Vừa dọn dẹp, vừa “nhổ đinh”, vừa ươm mầm, nuôi dưỡng những cây xanh, cầm lái con tàu quốc gia - đó là những sứ mệnh người dân gửi trao lên "đôi vai" Quốc hội.

>> Xem lại  Kỳ 1: Điều ‘tò mò’ về các tân đại biểu Quốc hội

Giám sát: Vừa “dám”, vừa “sát”

Như trên đã đề cập trong Bài 1, tiếng dân về những vụ việc như Formosa cuối cùng đã được cất lên ở diễn đàn Quốc hội, qua những lời phát biểu của ĐBQH. Chính phủ đã gửi báo cáo về Formosa cho các ĐBQH đọc và nghiên cứu. Nội dung báo cáo đã được báo chí trích dẫn, đăng tải.

Nhưng nếu xét từ vị thế, tính chất, vai trò, trách nhiệm của Quốc hội, ít nhất thì báo cáo đó cũng phải được đưa ra thảo luận, xem xét ở phiên toàn thể như một hình thức giám sát.

Hơn thế, vị thế, tính chất, vai trò, trách nhiệm đó đòi hỏi sự minh bạch qua những hình thức giám sát khác như phiên giải trình, ủy ban điều tra lâm thời, chất vấn, giám sát chuyên đề. Công khai là đưa ra cho bàn dân thiên hạ thấy một mặt, còn minh bạch là cho thấy xuyên suốt, trong suốt, đằng sau mặt đó là gì.

Báo cáo của Chính phủ gửi ĐBQH về vụ cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung là sự công khai, và báo chí đăng tải lại càng lan tỏa sự công khai đó. Nhưng có những nội dung nếu không được tiếp tục trao đi đổi lại, đối thoại trực tiếp, cụ thể, chi tiết thì vẫn chưa rõ.

Ví dụ, nhằm làm rõ, cụ thể hóa 9 dòng trong báo cáo về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước liên quan, đáng để thành lập Ủy ban điều tra lâm thời của Quốc hội, hoặc giám sát chuyên đề của Quốc hội như các ĐBQH đề xuất. Khá nhiều ĐBQH đề xuất thẳng: “Việc Quốc hội cần làm là tìm ra câu trả lời thật rõ ràng, minh bạch về trách nhiệm liên quan đến những sai phạm của Formosa”; “Có cơ chế xử lý trách nhiệm cá nhân, kể cả những người đã không còn đương chức”; “xác định, quy trách nhiệm người đứng đầu”...

{keywords}

Phó chủ tịch tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đề nghị có cơ chế xử lý trách nhiệm cá nhân vụ Formosa. Ảnh: Hoàng Long

Vì làm rõ, minh bạch hóa nội dung này và những nội dung khác sẽ có lợi cho tất cả: Chính phủ, Quốc hội, nhân dân, đất nước.

Hoặc là, vị thế, tính chất, vai trò, trách nhiệm đó đòi hỏi sự giải trình đã làm gì; tại sao lại làm như vậy, tại sao không làm những việc cần làm. Trong thời gian diễn ra kỳ họp, mới chỉ một người có liên quan trả lời về trách nhiệm của mình, đó là ông Võ Kim Cự; mà cũng mới chỉ trả lời báo chí, chưa trả lời trước Quốc hội.

Hơn nữa, những câu trả lời của ông vẫn chưa rõ, mâu thuẫn với thông tin của các cơ quan khác, ví dụ như Thanh tra Chính phủ, còn những vấn đề cần tiếp tục làm rõ hơn tại Quốc hội.

Cuối phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ba bộ trưởng được dành thời gian trả lời một số vấn đề thuộc thẩm quyền của mình. Tuy nhiên, do thời gian quá ngắn, không thể giải trình cặn kẽ, chi tiết, rõ ràng được.

Hơn nữa, có những vấn đề nảy sinh trong quá khứ, ba bộ trưởng đều mới được bầu, khó có thể giải trình thay về những vấn đề đó. Không phải ngẫu nhiên, nhiều ĐBQH nêu vấn đề về trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân tại các phiên họp Quốc hội như đã đề cập.

Nhưng đó mới chỉ là một chiều nêu vấn đề, còn chiều ngược lại, ĐBQH, cử tri chưa nghe được những lời giải trình của những người có trách nhiệm liên quan trước Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, ĐBQH. Đặc biệt, sự minh bạch, giải trình còn đòi hỏi các thông tin của các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm cần phải được đặt bên thông tin của những người dân, các nhà khoa học, các tổ chức xã hội để đối chiếu, đối chứng, kiểm chứng chéo lẫn nhau.

Tương tự , đối với mỗi vấn đề liên quan đến lợi ích của nhân dân, của quốc gia đều cần đến sự minh bạch và giải trình trước Quốc hội. Ngược lại, mỗi ĐBQH, toàn thể Quốc hội cần mạnh dạn và sử dụng thành thạo quyền lực được trao. Tránh tình trạng như ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ, giám sát chỉ thấy chê ít, khen nhiều và chưa tập trung vào những vấn đề mà cử tri bức xúc.

