- Dẫu cùng sống chung trên dải đất chữ S con Lạc cháu Hồng, song mỗi miền quê đều có những phong tục tập quán tết riêng.

Vùng cao phía Bắc nam nữ du xuân trong sắc đào thắm đỏ, váy áo sặc sỡ sắc màu cùng câu Lượn, câu Then, câu Sli da diết. Những trò chơi thổi khèn tung Còn, đánh đu náo nức cả một vùng rừng núi.

{keywords}
  Đồng bằng sồng Hồng lại có cái bay bổng của những câu hát Văn, hát cửa Đình, câu hò nhí nhảnh và những trò đánh cờ, đánh đu, các lễ hội rộn ràng ngày Tết.

 Rồi miền Trung có câu Ví, câu Dặm câu bài Chòi, đờn ca Huế…ai tham dự một lần thì nhớ mãi. Xuôi về Nam với chín cửa rồng câu hò mênh mang, những điệu cải lương đắm say xôn xao miền sông nước.

Chính những nét riêng ấy đã mang lại cái không khí Tết, không gian riêng đặc thù mà ai đi xa cũng nhớ về nơi cội nguồn, chôn rau cắt rốn, nhớ từng nét riêng sâu lắng.

Bây giờ thì tàu xe có sẵn, đi lại dễ dàng, trừ những người lính, những người có công tác đặc biệt phải trực tết còn hầu hết đều được về xum họp gia đình đón tết.

Ngày trước khi cuộc chiến đang khốc liệt, những người lính như chúng tôi phải làm nhiệm vụ không được về quê ăn tết thì nôn nao lắm. Đứng gác những ngày đầu Xuân mà lòng xốn xang nhớ quê da diết. Nỗi nhớ ấy có thể gọi tên, có thể lặn vào trong giấc ngủ.

Thật ra với những cái tết thời kháng chiến cả nước còn nghèo, cái ăn cái mặc khó khăn, tết thường đạm bạc nhưng không khí và tinh thần thì thật là vui. Câu: Thịt mỡ, đưa hành, câu đối đỏ, cây Nêu tràng pháo, bánh chưng xanh là những đặc trưng tết của cha ông ta ngàn đời. Bây giờ những thứ ấy là bình thường nhưng ngày xưa, sắm sanh được những thứ như vậy cũng toát mồ hôi.

Quanh năm đầu tắt mặt tối no đói thất thường, nhưng 3 ngày tết thế nào cũng phải có những hương vị ấy. No ba ngày tết, trẻ con mong đến tết có manh áo mới, có miếng ăn ngon. Người lớn thì giành dụm quanh năm để lo cho con cái ba ngày tết được bằng bè bằng bạn.

Tôi còn nhớ ngày xưa đi học còn mặc quần nâu đi chân đất đến trường. Có áo mặc lành đã là may mắn vì hầu hết đều là áo vá. Đến như bộ đội trước đấy cũng còn mặc áo vá cơ mà: “áo anh rách vai, quần tôi có vài mảnh vá, nụ cười buốt giá chân không giầy” thì dân lấy đâu ra áo lành, áo đẹp. Sau này được bố sắm cho chiếc quần ka ki chỉ dám mặc những ngày tết rồi lại cất kỹ để dành năm sau mới mang ra mặc.

Ở quê thường nhà nào cũng có cái ao thả cá thả bèo nuôi lợn. Cứ gần tết là nhà nhà  tát ao, bắt cá. Làng trên xóm dưới tiếng bì bõm thật vui. Những con cá to thì giành ăn tết. Con cua, cái tôm, cái tép, con ốc thì ăn trước tết. Nhớ nhất vẫn là những ngày làm thịt lợn, đây thực sự là ngày vui ngày đặc biệt của mỗi gia đình.

