Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn khẳng định triển lãm là dịp để tri ân các bậc tiền nhân, những hùng binh liệt sĩ, các ngư dân giữ vững ngư trường....

Các tư liệu lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa đã được trưng bày tại Trường Sỹ quan Chính trị (Bắc Ninh) sáng nay, 25/4.

{keywords}

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu khai mạc Triển lãm.

Thời gian qua, Triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý" đã được Bộ TT&TT tổ chức tại nhiều tỉnh, thành phố và các Quân khu, Quân đoàn, các đơn vị Hải quân, Cảnh sát biển trên cả nước, trước khi đến với Trường Sỹ quan Chính trị (Bộ Quốc Phòng).

{keywords}

Đoàn công tác dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ của trường.

Chia sẻ tại mái trường từng đào tạo nhiều thế hệ cán bộ sĩ quan quân đội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, Luật Biển Việt Nam đã quy định rõ ngay từ Điều 1 của Chương I: Quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền quốc gia của Việt Nam! Điều này có bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý từ lâu đời.

"Gần đây, vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông ngày càng có những diễn biến rất phức tạp, khó lường, thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biển và đảo của quốc gia, việc nâng cao nhận thức trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta là cực kỳ quan trọng", Bộ trưởng chia sẻ.

Do đó, mục đích của triển lãm tại trường Sỹ quan Chính trị nhằm truyền thông sâu rộng về chủ quyền biển, đảo, "hướng đến mục tiêu công luận và công pháp", giúp các giảng viên, học viên nhà trường nâng cao ý thức, nhận thức về chủ quyền biển đảo quốc gia. Không chỉ đưa ra cơ sở pháp lý, sự thật lịch sử để giành sự ủng hộ của công luận, nói lên tiếng nói chính nghĩa của Việt Nam với người dân và bạn bè thế giới, những bằng chứng chủ quyền này còn đồng thời góp phần chuẩn bị hồ sơ pháp lý phù hợp với công pháp quốc tế để phục vụ đấu tranh pháp lý lâu dài, sẵn sàng làm việc với Toà quốc tế khi điều kiện và thời cơ chín muồi.

{keywords}

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trao tặng tư liệu bản đồ và hiện vật trưng bày cho nhà trường.

Tại triển lãm, Hồ sơ chủ quyền được trưng bày một cách mạch lạc, có hệ thống về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông để người xem có thể tiếp cận góc độ pháp lý một cách cơ bản nhất, thông qua 10 nhóm tư liệu, hiện vật cơ bản. Trong đó, đáng chú ý là 4 cuốn các Atlas được trưng bày tại triển lãm và 30 bản đồ do nhà Thanh và Chính phủ Trung Hoa xuất bản, cho thấy Cương giới cực Nam của Trung Quốc chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, mà không hề nhắc đến Hoàng Sa và Trường Sa.

{keywords}

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trao tặng bộ tem quý cho đại diện nhà trường.

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, triển lãm cũng là dịp để người xem và bạn bè thế giới hiểu hơn về lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của cha ông ta, hiểu về trách nhiệm và bổn phận của Lãnh đạo và công dân Việt Nam đối với biển, đảo; tăng cường công tác sưu tầm, thẩm định, công bố sử dụng tài liệu, bản đồ, ấn phẩm...

"Triển lãm cũng sẽ nói với các thế hệ tiếp nối về lòng tri ân: Tri ân tiền nhân đã đổ mồ hôi xương máu để lại cơ đồ cho chúng ta có một tổ quốc sơn hà, tổ quốc không gian và tổ quốc đại dương để chúng ta sinh tồn, và gìn giữ cho con cháu muôn đời. Chúng ta tri ân những người dân giữ biển giữ đảo, giữ ngư trường truyền thống. Tri ân những hùng binh, liệt sĩ đã bỏ mình trong các cuộc chiến đấu bảo vệ biển đảo qua các thời đại khác nhau. Tri ân những những người dân hôm nay, bà con trong nước, Việt kiều ở nước ngoài, bạn bè quốc tế đã bỏ công sức, tiền của để sưu tầm tư liệu, hiện vật, rồi hiến tặng tư liệu, hiện vật để cho chúng ta chuẩn bị và tiếp tục cuộc đấu tranh pháp lý đòi lại biển đảo của cha ông chúng ta. Tri ân những bạn bè thế giới đã ủng hộ Việt Nam bằng nhiều hình thức khác nhau trong cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc", Bộ trưởng khẳng định một cách mạnh mẽ.

