Từ tâm thức đến cách thức bài trí nhà cửa, người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng luôn đặt nơi thờ cúng tại vị trí trang trọng nhất. Với những không gian khiêm tốn, chật hẹp cũng như phong cách nhà ở hiện đại ngày nay, bạn vẫn có thể thiết kế một góc thờ cúng phù hợp.

Bố trí nơi thờ cúng


Là nơi thể hiện lòng thành kính của con cháu đối với tổ tiên, theo truyền thống bàn thờ thường được đặt ở vị trí trang trọng nhất là ở chính giữa gian giữa của ngôi nhà. Tuy nhiên, với những căn nhà có kiến trúc hiện đại ngày nay thì cách bố trí bàn thờ có nhiều thay đổi để phù hợp hơn với cấu trúc và diện tích của ngôi nhà mà vẫn giữ được sự tôn nghiêm cần phải có.

Nhà phố hiện nay phổ biến cách đặt phòng thờ trên tầng thượng, vừa thoáng khí vừa có khoảng rộng sân thượng để tập trung nhiều người vào các dịp giỗ, Tết.


Đối với căn hộ chung cư, do bị hạn chế về diện tích sử dụng nên khi phân chia các không gian, kiến trúc sư thường sắp xếp nơi thờ cúng nằm trong các không gian sinh hoạt chung. Phòng thờ có thể kết hợp với phòng làm việc, phòng tiếp khách hay là nơi sinh hoạt gia đình trang trọng. Bàn thờ thường tránh bố trí chỗ ngủ hoặc nơi giải trí ồn ào vì thiếu trang nghiêm, không gian thờ vốn thuộc tính âm nên không phù hợp.

Ngoài ra, trong căn hộ chung cư có thể bố trí bàn thờ trong khoảng đi lại ở giữa nhà, không thuộc hẳn một phòng nào, đảm bảo sự thông thoáng khi thắp nhang.

Đối với bàn thờ Thần Tài và Ông Địa nên đặt ngay tại lối vào chính và ở dưới đất vì việc thắp nhang, nhất là nhang thơm, có tác dụng xua đuổi không khí ẩm ướt, côn trùng vào những buổi sáng sớm hoặc chiều tối (là khoảng thời gian chuyển tiếp Âm Dương, ánh sáng nhá nhem, vi khuẩn nhiều và độ ẩm tăng) đồng thời theo tín ngưỡng dân gian thì như vậy sẽ “nghinh tiếp Thần Tài” được trực tiếp hơn.


Bàn thờ Thiên thì hầu như là lộ thiên hoàn toàn, có thể từ đơn giản là một bệ đá, đến cầu kỳ hơn là một trang thờ có mái. Sân thượng hoặc ban công trước là nơi phù hợp đặt bàn Thiên, cũng là một điểm thắp nhang để xua đuổi âm khí, tạo thêm một nét ấm áp cho sinh hoạt trong ngôi nhà Việt.

Không gian để tưởng nhớ

Bàn thờ nên có độ cao tỷ lệ với người trong gia đình, tránh làm quá cao (phải leo trèo thiếu an toàn) hoặc quá thấp (dễ bị va chạm và thiếu tôn nghiêm). Trường hợp có nhiều tầng thờ thì xếp đặt theo thứ tự từ cao xuống thấp theo ngôi thứ.

Tủ thờ thường có phần dưới và bên hông là tủ chứa đồ (gia phả, lịch giỗ kỵ, vàng mã hương đèn…). Nếu bệ thờ làm theo kiểu tấm đan bê tông thì cũng nên kê một tủ nhỏ hay bàn vào khoảng trống bên dưới để thuận tiện sắp xếp vật dụng vào dịp có giỗ, Tết.


Vật liệu và màu sắc của tủ, bàn thờ cúng cũng phải phù hợp, nên sử dụng các màu trầm, tổt nhất là màu gỗ nâu sậm. Các chi tiết kiến trúc - nội thất (lát sàn, trần, chiếu sáng…), các vật dụng, đồ thờ (bát nhang, đèn nến, lọ hoa…) nên bày theo lối cân đối.

Ở các căn hộ chung cư, trong trường hợp tủ thờ để ở phòng chức năng nào đó hay không gian chung, thì có thể dùng hình thức tủ thờ kết hợp với tủ trang trí, tủ ngăn phòng, tủ bày đồ lưu niệm…


Ánh sáng góp phần quan trọng vào sự tĩnh tại của phòng thờ. Nên sử dụng nguồn sáng tự nhiên, không dùng đèn có ánh sáng trắng. Đèn màu vàng ấm áp sát tường sẽ gây hiệu ứng tốt, nhưng hay nhất vẫn là đèn cầy. Hình thức, kiểu dáng đèn cũng cần phù hợp với không gian.

T.M (tổng hợp)