Quê tôi khang trang nhưng nhà nào cũng kín cổng cao tường và vắng ngắt, u sầu.
Khác hẳn khi xưa, nhà nhà che cái phên làm cửa, cách nhau chỉ bờ râm bụt nhưng
rộn rã tiếng nói cười.
Mấy ngày nghỉ lễ, tôi tranh thủ về quê thăm họ hàng. Thật ngỡ ngàng trước sự đổi
thay của xóm thôn. Nhà mái bằng thay những căn nhà mái rạ ẩm thấp. Máy nước thay
nước giếng khoan. Rơm rạ đốt bỏ ngoài đồng vì đã có bếp than, bếp ga. Con đường
bê tông thẳng tắp ra tận cánh đồng. Vui lắm khi quê hương mình thay da đổi thịt!
Nhà mấy anh con bác tôi cũng như các gia đình khác đều khang trang. Nhưng nhà ai
cũng vắng vẻ, chỉ thấy đàn bà, người già và con nít. Thì ra, tất cả đàn ông đều
đi làm ở tỉnh ngoài hay trong nội thành.
Ông cha ta nói không sai: "Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp". Đàn
ông vắng nhà, đàn bà phải cáng đáng hết mọi việc. Đại bộ phận chị em ở nhà quanh
năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, chỉ biết đến trâu bò, lợn gà, phân gio,
bùn đất, con cái và muôn vàn nỗi nhọc nhằn, lo toan. Cuộc sống của họ khác xa
cuộc sống của những phụ nữ thành phố
|
Hòa cùng dòng người ly hương, anh cả con bác tôi
cùng hai cậu con trai kéo nhau ra Móng Cái chở đò thuê ở sông Ka Long gần chục
năm nay. Một mình chị còm cõi ở nhà cày cấy 5 sào lúa, chăm bón 4 sào thuốc lào,
người bằng cái mồi câu ếch. Chập tối, chị cũng như những người đàn bà trong xóm
đã tắt đèn, lên giường gặm nhấm nỗi cô đơn, buồn tủi. Năm ngoái, bố con anh rồng
rắn mang về cho chị "món quà" khủng khiếp là thằng con thứ hai nghiện nặng. Nó
cai nghiện 3 lần mà không được. Nhà chỉ còn cái vỏ vì có cái gì đáng giá vài
ngàn là nó đem bán. Buồn khổ, có lần chị định tự tử.
Còn một gia đình họ hàng xa với tôi cũng đau đớn không kém. Anh lên Hòa Bình làm
bảo vệ canh gỗ cho bọn lâm tặc. Dăm bẩy tháng mới gửi cho vợ được vài ba triệu.
Mới rồi, anh sút cân, đau yếu luôn nên bị thải hồi. Vợ đưa đi khám, suýt ngất
khi nhận kết quả chồng bị HIV/ AIDS bởi những ngày xa vợ con, anh tìm đến với
cave. Giờ anh đang nằm liệt giường chờ ngày thần chết gọi đi.
Lại có gia đình, khi thiếu vắng sự dạy dỗ của người cha mà con cái hư hỏng, bất
trị. Nhiều trẻ bỏ học mài đũng quần ở quán điện tử. Để có tiền chơi game, chúng
trộm đồ của nhà, rồi ăn trộm của hàng xóm rồi thành bất trị. Có lẽ vì thế mà nhà
nào cũng kín cổng cao tường, khác hẳn với mấy chục năm trước, nhà ai cũng chỉ có
cái phên làm cửa, nhà nọ ngăn nhà kia chỉ có bờ râm bụt.
|
Tiếp xúc với các chị, các em, lòng tôi tê tái. Tuy nhà nông bây giờ nhàn hơn mấy
chục năm trước, nhưng người phụ nữ vẫn phải quăng quật với cái nghèo, cái đói.
Nhiều nhà vẫn nuôi giấc mơ cho con vào đại học. Vì vậy, họ càng phải thắt lưng
buộc bụng, lăn lộn để có tiền cho con ăn học bằng người. Vất vả là thế, nhiều
chị em còn sống trong bạo lực. Đi vắng thì thôi, có anh cứ về nhà là say khướt,
là đánh đập, hành hạ vợ con. Nhiều chị bị chồng phản bội, vợ nọ con kia. Vì con
cái, họ chấp nhận cuộc sống địa ngục. Nhiều ông chồng tham vàng bỏ ngãi, ra phố
rồi cặp bồ với người đàn bà khác, quên luôn vợ con. Chỉ đến khi bị bỏ rơi, họ
mới quay về với vợ cái con côt. Chị em vẫn dang rộng vòng tay đón người chồng
phụ bạc mình bao năm tháng.
