Ông Bế Văn Định ở xóm Vững Bền (Quang Hán, Trùng Khánh, Cao Bằng) là hộ tiên phong trong việc phát triển chăn nuôi trâu vỗ béo theo hướng hữu cơ.
Năm 2012, ông thấy nhiều nơi phát triển nuôi trâu vỗ béo bằng cách nuôi nhốt thay cho cách chăn thả truyền thống. Vợ chồng ông đã mạnh dạn làm chuồng trại tập trung.
Ảnh minh họa. |
Điều kiện kinh tế lúc đó còn khó khăn nên ông chỉ dám vay vốn, nuôi 3 con/lứa. Nguồn thức ăn chủ yếu là rau, chuối. Vì chưa có kinh nghiệm nên lứa đầu ông nuôi chưa đạt hiệu quả kinh tế.
Bằng sự ham học hỏi và tìm tòi, vợ chồng ông nghiên cứu kỹ thuật chăn nuôi gia súc vỗ béo qua báo đài. Mỗi ngày họ tiếp thu một chút kiến thức.
Từ những gì học được, ông trồng thêm cỏ voi, dùng cám sinh học thảo dược trộn lẫn với thức ăn. Trâu nhanh chóng phát triển về trọng lượng, khỏe mạnh. 2-3 tháng ông xuất/lứa.
Sau thời gian đầu, tài chính dư dả, ông đầu tư 8 -10 con/lứa. Mỗi con trâu khi xuất bán thu lãi từ 6 – 8 triệu đồng.
Ngoài nguồn cỏ là thức ăn chính, các phụ phẩm nông nghiệp khác như: lá bắp, lá khoai, cám gạo, cám bắp … cũng được tận dụng làm thức ăn cho bò nên chi phí đầu tư thấp, bò chóng lớn, ít xảy ra dịch bệnh, có đầu ra ổn định… nên hiệu quả kinh tế mang lại rất cao.
Ông Bế Văn Hội ở xóm Bản Niếng nuôi trâu vỗ béo, mỗi năm thu nhập được 100 triệu đồng.
Theo ông Hội, nuôi trâu vỗ béo là nghề cho thu nhập ổn định so với nhiều nghề nông khác nhưng chi phí đầu tư khá cao.
Muốn chăn nuôi hiệu quả phải làm tốt từ khâu chọn giống. Phải chọn con dáng cao to, vai nở, lưng dài.
Người chăn nuôi không mua loại còn non vì thời gian vỗ béo lâu, tốn thức ăn, lợi nhuận thấp, chậm quay vòng vốn. Ông thường đi tìm mua trâu nặng khoảng hơn 4 tạ về vỗ béo, mỗi con đầu tư cũng khoảng 40 triệu đồng.
Ngoài ra, khâu pha trộn thức ăn là khâu quan trọng nhất. Thức ăn bao gồm: Cỏ voi xay nhuyễn, rau, chuối,.. đảm bảo sạch sẽ.
Nguồn nước uống cũng được pha thêm các loại muối khoáng cần thiết, tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Ngoài nguồn dinh dưỡng, trong quá trình chăn nuôi, cần quan tâm đến vệ sinh môi trường chuồng trại.
Hình thức chăn nuôi vỗ béo gia súc hướng hữu cơ, mang lại lợi ích kép cho cả người chăn nuôi và người sử dụng.
Với người chăn nuôi, gia súc ít bị bệnh, phát triển ổn định, khỏe mạnh, đạt trọng lượng tối đa khi xuất chuồng. Vì vậy giảm thiệt hại, tăng lợi nhuận về kinh tế.
Với người tiêu dùng, thịt trâu không có chất tăng trọng, không tồn dư lượng kháng sinh, an toàn cho sức khỏe.
Nhiều năm nay, cùng với phát triển cây quýt, xã Quang Hán tuyên truyền người dân đẩy mạnh phát triển vỗ béo trâu, bò mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chỉ đạo các xóm mở rộng diện tích trồng cỏ voi, mỗi năm xã trồng trên 60ha cỏ voi và nhiều loại cỏ khác.
Toàn xã có hơn 450 hộ nuôi trâu, bò vỗ béo hữu cơ với tổng số hơn 2.000 con, trong đó hơn 90% số hộ vỗ béo trâu. Tập trung nhiều tại các xóm: Vững Bền, Bản Niếng, Pò Mán, Pú Dô, Bản Tám… Trung bình, mỗi hộ nuôi từ 3 - 5 con/lứa, một số hộ vỗ béo từ 8 - 10 con/lứa.
Ông Hoàng Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã Quang Hán cho biết: Người dân trong xã thường chọn vỗ béo trâu vì con trâu tăng trọng lượng nhanh hơn, giá bán lại cao và ổn định hơn con bò.
Đa số các hộ vỗ béo trâu tại xã đều đã thoát nghèo, nhiều hộ có thu nhập cao từ 100 - 200 triệu đồng/năm.
Trong tương lai sẽ tiếp tục phát huy mô hình để hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững và xây dựng nông hôn mới.
Đoàn Bổng