Dân gian lâu nay vẫn lưu truyền câu chơi chữ nửa đùa nửa thật về hai chữ “giám sát” thế này: “Dám thì không sát, mà sát thì không dám; nhiều khi không dám cũng không sát”. Vì vậy, để có thể minh bạch và giải trình trước Quốc hội, đòi hỏi hoạt động giám sát của Quốc hội vừa “dám” vừa “sát”. Điều đó sẽ ngăn chặn những mầm mống nguy hại cho sự phát triển chung đang chực chờ mọc lên.

Chuyện nhân sự

Tại kỳ họp đầu tiên, Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn những chức danh cao nhất của Nhà nước. Về cơ bản, nhân sự được bầu hoặc phê chuẩn ở Quốc hội đã được biết từ đầu tháng hai năm nay, sau khi có kết quả Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chuyện đó được coi là đương nhiên, khi ở Việt Nam, Đảng lãnh đạo toàn diện. Quốc hội thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng bằng các quy trình của Quốc hội.

Từ trước tới nay, trong hầu hết các trường hợp, Quốc hội đều nhất trí cao với các phương án nhân sự do Đảng đưa ra. Nhưng hi hữu vài lần, chuyện nhân sự ở Quốc hội đã có những  khác biệt so với thông lệ, ví dụ như trường hợp đa số ĐBQH không đồng ý với phương án nhân sự Bộ trưởng. Hoặc giới thiệu hai ứng cử viên để Quốc hội bầu Thủ tướng. Cũng có khi như đầu nhiệm kỳ khóa XI năm 2002, Quốc hội đã thảo luận sôi nổi về việc bầu 13 ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).  

Nhiều ĐBQH đề xuất số lượng ứng cử viên vào các chức danh phải nhiều hơn số lượng được bầu, vì Quốc hội lại là một thiết chế dân chủ, tượng trưng cho dân chủ, thì quy trình làm việc của Quốc hội cũng phải dân chủ; nếu không “đó là bỏ phiếu tín nhiệm chứ không phải là bầu nhân sự”.  

Không những thế, một số ĐBQH được đồng nghiệp giới thiệu thêm để bầu vào Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), nhưng đều tự rút lui với lý do là đảng viên chấp hành sự bố trí của Đảng. Cuối cùng chỉ còn một danh sách do UBTVQH đưa ra. Theo ý kiến của nhiều ĐBQH lúc đó, có đủ thời gian, có đủ điều kiện chuẩn bị tốt hơn, vì vậy Đảng nên giới thiệu một danh sách đông đảo hơn cho đại biểu Quốc hội có quyền lựa chọn.

Trong việc bầu nhân sự đầu nhiệm kỳ Quốc hội, đại biểu ở các địa phương còn biết rất ít về ứng cử viên, thậm chí bản lý lịch cũng rất sơ lược. Từ hơn mười năm trước, đã có khá nhiều người đề xuất kiểm chứng năng lực của ứng cử viên vào các chức danh bằng cách trình bày chương trình hành động.

Theo thủ tục làm việc của Quốc hội nhiều nước, ứng cử viên vào các chức danh được phát biểu trong quá trình thảo luận về ứng cử viên, trả lời các câu hỏi của đại biểu. Ngoài ra, Quốc hội ở đó còn nghe những người giới thiệu ứng cử viên phát biểu ủng hộ ứng cử viên đó hoặc phản đối ứng cử viên khác.

{keywords}

Đại biểu QH khóa 14. Ảnh: Hoàng Long

Nếu chỉ thảo luận (về các ứng cử viên) ở Đoàn đại biểu Quốc hội, ra Hội trường chỉ bỏ lá phiếu mà không thể bày tỏ được những lý lẽ của từng đại biểu Quốc hội, của từng đoàn thì “chưa phát huy đầy đủ trí tuệ tập thể mà cũng chưa tận dụng được khả năng để có những trao đổi dân chủ trước khi đi đến biện pháp cuối cùng đó là bỏ phiếu”.

Như vậy, chỉ cần thêm vài thủ tục nho nhỏ đối với công tác nhân sự ở Quốc hội như: đưa ra danh sách có số dư; tạo điều kiện để các đại biểu tự ứng cử; ứng cử viên được phát biểu trên diễn đàn Quốc hội; các đại biểu thảo luận về ứng cử viên. Nếu không, nên chăng rút ngắn thời gian cho công việc này, để có thêm thời gian thảo luận, thông qua các quyết định sát sườn với lợi ích, tài sản cho xã hội, người dân?

Bàn nghị sự vẫn “ngổn ngang” các vấn đề

Vậy là qua 10 ngày họp đầu tiên, có thể thấy một vài “lát cắt” trong hoạt động của Quốc hội khóa mới trên ba chức năng: lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Kỳ họp kết thúc, nhưng các vấn đề của cuộc sống vẫn “ngổn ngang” trên bàn nghị sự.

Vừa dọn dẹp, vừa “nhổ đinh”, vừa ươm mầm, nuôi dưỡng những cây xanh, cầm lái con tàu quốc gia - đó là những sứ mệnh người dân gửi trao lên "đôi vai" Quốc hội trên một chặng đường được dự báo còn nhiều giông bão ở phía chân trời.

Nguyễn Đức Lam