Cơ cực nhất là với những chị em có hoàn cảnh éo le như sức khỏe yếu, làm mẹ đơn
thân. Nỗi khổ, nỗi bất hạnh gấp bội phần bởi không chỉ thiếu thốn vật chất mà
còn sống trong dị nghị của xóm giềng.
Ở quê, nếu chỉ trông vào hạt thóc thì đói to. Sào lúa "cõng" mấy chục loại phí,
lại tiền giống má, phân gio nên thu hoạch không được bao nhiêu. Người ta đã đúc
kết: "giàu nhà quê, không bằng ngồi lê thành phố".Thế nên, dòng người về các
thành phố lớn ngày một đông, không chỉ nam giới mà nhiều chị em cũng phải ra phố
mưu sinh. Mỗi người một nghề, nhưng đều giống nhau ở sự vất vả, lam lũ chẳng
khác gì thân cò, kiếp vạc. Trời nắng chang chang, lòng ta se sắt khi nghe tiếng
rao của những chị làm nghề đồng nát hay người bán hàng rong. Một ngày trời đằng
đẵng, họ rao bao nhiêu lần? Liệu có dám uống cốc nước giải khát, hay bữa cơm bụi
kha khá không? Có nguời làm osin, thu nhập hơn hẳn nghề nông, nhưng cũng gặp
không ít bất trắc. Có chị làm được một hai tháng, chồng đã bắt nghỉ.
Quả thật, có gần gũi với những người phụ nữ nông thôn, ta mới càng khâm phục sự
cần cù, đức hy sinh vô bờ và cả sự thiệt đơn thiệt kép của họ. Mấy khi họ có một
ngày nhàn hạ để mơ một giấc mơ đẹp. Cuộc sống tinh thần cũng rất nghèo nàn. Tối
đến khi xong các việc là tắt đèn đi ngủ, không dám xem tivi vì sợ tốn điện. Nhà
văn hóa thôn cũng chỉ dành cho đội văn nghệ thỉnh thoảng tập để thi thố. Báo chí
cũng không có. Thế nên nhiều người "mù" thông tin.
Có thể nói, ly hương, ly nông đang là bi kịch với nhiều gia đình. Làm sao để
người nông dân gắn bó với ruộng đồng, để họ không phải ly hương kiếm sống? Thiết
nghĩ, chỉ khi nào người nông dân có thu nhập cao từ lương thực thực phẩm, công
sức của họ được trả đúng mức, công lao đóng góp vào nền kinh tế của ngành nông
nghiệp được ghi nhận thỏa đáng, thì lúc ấy mới giải quyết được bài toán ly hương,
ly nông. Đây chính là việc làm thiết thực đem lại sự bình đẳng giới cho người
phụ nữ nông thôn.
Rời quê, hình ảnh quê hương, hình ảnh về những bà con thân thuộc cứ ám ảnh tôi
mãi. Xa xót quá! Tôi thầm mong một ngày không xa, quê mình không còn cảnh ly
hương, ly tán!
Trịnh Thị Thuận - MS 183
(Bài dự thi Đôi mắt và cuộc sống)
Được sản xuất bởi công nghệ hiện đại từ Canada, pms-Super MaxGo có công thức ưu việt cung cấp dưỡng chất đồng bộ cho các bộ phận của mắt, là một liệu pháp khoa học cần thiết để hỗ trợ điều trị các bệnh về mắt một cách hữu hiệu, giúp cung cấp các vitamin và dưỡng chất thiết yếu cho sức khỏe mắt, ngăn ngừa tiến trình lão hóa mắt và tăng cường thị lực, hỗ trợ các chứng bệnh về mắt. Là sản phẩm uy tín của nhà sản xuất và phân phối lớn với số lượng và hàm lượng các chất trong công thức phù hợp pms-Super MaxGo là sản phẩm phù hợp với các đối tượng như người thường xuyên sử dụng máy vi tính, các thiết bị điện tử, người làm việc trong môi trường ô nhiễm khói bụi, người trung niên và người già, người ăn uống thiếu dưỡng chất cần thiết cho mắt, người hay thức khuya, tư thế làm việc không hợp lý, học sinh, sinh viên học nhiều với cường độ cao? Viên bổ mắt pms-SuperMaxGO hân hạnh tài trợ cuộc thi Đôi mắt và cuộc sống. Mọi
thông tin về sản phẩm, truy cập: www.pms-supermaxgo.comhoặc liên hệ Hotline
1900.5555.79. |