Chỉ học hết lớp 7, không qua trường lớp đào tạo, không có thầy chỉ dạy, nhưng ông Nguyễn Kim Chính (61 tuổi, thôn Đại Ân, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) đã thành công với những sáng chế phục vụ việc sản xuất của nhà nông như: máy gặt lúa rải hàng cải tiến; dụng cụ cắt cành, hái quả và bao trái cây; máy tuốt đậu phụng đa năng tiện ích và tiết kiệm; máy dệt thảm chùi chân...
Chỉ học hết lớp 5, "vua" sáng chế sở hữu 6 sáng chế máy nông nghiệp
Anh nông dân thu nhập tiền tỷ mỗi năm nhờ mê sáng chế
Cải tiến máy gặt lúa của Nhật Bản
Sinh ra tại một vùng quê nghèo ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, gia đình đông anh em, bản thân lại làm nghề nông nên ông Chính nung nấu một suy nghĩ phải làm điều gì giúp bà con nông dân cũng như giúp chính gia đình mình. "Nhà tôi đông anh em nên được chia nhiều ruộng.
Năm nào lúa chín rộ lại gặp trời mưa thì đúng là... đại hạn. Lúa nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Xót ruột lắm nhưng đành chịu mất trắng", ông Chính cho biết.
Ông Chính (trái) bên máy gặt lúa rải hàng cải tiến trong một lần tham dự hội chợ. |
Để giảm bớt sức ép công việc cho gia đình, năm 1995, ông Chính góp nhặt từng đồng bạc lẻ từ nghề sửa xe đạp để mua lại chiếc máy gặt lúa rải hàng của một người bạn. Máy này được nhập nguyên chiếc từ Nhật Bản về với giá gần 15 triệu đồng. Sau khi vận hành một thời gian, ông Chính nhận ra chiếc máy không phù hợp với đồng đất quê mình. Nhưng đã trót bỏ ra cả đống tiền để mua nó, chẳng lẽ lại đắp chiếu bỏ đó. Nghĩ vậy nên ông tìm cách cải tiến lại chiếc máy.
Theo ông Chính, chiếc máy chỉ vận hành được ở những chân ruộng ít nước và vào ban ngày nắng ráo. Những ruộng bị mưa ướt, lúa đổ ngã, máy trở nên "bất lực". Máy cũng không thể hoạt động vào ban đêm vì không có đèn, không có chỗ ngồi cho người điều khiển.
Nhược điểm lớn nhất là khi cắt lúa thường bị kẹt trong máy, tạo vật cản ở phía trước, ảnh hưởng đến năng suất công việc và tốn thêm nhân công lao động. Ngoài ra, do không có bộ phận chắn bùn, lại di chuyển bằng bánh lồng sắt nên khi đi qua sông suối, bùn đất dính bết vào máy, hơi nóng tỏa ra làm giảm tuổi thọ của máy và sức khoẻ của người vận hành.
Năn 1998, ông Chính cải tạo được chiếc máy như ý muốn. Chỉ có khung và sườn máy là giống máy cũ, các bộ phận còn lại, ông đều cải tiến theo ý mình. Bộ phận đầu tiên ông Chính cải tạo là hệ thống rút nhau và dựng lúa.
Ông lắp thêm các bánh nhông và sợi xích rút nhau lúa vào phía dưới các mũi cắt. Có được hệ thống này, máy có thể hoạt động 24/24 giờ.
Ông Chính bên chiếc máy dệt thảm chùi chân. |
Tuy nhiên, ở những chân ruộng ướt, máy vẫn chưa cắt được. Mãi đến năm 2003, ông gắn thêm một tay gạt chen giữa các mắt xích. Cứ 3 mắt xích lại gắn một tay gạt bằng thép hình lá ớt. Nhờ hệ thống này, cây lúa và nhau lúa được gom đưa hẳn ra ngoài, khắc phục được tình trạng kẹt dính, đặc biệt ở những chân ướt, ruộng đổ ngã.
Bộ phận thứ hai, ông Chính quyết tâm cải tiến là lưỡi cắt. Ông nghĩ ra cách đặt lưỡi cắt nằm phía trên thay cho kiểu cắt dưới của máy cũ để hạn chế nghẽn bùn đất, chống mòn. Hoàn chỉnh bộ phận này cũng là lúc ông phát hiện ra phương pháp cải tiến bộ phận bánh lồng.
Bánh lồng của máy cải tiến không còn dấu tích của bánh lồng nguyên bản. Bánh lồng mới có gắn thêm bộ lốp xe môtô để có thể chạy nhanh trên chân ruộng khô và dễ dàng khi di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Mâm bánh làm bằng thép liền mạch có gắn 8 hình khối tam giác lõm ra mặt ngoài để chống ruộng lún, ruộng lầy và chống dính.