Trường Sỹ quan Chính trị là một địa điểm rất ý nghĩa để trưng bày triển lãm "Hoàng Sa - Trường Sa". Với truyền thống hơn 40 năm, Trường đã đào tạo gần 300 khóa học và lớp bồi dưỡng với hàng vạn học viên đào tạo chính trị viên; hàng ngàn học viên đào tạo giáo viên; hàng trăm phóng viên báo chí quân đội; đào tạo gần một ngàn cán bộ và giáo viên chính trị cho Quân đội nhân dân cách mạng Lào và Quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia; góp phần đào tạo nên nhiều chính khách, các nhà lãnh đạo, quản lý trong và ngoài quân đội. Bản thân nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son và tân Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đều từng là học viên của trường.

{keywords}
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn tại Triển lãm.

Triển lãm cũng là một trong những hình thức của hoạt động của thông tin cơ sở, đưa thông tin trực tiếp đến với cơ sở, đến với các đơn vị, trong đó có các đơn vị lực lượng vũ trang. Qua đó, giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

"Trong đấu tranh bảo vệ biển đảo, chúng ta kiên trì hòa bình với phương châm 6 chữ K: Kiên quyết - Kiên trì - Khôn khéo - Không mắc mưu - Không khiêu khích - Không để xảy ra xung đột vũ trang. Nhưng sau hết, nếu bất kỳ một nước nào đem chiến tranh đến thì chúng ta phải trở lại với chữ K đầu tiên: Kiên quyết bảo vệ đất nước mình. Chúng ta luôn luôn nâng cao sức mạnh quốc phòng, sẵn sàng giáng trả trong tình huống xấu nhất", Bộ trưởng nêu rõ.

Cùng ngày, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng đã dâng hương tưởng niệm 22 anh hùng liệt sĩ là sĩ quan của Trường Sỹ quan Chính trị và trao tặng  nhà trường bộ tem quý về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa.

Đáp từ, PGS-TS, Trung tướng Phạm Quốc Trung, Hiệu trưởng Trường Sỹ quan Chính trị khẳng định triển lãm là dịp ý nghĩa để nâng cao ý thức, nhận thức, lòng quyết tâm và trách nhiệm cho các thế hệ giảng viên, học viên của nhà trường. Với vai trò cái nôi đào tạo tư tưởng chính trị cho lực lượng vũ trang trong nước và một số nước bạn, ông tin tưởng "chắc chắn thông điệp mà triển lãm gửi gắm sẽ được lan toả rộng rãi", và truyền thống của tiền nhân sẽ được kế thừa trọn vẹn.

10 nhóm tư liệu, hiện vật cơ bản về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông tại Triển lãm:

1. Tư liệu trước triều Nguyễn và triều Nguyễn;

2- Tư liệu giai đoạn chính quyền Pháp đại diện thực thi chủ quyền ở Đông Dương;

3- Giai đoạn quản lý của Việt Nam Cộng Hòa trước 1975;

4- Tư liệu thực thi chủ quyền của nhà nước CHXHCN Việt Nam từ sau khi Việt Nam thống nhất;

5- Tư liệu lịch sử của phương Tây về Trung Quốc và tư liệu của Trung Quốc về Trung Quốc chứng minh Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa;

6- Tư liệu của phương Tây về Việt Nam và tư liệu của Việt Nam về Việt Nam chứng minh Việt Nam có chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa;

7- Tư liệu về lịch sử bảo vệ biển đảo và sự thật về trận hải chiến Hoàng Sa tháng 1 năm 1974 của hải quân Việt Nam Cộng Hòa chống Trung Quốc xâm lược và tư liệu hiện vật về sự thật lịch sử của trận Gạc Ma năm 1988;

8- Hình ảnh về Trường Sa – cuộc sống sôi động hôm nay tại các xã đảo và các đảo, đá trên quần đảo Trường Sa, nói lên sức sống và sức mạnh của dân và quân ta trên các đảo ở Trường Sa;

9- Những công trình nghiên cứu của các học giả Việt Nam và quốc tế qua các thời kỳ; Những hình ảnh Hoàng Sa, Trường Sa trong trái tim Việt Nam và thế giới hôm nay;

10- Những tư liệu có liên quan của từng địa phương góp vào Triển lãm.

 

Một số hình ảnh tại Triển lãm - trưng bày:

{keywords}

{keywords}

{keywords}

{keywords}  

{keywords}

{keywords}

{keywords}

{keywords}

Cầm Thi