Anh Jiang Junsheng đã phải nghiền hơn một tấn tỏi thành phân hữu cơ, và hiện anh vẫn còn năm tấn khoai lang, cải bắp và các hoa màu khác cần phải xử lý tại trang trại của mình. “Thường mọi năm, tôi sẽ bán được khoảng 40.000 Nhân dân tệ (NDT) hoa màu trong khoảng ba tuần sau dịp Tết Nguyên đán. Nhưng năm nay gần như không bán được”, SCMP trích lời anh Jiang nói.
Trang trại của anh Jiang phụ thuộc nhiều vào dịch vụ vận chuyển để chở nông sản của mình tới các thị trường tiêu thụ như thủ đô Bắc Kinh hay thành phố Thượng Hải. Tuy nhiên, với việc dịch bệnh bùng phát, các biện pháp phòng ngừa đang khiến việc vận chuyển nông sản tới những thị trường trên gần như là không thể.
Ngành nông nghiệp Trung Quốc đang chịu thiệt hại nặng do lệnh phong tỏa ngăn chặn Covid-19 lây lan. SCMP |
“Trong nhiều tuần qua, giao thông giữa các thành phố đều bị cắt đứt. Mọi người và phương tiện ở các làng trong vùng này cũng không thể qua lại với nhau. Và dù một số con đường đã được mở lại cho việc thông thương trong tuần này, thì việc buôn bán vẫn còn lâu mới được như trước”, anh Jiang nói thêm.
Dữ liệu ước tính từ tập đoàn Bric Argi-Info Group cho biết, hiện có hơn ba triệu tấn nông sản trên khắp Trung Quốc, phần lớn là các loại rau củ khó bảo quản lâu đang bị tồn ứ, do chuỗi vận chuyển hàng hóa tại nước này bị gián đoạn do dịch Covid-19 gây ra.
Các chuyên gia nông nghiệp cũng đưa ra nhận định rằng, cùng với các trang trại nông sản, ngành chăn nuôi gia cầm tại nước này cũng đang chịu thiệt hại nặng nề vì dịch bệnh.
Anh Xie Chuanzao tại huyện Bình Dương thuộc tỉnh Triết Giang cho biết, anh này đã mất hàng trăm ngàn NDT do không thể xuất chuồng đàn gà của mình. Hiện trang trại của anh đang nuôi hơn 20.000 con gia cầm, và anh này vẫn tiếp tục phải trả cho chi phí chăn nuôi đến khi có người tới mua.
“Trong tháng trước, có hơn một nửa số gia cầm tôi nuôi đã đủ điều kiện để xuất chuồng, nhưng tôi vẫn phải trả chi phí thức ăn chăn nuôi chúng. Tôi không thể làm được bất kỳ việc gì, bởi các con đường vận chuyển đều bị chặn”, anh Xie nói.
Ngoài ra, Xie cũng phải trả thêm chi phí về phía nhân viên, khi anh buộc phải tìm tới những người lao động địa phương đòi mức lương cao hơn để thay thế cho các lao động tới từ tỉnh khác, vốn không thể rời khỏi quê nhà để quay lại làm việc do các biện pháp phòng chống dịch hiện nay.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết, chỉ riêng tại tỉnh An Huy, một trong năm vùng nuôi gia cầm lớn nhất nước này đã thiệt hại hơn 900 triệu NDT kể từ khi dịch corona bùng phát.
Ngành chăn nuôi gia cầm chịu thiệt hại nặng nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: SCMP |
“Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các chợ gia cầm sống đều bị đóng cửa, và việc vận chuyển và chăn nuôi gia cầm đều bị trì trệ. Các cửa hàng giết mổ phải ngừng hoạt động, và việc tiêu thụ gia cầm giảm hẳn. Ngành chăn nuôi gia cầm đã phải chịu tổn thất lớn”, SCMP trích lời Cục trưởng Cục chăn nuôi và Thú y Trung Quốc Yang Zhenhai nói.
Giáo sư Zheng Fengtian thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh cho rằng, tác động của dịch bệnh sẽ còn kéo dài đối với lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp. Việc nhiều vùng tại Trung Quốc buộc phải phong tỏa sẽ khiến những người này mất từ vài tuần lương cho đến mất việc, khi những người thuê họ đang ‘đắm chìm’ trong các vấn đề tài chính.
“Có nhiều người trong số đó làm việc trong các ngành dịch vụ tại các thành phố, như các salon làm tóc hay nhà hàng hiện không thể quay trở lại hoạt động. Đối với họ, một tháng lương làm tại thành phố có khi bằng số tiền họ kiếm được cả năm làm việc đồng áng tại quê nhà. Nên khi nói về tác động của dịch bệnh, thu nhập của người nông dân sẽ là mối lo ngại lớn hơn so với việc sản xuất nông nghiệp”, ông Zheng nhận định.
Tuấn Trần