Tuần này, Xiaomi sẽ tổ chức ngày hội tuyển dụng đặc biệt dành cho các chuyên gia AI trong các lĩnh vực mô hình thị giác máy tính, học sâu, xe tự hành và xử lý ngôn ngữ tự nhiên…, theo bài viết trên WeChat.

Công ty cho biết ứng viên có thể bỏ qua các bài kiểm tra viết và được bộ phận kinh doanh tương ứng đánh giá trực tiếp để đẩy nhanh quá trình tuyển dụng.

trí tuệ nhân tạo bloomberg
Doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc sẵn sàng trả lương cao để chiêu mộ các tài năng hàng đầu trong lĩnh vực AI. Ảnh: Bloomberg

Xiaomi là cái tên mới nhất trong danh sách dài các công ty Big Tech Trung Quốc đang gấp rút bổ sung nhân lực AI khi tìm cách bắt kịp đối thủ Mỹ trong lĩnh vực mới nổi này. ByteDance, Baidu và Meituan đều tăng cường tuyển dụng các vị trí AI.

Nửa đầu năm nay, nhu cầu nhân sự AI trong nước tăng vọt, đặc biệt là các chuyên gia xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP). Theo báo cáo của Đại học Bắc Kinh và nền tảng tuyển dụng Zhilian Zhaopin, họ được cả doanh nghiệp lớn lẫn startup săn đón.

Báo cáo chỉ ra, từ tháng 1 đến tháng 6, nhu cầu nhân sự NLP đã tăng 111% so với cùng kỳ năm 2023. Lương trung bình của các vị trí này là 24.007 NDT, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình 11.000 NDT của nhân viên công nghệ thông tin ở Trung Quốc.

Nhu cầu đối với nhân sự học sâu tăng 61%, với mức lương trung bình là 26.279 NDT; với các kỹ sư chuyên về thuật toán robot tăng 76%; liên quan đến các hệ thống lái xe thông minh và thuật toán điều hướng tăng khoảng 50%.

Việc các công ty sẵn sàng trả lương cao hơn phản ánh sự cấp bách trong nỗ lực tuyển dụng, cũng như tình trạng khan hiếm nhân tài AI ở Trung Quốc.

Trong số các thành phố top đầu, Bắc Kinh - nơi có nhiều tổ chức giáo dục, cơ sở nghiên cứu công nghệ và startup - chiếm 1/5 số việc làm liên quan đến AI trong cả nước, báo cáo cho biết.

Bắc Kinh, cùng với Thâm Quyến, Thượng Hải, Quảng Châu và Hàng Châu tạo thành năm thành phố phát triển AI hàng đầu cả nước.

Với nền kinh tế sôi động, các khu vực này có nhiều nguồn lực hơn để phát triển các ngành công nghiệp AI, trong khi các vùng nghèo hơn có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, khiến khoảng cách công nghệ thêm trầm trọng.

(Theo SCMP)