{keywords}
Chợ Tết

  Quanh năm đói kém nhưng ngày tết vẫn giành dụm để cùng mổ lợn. Mấy nhà chung nhau nuôi một con lợn rồi làm thịt chia nhau gọi là “đánh đụng”. Từ này ngày xưa, không biết bây giờ có còn được dùng? lâu rồi tôi cũng không còn biết nữa. Đánh đụng là mấy nhà nuôi chung một con lợn sau đó làm thịt chia nhau. Ngày đó vui lắm, không chỉ trẻ con mà cả người lớn. Nhất định cỗ lòng phải giành để ăn chung. Mấy gia đình tập trung nhau lại tổ chức một bữa ăn cuối năm đầy thân ái.

Thịt được chia theo đóng góp tiền của từng nhà. Số thịt đó đều dùng để gói giò, làm nhân bánh. Có nhà cầu kỳ thì làm thêm các loại nem. Có hai loại giò thường được làm, đó là giò lụa và giò xào. Cầu kỳ nhất vẫn là giò lụa. Những người trẻ trong gia đình được phân công giã. Giò nạc phải được ưu tiên làm sớm, khi thịt còn nóng và giã thật nhanh mới mịn và ngon. Giã được cối giò rời rã cả cánh tay.

Bánh chưng mỗi vùng quê gói mỗi kiểu. Quê tôi gói kiểu bánh tròn. Kiểu gói đó miền Nam gọi là bánh tét, nhưng ở quê vẫn gọi là bánh chưng. Thường thì mỗi nhà chỉ gói mấy cái bánh vuông để thờ cúng tổ tiên. Ngày xưa thịt lợn khan hiếm nên nhân bánh “chạy qua hàng thịt” còn lại toàn bằng nhân đỗ. Khi bóc bánh dùng lạt gói bánh cắt những khoanh tròn mỏng trông thật đẹp mắt, tròn đều như nhau. Ai khéo tay thường xếp những miếng bánh trên đĩa thành những cánh hoa. Ở quê ngày trước bánh thường được chấm với mật mía. Giờ chắc chẳng còn ai ăn bánh chưng với mật nữa rồi.

{keywords}
Thi gói bánh chưng Tết

Vui nhất vẫn là đi chợ tết. Có thể nói mấy ngày giáp tết chợ thật đông vui tấp nập. Chợ là văn hóa đặc trưng của từng vùng quê. Đặc sản từng vùng đều lộ ra hết. Rồi câu đối, pháo, hoa…đủ màu sắc được bày bán khắp nơi. Ngày xưa câu đối tết là nét văn hóa đẹp. Tết dẫu nghèo cũng phải giành tiền để mua một câu đối đỏ, mấy cái tranh hàng Trống. Chợ quê có xin chữ ông Đồ, dạo kháng chiến thì câu đối thường được in và được bán khắp nơi.

Ngày tết được thăm thú bạn bè là niềm vui của tuổi trẻ. Chúng tôi những cô cậu học trò thì thường tụ tập đến thăm nhà các thầy cô giáo. Đi thăm thầy còn là dịp hẹn hò ngày Xuân của bọn trẻ. Rồi đêm đến lại gặp nhau ngồi quanh bếp lửa hồng râm ran những chuyện chẳng đâu vào đâu...

Ký ức của tết là những điều gần gũi thân thương nhưng theo chúng tôi suốt đi suốt tháng năm. Sau này dù đi xa về gần nhưng những ký ức về làng quê không bao giờ xóa mờ trong tâm trí. Chính vì vậy ngày trước dẫu khó khăn đi lại, dẫu tàu xe không có, dù phải cuốc bộ hay đi xe đạp nhưng cũng cố mà về. Được ngồi nấu nồi bánh đêm giao thừa, được đằm trong không khí đầm ấm chiều 30, được nghe tiếng pháo chuyển mùa cùng gia đình anh em bố mẹ mà lòng lâng lâng niềm vui khôn tả.

Một năm bắt đầu bằng mùa Xuân và tâm hồn mỗi người cũng giàu thêm từ những mùa Xuân như vậy

Nguyễn Đăng Tấn