Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình - Hoàng Ngọc Chinh cho hay, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp và bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. 

Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn. Tuy nhiên, trình độ ứng dụng công nghệ của cán bộ, hội viên nông dân còn hạn chế, tập quán canh tác nhỏ lẻ, thiếu liên kết chuỗi giá trị trong nông nghiệp… 

Trước thực tế đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hội Nông dân tỉnh cũng đã xây dựng và ban hành Đề án Chuyển đổi số trong hoạt động của Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 – 2025 nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, từ đó thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.

Ảnh chụp Màn hình 2024 09 23 lúc 11.59.45.png
Trang bị các kỹ năng, năng lực thực hành chuyển đổi số cho nông dân.

Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, trang bị các kỹ năng, năng lực thực hành, giúp hội viên, nông dân hiểu được vai trò và sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời tích cực vận động nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đi đầu trong ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; giới thiệu các mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn đã và đang triển khai thành công tại một số địa phương tới hội viên, nông dân trong tỉnh. 

Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Đây được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp nông dân nhanh chóng tiếp cận với chuyển đổi số. 

Hội Nông dân tỉnh cũng phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức 3 hội nghị tập huấn giới thiệu sàn thương mại điện tử Postmart.vn và lợi ích khi đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử cho 537 cán bộ, hội viên; hỗ trợ và hướng dẫn 242 hộ nông dân tạo tài khoản mua, bán hàng trên sàn thương mại điện tử.  Đến nay, có gần 100 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu được đưa lên sàn thương mại điện tử đã tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm tiềm năng của các địa phương. 

Cùng với hỗ trợ nông dân đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh còn tập trung phổ biến, nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân về ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp, về tầm quan trọng của việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 

Hội Nông dân tỉnh phối hợp hỗ trợ trao hơn 250.000 tem truy xuất nguồn gốc; xây dựng 18 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Tiêu biểu là các mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ ứng dụng công nghệ cao; nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao tại vùng ven biển huyện Kim Sơn; trồng bưởi ứng dụng công nghệ cao; mô hình trồng đào áp dụng công nghệ tưới, tiêu tiết kiệm nước… 

Các hoạt động này đã và đang tạo ra độ tin cậy cho người tiêu dùng về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở cung cấp nông sản sạch và hàng hóa đạt chất lượng cao trên địa bàn tỉnh.

Hy vọng, với sự vào cuộc mạnh mẽ của của các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh sẽ thúc đẩy và hỗ trợ nông dân trong công cuộc chuyển đổi số, để người nông dân ngày càng tiếp cận nhiều hơn với khoa học công nghệ hiện đại. Đây là tiền đề quan trọng giúp nông dân Ninh Bình thích ứng với chuyển đổi số, góp phần xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại.