Được biết, giai đoạn 2012 - 2022, cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai đã khởi tố 222 vụ việc vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người với 402 bị can và 456 nạn nhân bị mua bán. Trong số đó, có những nạn nhân bị bán đi đã không có cơ hội quay trở về với quê hương, song cũng có những nạn nhân may mắn trốn thoát và được giải cứu.

Tuy nhiên, khi trở về, cuộc sống của họ đã không còn bình yên như trước nữa. Hầu hết nạn nhân chưa chuẩn bị tâm lý cũng như các kỹ năng cần thiết để tái hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, một cơ sở được ví như nơi trú ẩn an toàn, là gia đình mới, là điểm tựa viết lại ước mơ của những cô gái trẻ bị mua bán trở về: Nhà nhân ái.

Nhà nhân ái nằm trong một khu phố yên bình giữa thành phố Lào Cai. Từ lâu, nơi đây được ví như nơi chữa "vết thương lòng" cho những cô gái trẻ bị mua bán trở về. Trong ngôi nhà đặc biệt này, nơi có những con người tuy không cùng chung dòng máu nhưng chung hoàn cảnh đều là những số phận bị mua bán trở về, cùng chung sống trong ngôi Nhà nhân ái, thân thiết không khác gì chị em ruột thịt.

Các nạn nhân được học nghề miễn phí tại Nhà nhân ái.

Nguyễn Thị N, sinh năm 1998, quê Ninh Bình, chỉ vì nghe theo lời bạn trai mới quen trên Facebook rủ rê lên Lào Cai chơi, N đã bị bạn trai bán sang Trung Quốc và bị bọn buôn người ép làm gái mại dâm. N không chịu tiếp khách và chạy trốn, bị chúng bắt lại rồi đánh cô đến mờ mắt.

Hàng ngày, phải chứng kiến cảnh nhiều cô gái Việt Nam bị tra tấn dã man, bị giết vì chạy trốn, N luôn sống trong tâm trạng lo sợ, bị trầm cảm. Ngày nào cô cũng hút thuốc, dùng thuốc lá để dí vào tay tạo thành những vết thương chi chít và xăm hình kỳ quái trên cánh tay. 

Do phải tiếp nhiều khách khi ở bên Trung Quốc nên N bị viêm nhiễm phụ khoa nặng. N đã được cán bộ Nhà nhân ái đưa đi khám chữa bệnh, được hỗ trợ để xóa hình xăm và những vết thương trên cánh tay. Được trị liệu tâm lý nên N đã bớt lo âu, sợ hãi, tâm lý dần dần ổn định hơn. N còn được đi học may và về quê để làm nghề may, lập gia đình, ổn định cuộc sống. 

Hay như trường hợp của K, một nạn nhân khác trú tại huyện biên giới Bát Xát cũng đang ở Nhà nhân ái có hoàn cảnh vô cùng bi đát. Năm 12 tuổi, K đã phải sống xa mẹ. Khi ấy, em chỉ nghĩ mẹ mình đi làm ăn xa chứ không biết mẹ đã bị lừa bán sang Trung Quốc.

Biết K nhớ mẹ, người cậu của em đã đưa em sang bên Trung Quốc với lý do để mẹ con đoàn tụ. Tuy nhiên khi sang đến nơi, em không những không gặp được mẹ mà còn bị bán cho một gia đình người Trung Quốc.

Tại đây, do không hiểu tiếng địa phương, lại bị nhốt trong nhà nhiều ngày, em gần như tuyệt vọng vì không thể cầu cứu được lực lượng chức năng. May thay, trong một lần người trông chủ quan, em đã tìm cách trèo qua cửa sổ trốn ra ngoài.

Khi ra được ngoài đường, em đã phải đi bộ hai ngày hai đêm. Trên đường đi, em gặp được một người dân Trung Quốc. Người này đã đưa K đến giao cho cơ quan chức năng địa phương.

Đến với Nhà nhân ái, thời gian đầu, em không nói được tiếng Kinh, chỉ nói được chút tiếng Trung Quốc pha lẫn tiếng Mông. Sau những buổi trị liệu, tư vấn tâm lý kỹ càng, thận trọng, K bắt đầu mở lòng, chia sẻ quá trình bị lừa bán và chạy trốn của mình thông qua những hình vẽ non nớt.

Với sự động viên, hỗ trợ của các cán bộ, tổ chức chuyên trách và sự chia sẻ, yêu thương đến từ những người đồng cảnh ngộ trong Nhà nhân ái, bằng sự cố gắng và chăm chỉ học tập, sau hai năm, K đã thi đỗ vào một trường nghề. Hiện em đã trở thành hướng dẫn viên du lịch.

Được biết, tại Nhà nhân ái, 275 nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp nhận và cung cấp nơi ở an toàn cùng các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu, chăm sóc sức khỏe, tham vấn, kỹ năng sống, ngoại khóa, học văn hóa, học nghề, việc làm, tiết kiệm có định hướng... Từ đó giúp các em tái hòa nhập cộng đồng bền vững trong gần 13 năm qua. 

Theo ông Nguyễn Tường Long, Trưởng Ban quản lý Dự án Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng, sau khi được giải cứu trở về, ngoài những rào cản đến từ kỹ năng tái hòa nhập cộng đồng, việc học hành dang dở, sự kỳ thị của xã hội, một số em còn chịu áp lực rất lớn ngay từ phía gia đình của mình xuất phát từ hủ tục lạc hậu còn rơi rớt và nhận thức hạn chế của người nhà.

Vì vậy, phía Ban quản lý thường xuyên có đợt khảo sát rất kỹ với rất nhiều thời điểm đối với các gia đình nạn nhân bị mua bán trở về. Gia đình nào cam kết đủ điều kiện cho con cái học tập, sinh hoạt tốt thì mới giao nhận và vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với gia đình cho đến khi nạn nhân thực sự trưởng thành. 

Với những gia đình không đáp ứng đủ các điều kiện cơ bản, sẽ được giữ lại để đảm bảo hỗ trợ nạn nhân một cách phù hợp, tạo cơ hội cho các em thay đổi cuộc sống.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai Nguyễn Văn Sơn, sau gần 13 năm triển khai hoạt động, Nhà nhân ái đã tiếp nhận và hỗ trợ cho các nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập gia đình và cộng đồng an toàn.

100% nạn nhân được chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh mua bảo hiểm y tế, được tư vấn giáo dục kỹ năng sống, được hỗ trợ học hết văn hóa phổ thông. 80% được học nghề, có việc làm ổn định. 70% đã xây dựng hạnh phúc gia đình ổn định cuộc sống. 100% được hồi gia an toàn, không bị tái mua bán, không rơi vào tệ nạn xã hội.

Nhiều em đã tự tin trở thành người truyền thông trực tiếp bằng tiếng dân tộc mình trước các phiên chợ vùng cao và tại các trường học, góp phần tuyên truyền kịp thời ngăn chặn có hiệu quả nạn mua bán người tại các xã vùng cao và các điểm trường học.

Đình Thành và nhóm PV, BTV