Với một vấn đề nhạy cảm như khi chủ quyền thiêng liêng của quốc gia bị xâm phạm, người dân rất trông chờ những thông tin chính thức và sự biểu thị quan điểm trực tiếp từ cấp lãnh đạo cao nhất.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ ngày 4-5 khi lần đầu tiên người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết thông tin về việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào cắm sâu trong lãnh hải Việt Nam đến 80 hải lý cho đến ngày 21-5, không có gì ngoài những thông tin từ những quan chức cấp trung mà báo chí đưa lại.

Ngày 7-5, lần đầu tiên Việt Nam họp báo quốc tế về vụ giàn khoan Hải Dương 981 dưới sự chủ trì của người phát ngôn Bộ Ngoại giao và đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Cục Kiểm ngư, tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Đến ngày 11-5, tại hội nghị cấp cao ASEAN tại Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên lên tiếng với quốc tế về sự kiện giàn khoan Hải Dương 981. Và ngày 21-5, tại Manila Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời phỏng vấn hai hãng tin AP và Reuters về vụ giàn khoan Hải Dương 981.

Nếu những gì mà Thủ tướng nói trong cuộc trả lời phỏng vấn các hãng tin nước ngoài ngày 21-5 (như được lược thuật trên TBKTSG Online qua bài: Những gì Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì Trung Quốc nói và trên nhiều tờ báo khác) được chuyển tải qua một cuộc nói chuyện trực tiếp với người dân (của Thủ tướng hoặc của một trong những nhà lãnh đạo nhà nước cao nhất) nhằm trình bày rõ ràng vụ việc, giải thích lập trường quan điểm của Việt Nam cũng như những việc làm, những bước đi mà Việt Nam có thể tiến hành để bảo vệ chủ quyền, đồng thời kêu gọi người dân nên làm gì để góp tay với Nhà nước trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước thì hẳn người Việt trong nước đã có thể xác định thái độ đúng đắn của mình và có hành động phù hợp.

{keywords}
Ảnh minh họa

Nếu nội dung đó được chuyển tải trực tiếp đến người dân sớm hơn, chẳng hạn sau buổi họp báo đầu tiên của người phát ngôn Bộ Ngoại giao ngày 7-5, thì hẳn đông đảo người dân đã có thể an tâm với những bước đi của Nhà nước trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, biết mình nên làm gì có lợi cho đất nước và có thể sẽ không xảy ra những vụ việc đáng tiếc như ở một số khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh. Hoặc nếu có xảy ra theo kiểu tự phát thì cũng không phải là ở hàng loạt nhà máy, với quy mô thiệt hại lớn như vậy. Trường hợp Bí thư Thành ủy Vũng Tàu Lê Xuân Tươi nói chuyện với đoàn người tuần hành là một ngoại lệ tốt nên ở Vũng Tàu không xảy ra tình trạng như Bình Dương.

Đọc bài trả lời phỏng vấn của Thủ tướng tại Manila cũng như bài phát biểu trước đó của ông vào ngày 11-5 tại hội nghị cấp cao ASEAN 24 tại Myanmar, nhiều người dân một mặt cảm thấy tạm yên lòng, mặt khác tiếc rằng những điều đó đã không được nói với người dân trong nước sớm hơn. Đấu tranh ngoại giao để bảo vệ chủ quyền quốc gia là vô cùng quan trọng, nhưng lòng dân và sự thông hiểu, đồng lòng trên dưới cũng quan trọng không kém. Nếu tiếng nói của người lãnh đạo ở cấp cao nhất trực tiếp đến được với người dân trong thời điểm mà họ cần nhất, khi xúc cảm liên quan đến chủ quyền thiêng liêng dâng cao, thì hẳn đã tạo được sự đồng thuận vì mục tiêu chung, thay vì đi chệch mục tiêu và gây ra những thiệt hại không đáng có.

Trong sự vận hành của hệ thống chính trị và trong văn hóa chính trị Việt Nam, dường như việc một lãnh đạo cao nhất nói chuyện trực tiếp với các công dân trên hệ thống truyền hình hoặc phát thanh, kiểu như Tổng thống Hàn Quốc mới đây lên truyền hình trực tiếp nói chuyện với dân và xin lỗi về thảm họa đắm phà Sewol, là một điều còn khá xa lạ. Phần lớn phát biểu của lãnh đạo mà người dân nghe được chủ yếu là phát biểu trong các hội nghị mà báo chí đưa lại, hoặc phát biểu với báo chí nước ngoài mà người dân chỉ được nghe gián tiếp.

Bao giờ tập quán này được thay đổi? Bao giờ người dân có vị trí lớn hơn trong các chủ trương thông tin? Và mặt khác, lẽ nào chúng ta không biết, không nhớ rằng trong thời đại thông tin và mạng xã hội ngày nay, khoảng trống thông tin chính thức, nhất là về một vấn đề nhạy cảm nào đấy, sẽ nhanh chóng được thế giới mạng lấp đầy?

Đoàn Khắc Xuyên (theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)