Ngoài ba bộ phận quan trọng nhất đã cải tiến, ông Chính còn lắp thêm hệ thống yên ngồi, bánh môtô phía sau máy theo kiểu gấp xếp, thuận tiện cho người điều khiển. Hệ thống phát điện và đèn chiếu sáng, hệ thống truyền động, vị trí lắp đặt động cơ chính... cũng được ông điều chỉnh lại.
"Cùng tiêu hao nhiên liệu như nhau nhưng máy chưa cải tiến mỗi giờ chỉ cắt được 4 sào lúa và cần 2 người vận hành, trong khi máy đã cải tiến mỗi giờ cắt được hơn 6 sào và chỉ cần 1 người điều khiển. Chiếc máy này làm gấp 60 công người gặt lúa. Giá bán hiện tại là 28 triệu đồng", ông Chính cho biết.
Đến những sáng chế độc đáo cho nhà nông
Năm 2006, ông Chính mua được một chiếc máy cắt cành, hái quả nhưng sau một thời gian sử dụng, phát hiện máy vẫn còn một số khuyết điểm như chỉ cắt được cành nhỏ, cần ngắn nên không gấp xếp được lúc di chuyển.
Từ thực tế thấy người dân phải cắt thủ công rất chậm lại tốn nhân lực, ông quyết định làm một chiếc máy để giúp bà con đỡ vất vả. Sau 3 năm không ngừng tìm tòi, niềm vui lại đến với ông lần nữa khi cho ra đời dụng cụ cắt cành, hái quả và bao trái cây.
Ưu điểm của loại máy này là gọn nhẹ, tiện dụng, dễ di chuyển và vận hành bằng tay, toàn thân máy làm bằng ống inox rỗng ruột có trọng lượng 2,5kg, chiều dài 3m, khi không sử dụng có thể xếp gọn theo kiểu cần ăng ten rất thẩm mỹ lại bền.
Lưỡi cắt dạng kéo gắn ở đầu, được làm bằng thép cao cấp, chịu được lực rung, va đập mạnh, chống mòn và chống rỉ sét, có thể dùng từ 3 đến 5 năm mới phải mài lại hoặc thay mới. Khi sử dụng có thể kéo dài theo 3 mức: dài 1,65m, 2,35m và 3m.
Nếu đứng dưới đất, dụng cụ này có thể cắt những cây cao khoảng 4,5m. Lưới kéo hoạt động theo lực cánh tay đòn, được truyền qua hộp dây cáp, chạy dọc bên trong thân máy và nối với cần gạt ở cuối máy. Máy có thể cắt cành với đường kính từ 2,5cm trở xuống.
Ở phần đầu kéo cắt của máy, khi cần hái quả thì gắn lưới vợt vào, cắt cuống, quả rơi gọn trong vợt lưới; khi cần bao trái cây, chỉ cần gắn túi bao vào, sau khi túi đã bao được trái, cho cần gạt sử dụng hệ thống cắt để túi bao được gút lại. Chiếc máy này có giá 700 nghìn đồng, rất hợp với túi tiền của bà con nông dân, nhất là những nhà vườn.
Giấy chứng nhận "Điển hình sáng tạo Việt Nam" do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cấp cho ông Chính. |
Năm 2010, ông Chính lại tiếp tục nghĩ đến mô hình máy tuốt đậu phụng cho bà con nông dân ở xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát). Đây là vùng đất khô cằn cát sỏi, thu nhập chính của người dân là cây đậu phụng. Máy tuốt đậu cũ có nhược điểm là văng đậu lung tung.
"Thời điểm này, một công ty của Nhật Bản có giới thiệu loại máy tuốt đậu phụng rất tốt nhưng giá lại gần 1 tỷ đồng. Bà con mình đào đâu ra tiền mà mua", ông Chính cho biết.
Vậy là ông lại dồn công nghiên cứu, tìm cho ra đáp án trước những mùa thu đậu kế tiếp. Đầu năm 2012, ông cho ra đời sản phẩm máy tuốt đậu không bể hạt nhưng chưa phân loại được đất, lá và năng suất chỉ đạt 240kg/giờ. Đến tháng 6/2012, chiếc máy của ông đã chia được đất, lá để loại ra riêng và đạt năng suất 1 tấn/giờ. Chiếc máy có tên máy tuốt đậu phụng đa năng tiện ích và tiết kiệm.
Chiếc máy khá gọn, trọng lượng khoảng 50kg, có gắn bánh xe, có thể kéo đi trên đồng ruộng, bờ ruộng hẹp. Hạt đậu sau khi tuốt sạch hạt lép, sạch các tạp chất, không tốn công làm sạch lại, thay thế được đáng kể công lao động, giúp tiết kiệm chi phí.
