Nhiều phụ nữ rất thấm thía câu hát: "Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn", bởi điều buồn nhất của họ là khi khó khăn vợ chồng bên nhau, đến khi bình yên thì dần rời xa nhau, cô đơn ngay khi ở bên chồng, ở trong chính nhà mình.
Chị Lê Thúy H. (Hà Nội) chia sẻ, thời kỳ gian khổ tôi lui về chăm sóc con cái, buôn bán vặt tại nhà, tạo điều kiện cho chồng ra ngoài giao du làm ăn vì biết rõ làm ăn phải có nhiều mối quan hệ.
Nhưng khi gia đình khấm khá, tiền bạc dư dả thì chồng ham la cà với bạn bè, nhiều lần đi đêm cả tuần không về. Tôi đã nhỏ to khuyên nhủ nhiều lần, nhưng đều bị anh gạt đi vì "em không hiểu chuyện đàn ông chí lớn".
Dần dà con lớn lên, học lớp mấy, trường nào, anh ấy không biết. Con trai vào tuổi dậy thì nổi loạn ở trường tôi nhắc anh dành thời gian dạy bảo con, nhưng anh bỏ qua.
Ảnh: Hà Nguyễn. |
Con gái 5 tuổi bị dị ứng với quả vải từ nhỏ thì lúc tôi đi lấy hàng vắng nhà, anh đi công tác về mang túm vải ra cho con bé ăn... làm nó dị ứng, nổi mẩn phải vào viện chữa trị.
Rất nhiều lần con ốm đau phải đi cấp cứu, gọi điện cháy máy mà không được, chị phải chở cả đứa lành vào viện và 3 mẹ con ở suốt đêm chồng không hề biết.
Triền miên hoài như thế nên tôi dần mệt mỏi, nhiều lần đã góp ý thì anh bảo tôi đòi hỏi quá nhiều, anh không ngoại tình, không phản bội, làm gì cũng để mang tiền về nhà, để gia đình không khổ sở… còn đòi hỏi gì nữa?
Tôi ngậm đắng nuốt cay, cô đơn ngay cả khi nằm bên cạnh chồng, ngay từng bữa ăn, giấc ngủ trong chính ngôi nhà của mình. Tôi cùng chồng cố gắng vun đắp gia đình bao năm qua không phải để có ngày cả hai khổ sở thế này?
Trong hôn nhân, kiểu chồng khiến phụ nữ khổ đau nhất chính là đàn ông vô tâm. Dù anh ta không ngoại tình, không phản bội vợ nhưng sự vô tâm của anh ta từng ngày dày vò, rút cạn hết nguồn sống hạnh phúc của vợ bằng cảm giác cô đơn, có chồng mà không được sẻ chia, thấu hiểu, có chồng cũng như không…
Thực sự phụ nữ bị cô đơn, khổ sở, đau đớn trong hôn nhân rất thống khổ, nếu lại đang vừa làm mẹ, vừa làm dâu còn khổ hơn, cô đơn hơn gấp nhiều lần.
Lấy chồng phụ nữ chỉ mong muốn có chồng ở bên quan tâm, thấu hiểu để cô ấy được dựa vào một bờ vai… Nhưng rất nhiều ông chồng đã không làm được bờ vai để vợ và gia đình nhỏ dựa vào.
Vì sao hai người kết hôn? Có thể nói thế này: Khi trưởng thành, sự cô đơn lẻ bóng, trống trải, thiếu thốn, buồn chán… giục ta dấn bước đi tìm "một nửa" của đời mình. Một ngày ta bắt gặp một ánh mắt cũng đang khát khao tìm kiếm "một nửa" để lấp đầy tâm hồn và cuộc sống cô đơn, buồn chán của họ…
Thế là ta và người ấy bước vào đời nhau, cảm thấy như tìm được ánh sáng ấm áp, tinh khôi, mới mẻ, niềm vui... nói chung là phần bù khuyết cho những thiếu thốn và khát khao cuộc đời.
