Theo thông tin mới nhất từ Ban điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế AAG, vào 22h30 ngày 04/01/2014, công tác hàn nối đoạn cáp bị đứt ngoài khơi Việt Nam đã hoàn tất, lưu lượng được khôi phục và đang thực hiện các công đoạn sửa chữa cuối cùng trong 24h tới. Sau khi tuyến cáp quang biển này bị đứt đã làm ảnh hưởng đến tốc độ Internet của Việt Nam kết nối đi quốc tế và buộc các doanh nghiệp viễn thông phải chuyển hướng kết nổi thêm các tuyến cáp kết nối đi quốc tế trên đất liền và các tuyến cáp quang biển khác. Các doanh nghiệp viễn thông dự kiến nhanh nhất đến ngày 9/1/2014 mới có thể khắc phục xong sự cố này. Như vậy, tiến độ hàn nối đoạn cáp bị đứt này đã hoàn tất sớm hơn dự kiến 4 ngày.  

Đến hết ngày hôm nay (5/1), các nhà khai thác viễn thông Việt Nam sẽ khôi phục đầy đủ dung lượng bị thiếu do sự cố tuyến cáp AAG. FPT Telecom cho biết hiện doanh nghiệp này đã tăng thêm 20% lưu lượng so với trước đây nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng.  

 Trước đó, vào 18 giờ 01 phút chiều ngày 20/12/2013, tuyến cáp AAG - phân đoạn Vũng Tàu – Hong Kong bị đứt. Vị trí gián đoạn cách trạm cập bờ Vũng Tàu khoảng 278 km. Sự cố này khiến lưu lượng của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam đang khai thác trên tuyến này đều bị ảnh hưởng, trong đó có FPT Telecom.

 Ngay khi xảy ra sự việc,  FPT Telecom đã sử dụng tuyến cáp đất liền để chuyên tiếp lưu lượng AAG bị ngừng hoạt động nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tới người dùng. Công ty Mạng lưới Viettel thuộc Tập đoàn Viettel cho biết, sự cố này đã gây ảnh hưởng cho khoảng 25 - 30% dung lượng của mạng Viettel và buộc doanh nghiệp này phải triển khai việc chuyển sang sử dụng dung lượng dự phòng. NetNam cho biết, khoảng 30% lưu lượng dịch vụ của họ đang chạy qua tuyến cáp quang biển quốc tế AAG, do đó khi tuyến cáp này bị đứt, hoạt động cung cấp dịch vụ của NetNam cũng có bị ảnh hưởng và chủ yếu là các khách hàng tại khu vực phía Nam.