Dù đã bán quyền sử dụng thương hiệu Nokia cho HMD Global, Nokia Oyj, phần còn lại của công ty công nghệ Phần Lan vẫn đang có ảnh hưởng trong mảng smartphone. Mới đây, Oppo và OnePlus phải ngừng bán smartphone tại thị trường Đức do không trả tiền sở hữu bản quyền 5G cho Nokia.
Ngoài ra, Nokia Oyj vẫn là một ông lớn trong lĩnh vực thiết bị viễn thông và hạ tầng mạng. Nhu cầu về 5G đã giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh của Nokia trong quý II/2022. Trong báo cáo tài chính mới nhất, công ty cho biết doanh số đã tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức gần 5,8 tỷ euro (hơn 6 tỷ USD).
Lĩnh vực mũi nhọn
Đặc biệt, doanh thu ròng của Nokia trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng mạng đã tăng 12%, đạt mức 585 triệu euro, theo báo cáo tài chính quý II của công ty. Cần lưu ý là các con số sẽ có khác biệt khi tính thêm cả tiêu chí tiền tệ cố định (constant currency), bởi những biến động trong tỷ giá euro thời gian qua.
Lĩnh vực hạ tầng viễn thông đang giúp Nokia có sự phát triển khá ổn định, nhờ vào nhu cầu 5G tăng cao. Ảnh: Fierce Telecom. |
Việc nhu cầu 5G ngày càng tăng đang giúp Nokia vượt qua các dự báo doanh thu trong quý II. Bên cạnh đó, một số hoạt động kinh doanh cơ sở hạ tầng mạng của công ty, bao gồm mạng cố định, giao thức IP và cáp quang ngầm cũng được xem như nguồn động lực thúc đẩy phát triển cho Nokia.
“Cả 4 hoạt động kinh doanh của Nokia trong lĩnh vực hạ tầng đều có mức tăng trưởng tốt. Trong đó, mạng cố định và cáp quang trên biển là 2 động cơ chính, với mức tăng trưởng đều đạt 2 con số”, ông Pekka Lundmark, Chủ tịch kiêm CEO Nokia Oyj chia sẻ.
Trên thực tế, doanh thu thuần của Nokia trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng mạng đã tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2,1 tỷ euro. Tuy nhiên, con số này chỉ giảm còn 12% trên cơ sở tiền tệ cố định do lạm phát, theo báo cáo của công ty. Doanh thu ròng trong mảng mạng IP tăng khoảng 4% trên đơn vị tiền tệ cố định nhờ mức tăng trưởng 2 con số ở khu vực Bắc Mỹ.
Trong khi đó, doanh thu thuần trong lĩnh vực mạng cáp quang của Nokia cũng tăng 4% trên cơ sở tiền tệ cố định, nhờ hoạt động đặt hàng tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Các thách thức về chuỗi cung ứng tiếp tục gây ảnh hưởng nhưng nhiều khả năng được cải thiện trong nửa cuối năm nay, theo báo cáo của Nokia.
Đặc biệt, hoạt động kinh doanh mạng cố định, trụ cột trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng viễn thông của Nokia, đã tăng 22% trong quý II nhờ sự tập trung đầu tư của các nhà mạng đến từ Bắc Mỹ.
Hãng công nghệ Phần Lan vẫn có vị thế vững chắc trong cuộc đua triển khai 5G toàn cầu. Ảnh: Pixabay. |
Mặc dù vậy, Nokia cũng trải qua giai đoạn khó khăn chung, bao gồm việc rút hoạt động kinh doanh tại Nga, thiếu linh kiện bán dẫn, gián đoạn chuỗi cung ứng hay lạm phát. Ngoài ra, doanh thu thuần của Nokia Technologies, công ty con chuyên nghiên cứu và phát triển sản phẩm tiêu dùng, lại có mức sụt giảm 25% do các vấn đề về giấy phép.
Ngoài ra, các dịch vụ mạng và lưu trữ đám mây không có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.
Cuộc cạnh tranh khốc liệt
Tại Bắc Mỹ, Nokia đã báo cáo mức tăng trưởng 2 con số. Tuy nhiên, việc cạnh tranh với Verizon, ông trùm mạng viễn thông trong khu vực, không phải điều dễ dàng. Vào năm 2020, Nokia đã thua lỗ nặng nề khi Verizon ký hợp mạng trị giá 6,65 tỷ USD với Samsung, có hiệu lực đến năm 2025.
Khi được hỏi về vấn đề này, CEO Pekka cho biết Nokia có tầm nhìn về công nghệ 5G chất lượng và đủ sức cạnh tranh.
Tại thị trường Bắc Mỹ quan trọng, Nokia và ông trùm viễn thông Verizon có cuộc cạnh tranh khá khốc liệt. Ảnh: Getty Images. |
“Tất nhiên, mục tiêu của Nokia là tối đa hóa thị phần của mình. Nếu chúng tôi đánh mất thị phần ở khu vực nào đó, công ty sẽ tìm cách giành lại nó. Tuy nhiên, chúng tôi không muốn suy đoán về điều này”, CEO Pekka nói.
Ở những nơi khác, dư địa để phát triển 5G vẫn còn rất khả quan. Ông Lundmark trích dẫn Ấn Độ là một trong những khu vực quan trọng nhất của Nokia, nơi 5G thậm chí còn chưa phổ biến. Bên cạnh đó, CEO Nokia cũng đề cập đến khu vực Mỹ La tinh.
“Chúng tôi tin rằng công ty vẫn đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ 5G. Mức độ thâm nhập trên thế giới chỉ là 15%, nếu không tính Trung Quốc. Một lần nữa, điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ miễn nhiễm với các rủi ro từ nền kinh tế vĩ mô. Tất nhiên, nó đóng một vai trò, nhưng chúng ta phải thích ứng với những gì đang thấy của ngày hôm nay”, ông Pekka Lundmark nhận định.
Lunkmark cũng cho biết Nokia đã giảm gấp đôi khoản đầu tư vào mạng không dây tư nhân (private network) kể từ đầu năm nay để tránh lãng phí và điều đó cho thấy kết quả tích cực. Mặc dù giảm tỉ lệ đầu tư, Nokia vẫn có thêm 35 khách hàng mới trong lĩnh vực không dây tư nhân trong quý II, nâng tổng số khách hàng của công ty lên 485 đơn vị và công ty.
(Theo Zing)
Nokia khiến 2 hãng điện thoại Trung Quốc bị cấm bán tại Đức
Theo phán quyết của tòa án Đức, 2 thương hiệu smartphone đến từ Trung Quốc sử dụng công nghệ 5G của Nokia nhưng không trả tiền sáng chế.