không dễ dàng tiếp cận thông tin tri thức công nghệ hiện đại. Cùng với đó, địa hình, địa thế miền núi, đi lại rất khó khăn…
Nhân viên Bưu điện đến tận nhà của hộ nông dân, hộ sản xuất nông nghiệp để giới thiệu về sàn thương mại điện tử Postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam. |
Nhân viên Bưu điện phải dành rất nhiều thời gian, công sức để hướng dẫn cho nông dân nắm được quy trình đưa sản phẩm lên sàn Postmart.vn, quy cách đóng gói, đảm bảo chất lượng sản phẩm…
“Hiện vẫn còn khá nhiều sản phẩm nông sản, OCOP của Lục Yên chưa được đưa lên sàn. Chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Công Thương, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, Hội Nông dân của huyện để đưa thêm nhiều sản phẩm của các hợp tác xã, nông dân lên sàn thương mại điện tử”, ông Dũng cho biết.
“Để hỗ trợ cho bà con triển khai hiệu quả Quyết định số 1034, về phía Bưu điện cũng phải tổ chức sản xuất lại. Lợi thế của Lục Yên là có mạng lưới đường thư phủ kín 100% các xã trên địa bàn huyện, đa số đường thư trong ngày. Song chúng tôi sẽ tổ chức lại thật kỹ việc thu gom nông sản của bà con lên huyện gửi đến chỗ tiêu thụ, căn cứ trên đường thu gom từ các xã, từ xã lên huyện, từ huyện xuống xã, từ huyện về tỉnh”, Giám đốc Bưu điện huyện Lục Yên chia sẻ thêm.
Bài và ảnh: Bình Minh
Lên sàn mua cam “xịn”, bà nội trợ khỏi lo “mất tiền mua bực vào thân”
Mua cam trên sàn thương mại điện tử không chỉ được đảm bảo nguồn gốc sản phẩm “xịn” mà giá lại“mềm” chẳng kém gì mua ở chợ, các bà nội trợ không còn lo chuyện “mất tiền mua bực vào thân”.