"Nếu người dân lặt đậu phụng bằng tay thì 1 sào mất 2 công lao động với số tiền 120 nghìn đồng/ngày. Nếu sử dụng máy, 1 giờ có thể thu hoạch 2 sào, giảm đáng kể công lao động và chi phí. Đó là chưa kể khi đến mùa thu hoạch thiếu công thuê mướn, rồi vụ Thu Đông thường mưa, thu hoạch không kịp thì đậu phụng bị úng lên mầm là bỏ.
Giá hiện tại của chiếc máy này là 16 triệu đồng. Hiện tôi đang tìm đơn vị hợp tác sản xuất để có thể giảm giá máy xuống còn khoảng 10 đến 12 triệu đồng", ông Chính bộc bạch.
3 năm trước, ông Chính tiếp tục sáng chế máy dệt thảm chùi chân dùng mô tơ điện, rất tiện ích, thay được sức người. Máy có khung sườn bằng thép, chiều dài 2,5m, cao 1,5m. Có 2 guồng ru lô để chứa sợi và chứa thảm thành phẩm. Sợi được luồn qua giàn cửi, cho qua trục ru lô đỡ. Cũng qua ru lô này người dệt có thể điều chỉnh mật độ thưa, dày của thảm.
Máy vận hành nhờ 2 mô tơ điện, công suất mỗi mô tơ chỉ 1kw/h, một cho khung cửi, một cho giàn dệt qua hệ thống nhông xích. Xích được bố trí trong các ống thép rỗng, cũng vừa là khung sườn của máy, không lộ ra bên ngoài, làm tăng thêm tính thẩm mỹ cho máy.
Hộp điều tốc để làm cho máy vận hành theo ý muốn của người điều khiển khi dệt với tốc độ nhanh, chậm khác nhau và cũng là để nạp sợi khi dệt. Có 2 ru lô kẹp sợi, làm cho sợi giữ được độ ổn định, không chùn không thẳng. Nếu sợi căng quá thì đèn sáng báo hiệu, để người dệt điều chỉnh cho phù hợp. Có 2 ru lô kẹp tấm thảm trước khi đoạn tấm thảm thành phẩm được cuộn vào ru lô chứa thành phẩm, để giữ cho tấm thảm phẳng đều.
Máy hoạt động nhờ động cơ điện, khi đạp 2 chân nhịp nhàng trước, sau thì 2 khung cửi cũng nhịp nhàng lên xuống và lúc đó con thoi cũng nhịp nhàng qua lại, tấm thảm được hình thành nhanh chóng. Muốn tạo hoa văn nhờ vào màu của sợi vải, người dệt cũng bố trí qua khung cửi rất dễ dàng.
Máy dùng cho 1 người điều khiển, công suất khoảng 150 tấm thảm/ngày, thay thế cho 4 công nhân dệt thủ công. Máy có thể hoạt động 24/24 giờ, công nhân thay phiên nhau vận hành, mà không sợ hỏng hóc giữa chừng.
Hiện ông Chính đã chuyển giao một máy cho một xưởng dệt tư nhân ở địa phương và phát huy tác dụng tốt. Mới đây, một chủ dệt thảm chùi chân ở TP Hồ Chí Minh đến đổi 2 chiếc máy dệt, mỗi chiếc bằng 1 chiếc xe SH trị giá khoảng 80 triệu đồng nhưng ông chưa đồng ý. Tuy vậy, hiện ông không đủ khả năng về con người, thiết bị để sản xuất máy hàng loạt, không có điều kiện để quảng bá tiếp thị sản phẩm của mình.
Ông Chính tâm sự: "Tôi còn sức, còn làm được mà bảo ở yên là tôi không chịu nổi. Hơn nữa, thấy bà con vui vì nhờ sản phẩm của tôi mà họ bớt khổ, lại giàu lên, khấm khá thì tôi lại được tiếp thêm động lực. Với tôi, nông dân luống tuổi thì việc còn sống, còn sáng chế là còn vui, niềm vui trong những say mê không mệt mỏi".
Đến nay, ông Chính đã sáng chế thành công nhiều máy móc giúp bà con nông dân bớt vất vả, đó là điều khiến ông vui nhất. Vui hơn nữa, năm 2007, ông Chính được Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam công nhận là "Điển hình sáng tạo Việt Nam".
(Theo Cảnh sát toàn cầu)
Dân Hưng Yên tự chế giàn mưa chống nóng thông minh, giá chỉ 150.000 đồng
Mục sở thị giàn mưa tự chế thông minh giúp chống nóng, giảm nhiệt hiệu quả, chi phí chỉ từ 150.000 - 200.000 đồng của một số hộ gia đình ở huyện Văn Lâm, Hưng Yên.
Bỏ 2 tỷ đồng, sáng chế áo bảo hiểm cho người đi xe máy
Áo bảo hiểm dành cho người đi xe máy mang nhãn hiệu Made in Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện do 3 cựu sinh viên Đại học Bách khoa sáng chế.