- Chủ nhiệm UB Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, nói đến tham nhũng thì cần phải nói rõ địa chỉ chứ không nên chung chung. Nếu phát hiện được sẽ xử lý ngay.

>> ‘Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi’: VN vẫn ở đáy

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2015 sáng nay, 21/4, TS Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam lo ngại nhất là gánh nặng chi phí lót tay của DN.

{keywords}

Chủ nhiệm UB Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu. Ảnh: Phạm Huyền

Ông cho hay, tình trạng này trong nền kinh tế Việt Nam rất phổ biến. 73% DN làm ăn là phải lót tay. 43% dân chúng tiếp cận cơ quan phục vụ mình phải lót tay, 33% cán bộ công nhân viên khi làm nhiệm vụ của mình, cần tiến chức, thăng vị trí cũng phải lót tay. Điều này là chi phí của doanh nghiệp tăng vô lối, vừa làm giảm lòng tin rất lớn, của người dân, doanh nghiệp.

"Giờ đi vào cơ quan công quyền để phục vụ mình là người dân, DN bao giờ cũng nghĩ đến việc là đưa tiền đầu tiên. Đó là việc làm phi kinh tế, cản trở hoạt động của DN", ông Kiêm nói.

Đồng cảm với nỗi lo của người đại diện cho 97% doanh nghiệp Việt Nam này, nguyên chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Vũ Mão nói: "Phải tiếp tục coi chống tham nhũng là một nhiệm vụ trọng tâm năm 2015. Chúng ta phải rà soát lại những vấn đề về luật lệ, về văn bản pháp luật, về việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện và cần phải đẩy mạnh tinh thần kiên trì, quyết tâm hơn nữa chống tham nhũng".

TS Lê Đăng Doanh cũng bày tỏ, tình hình tham nhũng, chi phí đầu vào của DN rất cao.

"Một công trình của Ngân hàng Thế giới tài trợ đã kết luận, muốn kiếm 1 đồng lợi nhuận, DN Việt Nam phải chi bình quân 0,72 đồng- 1,02 đồng tiền đút lót. Nghĩa là trung bình cứ kiếm 1 đồng lợi nhuận là phải có 1 đồng đút lót", ông Doanh nêu.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương bức xúc: "Tất cả những điều này sẽ ảnh hưởng năng lực cạnh tranh của chúng ta. Đáng nói hơn là DN làm việc này rất thản nhiên. Vì nếu tôi không làm, tôi chết".

Ông Doanh nói: "Với tham nhũng như vậy, ta không thúc đẩy được tiến bộ về khoa học công nghệ, DN chân chính không hối lộ thì chết, còn DN chi hối lộ thì phất lên, chiếm ưu thế. Họ phất lên vì hối lộ thay vì có năng lực công nghệ".

"Tôi đồng tình với anh Vũ Mão. Nghị quyết 19 của Chính phủ phải đưa nội dung chống tham nhũng, giảm các chi phí bất hợp lý vào, giảm gánh nặng cho DN", TS Doanh kiến nghị.

Trước đó, trong báo cáo đề dẫn tổng quan nền kinh tế Việt Nam 2014-2015, Viện trưởng Viện Kinh tế Trần Đình Thiên cũng hoài nghi: "Chỉ trong 4 năm 2010-2014, số giờ nộp thuế ở Việt Nam chỉ giảm 70 giờ. Nhưng sau đó, chỉ trong vài tháng cuối năm 2014, ngành thuế giảm tới gần 400 giờ. Điều kỳ diệu này là vì sao?".

Ông Thiên bình luận: "Nghịch lý là càng làm ít, càng có thu nhập cao. Trong chuyện này, các cơ quan cũng phải làm rõ đằng sau sự cải cách 'thần bí' của cơ quan công quyền đó là gì".  

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội, một trong các thành viên chủ trì Diễn đàn chia sẻ: "Trong nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đều có nói đến chống tham nhũng. Nếu nói đến tham nhũng thì cần có địa chỉ. Chứ chúng ta không nên nói chung chung".

Ông Giàu bày tỏ niềm tin, nếu phát hiện tham nhũng thì cơ quan quản lý, chức năng sẽ xử lý nghiêm.

Trước đó, công bố kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam cho biết, khảo sát từ 1.500 DN FDI cho thấy, tình hình phải trả phí bôi trơn vẫn gia tăng trong 3 năm qua, với hơn 66% DN xác nhận phải trả khoản phí này. DN thường xuyên phải trả chi phí hoa hồng và 82% cho biết họ sẽ gặp bất lợi nếu không rút hầu bao trả khoản này.

Phạm Huyền