Sự hình thành thói quen không tiền mặt của người tiêu dùng, trở thành động lực thúc đẩy các công ty fintech (công nghệ tài chính) bước vào cuộc chạy đua mở rộng số lượng điểm thanh toán không tiền mặt, nhằm nhân rộng phương thức này len lỏi vào sâu hơn nữa mọi mặt đời sống.

Theo Ngân hàng nhà nước, đến hết 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị. Giao dịch qua Internet tăng tương ứng là 63,2% và 32,3%, qua điện thoại di động tăng 98,3% và 84,3%, qua QR Code tăng 86% và 127% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, khoảng 68% người Việt Nam trưởng thành đã có tài khoản ngân hàng, 5,5 triệu tài khoản và 8,9 triệu thẻ ngân hàng được mở bằng phương thức điện tử (eKYC).

Thực tế, thị trường hiện nay đang có trên 40 trung gian thanh toán được cấp phép và khoảng trên 120 công ty fintech. Chẳng hạn, chỉ tính trong năm 2021, ví điện tử MoMo đã có thêm 11 triệu khách hàng đăng ký sử dụng mới và hàng ngàn doanh nghiệp tham gia hệ sinh thái, nâng tổng số người dùng ví này lên khoảng 31 triệu. Đại dịch Covid-19 đã trở thành yếu tố xúc tác thúc đẩy nhanh hơn xu hướng thanh toán số với sự bùng nổ giao dịch ngân hàng số, và tạo ra trào lưu quét mã QR thanh toán.

 

Các công ty fintech đang chạy đua mở rộng điểm thanh toán không tiền mặt. Ảnh: Thế Vinh

“Tính năng thanh toán/chuyển trả bằng mã QR đã đơn giản hóa việc thanh toán cho cả người dùng và chủ doanh nghiệp”, ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập MoMo nói, đồng thời cho biết ví điện tử này hướng đến trở thành một ứng dụng quen thuộc, dễ dùng với tất cả người dùng, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu cơ bản như chuyển tiền, nạp thẻ điện thoại, đổ xăng, mua sắm,…

Để làm được điều này, việc xây dựng hệ sinh thái kết hợp mạng lưới chấp nhận thanh toán kết hợp cùng đối tác dịch vụ là yếu tố quyết định.

Tuy nhiên, đến nay, hầu hết các điểm chấp nhận thanh toán QR vẫn ở dưới dạng tĩnh. Khách hàng khi quét thanh toán phải nhập số tiền tương ứng, đối chiếu lại với thu ngân sau khi hoàn tất. Do đó, sẽ mất nhiều thời gian để đối chiếu lại với cửa hàng trong trường hợp khách hàng nhập sai số tiền.

QR “động” đang là hình thức có nhiều ưu điểm khi linh hoạt và có tốc độ thanh toán nhanh hơn. Cụ thể, sau khi có thông tin giao dịch, hệ thống tự động đưa ra mã QR tương ứng với số tiền, khách hàng chỉ việc quét mã và tiến hành giao dịch mà không phải khai báo thêm bất cứ thông tin nào khác.

Đồng thời, thu ngân cũng không cần đối chiếu tài khoản hay yêu cầu khách chụp lại màn hình. Hình thức này giúp hạn chế sai sót, giảm bớt thời gian thao tác và mang tới trải nghiệm tốt hơn với người tiêu dùng và chủ cửa hàng. Thông thường, mã QR động được hiển thị ngay trên màn hình phụ máy bán hàng hoặc xuất ra trên hoá đơn.

“Việc đưa mã QR Code lên màn hình POS là một trong những phương án tối ưu mà công ty đang triển khai. Cụ thể, hình thức này giúp chủ cửa hàng tiết kiệm chi phí và tối ưu hoá quy trình vận hành. Từ đó, mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng”, ông Vũ Thanh Hùng, CEO iPOS.vn chia sẻ.

Tính đến tháng 11/2022, ví MoMo đang có hơn 140.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc, trong khi đó, số lượng điểm chấp nhận VNPAY-QR vào khoảng 200.000 điểm. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 8/2022, đã có hơn 14.000 đơn vị chấp nhận thanh toán Money Mobile, với hơn 50% điểm kinh doanh tại khu vực nông thông. Điều này cho thấy nhu cầu vô cùng lớn, đòi hỏi sự xuất hiện rộng khắp của các điểm thanh toán không tiền mặt.

Việc tăng tốc số lượng điểm thanh toán trong thời gian trước mắt, đang là ưu tiên hàng đầu của các đơn vị tài chính công nghệ. Nhiều doanh nghiệp đã tìm đến giải pháp bắt tay nhau cùng mở rộng số lượng các điểm thanh toán mới. Chẳng hạn, MoMo hợp tác chiến lược với iPOS.vn, đưa hơn 100.000 doanh nghiệp F&B (lĩnh vực ăn uống) kết nối với hệ sinh thái MoMo. Trong khi đó, ZaloPay cũng chính thức phủ sóng tại tất cả mạng lưới Starbucks Việt Nam.

Thế Vinh