Nhưng theo ngày tháng cái gì cũng trở thành cũ kỹ. Hơn nữa khi đến với nhau cả hai đều mang theo mong đợi "nửa kia" sẽ lấp đầy những thiếu thốn, loại bỏ những buồn chán nơi chính mình.
Ai cũng mang tâm thế của kẻ đi "ăn xin" tình yêu nơi "nửa kia", rốt cuộc cả hai đã mang đến cho nhau cả những điều không tốt đẹp như khổ đau, kỳ vọng, hẫng hụt... chồng chất lên đời nhau.
Một thời gian ngắn nữa trôi qua, sự quen thuộc nhau làm sống lại cảm giác nhàm chán - mức độ nhàm chán được nhân đôi bởi cả hai gộp lại khiến ta chán chính mình, chán cả "nửa kia".
Ta lại đi tìm người khác, lại chán người khác, rồi lại muốn một mình, rồi lại chán mình, rồi lại muốn đi tìm người khác, rồi lại chán người khác… Một vòng lặp luẩn quẩn cứ thế diễn ra.
Đó là do ta chưa bao giờ khám phá trọn vẹn chính mình, chẳng thấy được những mới mẻ và sức sống trong mình nên phát ngán với bản thân. Khi ta gần gũi một người khác, bước vào cuộc đời của họ thì người đó trở thành một phần của ta. Rồi ta lại tiếp tục để mình trở nên cũ kỹ, tiếp tục chán mình và chán luôn "nửa kia".
Trong đời sống hôn nhân ai cũng tập trung vào các vấn đề của bản thân, mà quên đi giao ước chung mà hai người (hai tâm hồn) đã giao kết thì tự chúng ta sẽ trói buộc, tước đi tự do của nhau, biến đời sống hôn nhân thành ngục tù rồi thi nhau diễn vai "cai ngục" và "tù nhân".
Thực tế ai bước vào hôn nhân cũng hy vọng rồi huyễn hoặc rằng "nửa kia" sẽ mang lại cho ta niềm vui, giúp ta tìm thấy sự đủ đầy và bình an.
Nhưng "nửa kia" chẳng thể mang lại điều ta kỳ vọng, mà chỉ giúp ta nhìn thấy rõ được chính mình, giúp ta nhận ra sự thật là chỉ có bản thân mình mới là "thực phẩm" thiết yếu cho cuộc đời mình, chứ không phải nơi bất kỳ ai.
Sự bế tắc trong hôn nhân là địa ngục, nhưng việc sống thiếu "nửa kia" cũng là địa ngục - câu nói này khá đúng vì ta không tự mình sống trọn vẹn được với chính mình. Lúc này ta chỉ có thể quay vào bên trong lấp đầy những thiếu thốn ấy của mình.
Thông qua hôn nhân ta nhìn rõ chính ta và "nửa kia" để rồi hợp nhất sống với nhau. Chỉ khi ta hợp nhất với chính mình rồi thì mới hợp nhất được với "nửa kia", mở ra sự hợp nhất với vợ mình, và sâu xa hơn nữa đó là hợp nhất với mọi người và với toàn thể vũ trụ này.
Hợp nhất chính là cách để chúng ta bước ra khỏi vòng luẩn quẩn của sự cô đơn và bước vào sự đủ đầy, viên mãn. Hãy hình dung cuộc hôn nhân của ta như một vườn hoa, ta và "nửa kia" có cùng nhau hợp nhất đồng tâm chăm bẵm, tưới tắm, xới đất, bắt sâu... thì cây cối trong vườn hoa mới đâm chồi, nảy nụ, đơm bông và tỏa hương.
Nhưng hãy nhớ, chúng ta chỉ cùng nhau chăm sóc tưới hoa thôi, đừng bận lòng đến cỏ dại.
Theo Gia đình và Xã hội
Tôi ngoại tình vì chồng vô tâm
Hôn nhân tẻ nhạt cùng người chồng vô tâm khiến tôi chán chường và mệt mỏi, con tim tôi đã rung rinh với một người đàn ông tôi quen trên mạng.