- Cùng lúc, bé trai 14 tuổi tại Hải Phòng bị dị dạng nang tuyến phổi kèm lõm ức nặng, được chỉ định cắt một phần phổi và nâng xương ức.
BS Tô Mạnh Tuân, Phó trưởng khoa Ngoại, BV Nhi TƯ cho biết, khoa vừa điều trị thành công cho bệnh nhi Bùi Văn Q. (14 tuổi, Hải Phòng) bị dị dạng nang tuyến phổi kèm theo lõm ngực bẩm sinh hết sức hiếm gặp.
Trước đó cháu Q. được đưa vào BV địa phương trong tình trạng tức ngực, khó thở. BS chẩn đoán lõm ức, đề nghị chuyển lên BV Nhi TƯ.
Tại đây, các BS phát hiện thêm dị dạng nang tuyến tại phổi phải kèm theo tình trạng lõm ức rất nặng, sâu gần 4cm.
Ca phẫu thuật cắt dị dạng nang phổi bằng robot |
Thông thường, tỉ lệ lõm ức ở mức 1/1.000 trẻ do sự phát triển bất thường của xương ức, xương sườn, gây biến dạng lõm xương ức ra sau, gây hẹp lồng ngực, cản trở chức năng hô hấp.
Tỉ lệ dị dạng nang tuyến bẩm sinh thấp hơn 12 lần, khoảng 1/12.000 trẻ. Đây là tổn thương do sự phát triển bất thường tổ chức phế quản phổi, chèn ép phổi lành. Khi kết hợp 2 tổn thương cùng lúc sẽ cản trở trầm trọng chức năng hô hấp của trẻ.
BS Tuân đánh giá, tình trạng của bệnh nhi rất phức tạp. Sau hội chẩn, các BS quyết định can thiệp dị dạng nang tuyến phổi trước, sau đó sẽ điều trị lõm xương ức.
Ca phẫu thuật cắt dị dạng nang phổi kéo dài 3 giờ do nang phổi dị dạng đã chiếm toàn bộ thuỳ phổi dưới phải, chèn ép các thuỳ còn lại. Bệnh nhân may mắn được mổ nội soi qua hệ thống robot hiện đại nhất thế giới hiện nay. Ngay sau mổ, bệnh nhân được rút ống nội khí quản và hồi phục tốt.
20 ngày sau ca mổ đầu tiên, bệnh nhi tiếp tục được phẫu thuật nội soi nâng xương ức và ra viện sau 5 ngày.
Bệnh nhi hồi phục sau 2 ca phẫu thuật |
Kết quả khám lại sau mổ 1 tháng cho thấy thương tổn phổi lành còn lại nở bình thường, hết lõm ức, được chỉ định theo dõi định kỳ để tránh di lệch thanh nâng ngực.
Theo BS Tuân, dị dạng nang tuyến bẩm sinh có thể chẩn đoán được từ trước sinh qua siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI) và chẩn đoán sau sinh dựa vào hình ảnh, đặc biệt là qua chụp cắt lớp vi tính.
Với lõm ngực, có trẻ mới sinh ra đã phát hiện nhưng cũng có khi đến 3-4 tuổi, thậm chí 13 tuổi mới nhận ra.
Trẻ 3-4 tuổi thường sẽ không can thiệp phẫu thuật nếu nhận thấy không quá nặng, thay vào đó thể dục để tăng hô hấp.
Các trường hợp nặng sẽ phẫu thuật đặt thanh nâng ngực để nắn xương phát triển theo hướng mới khi 7-12 tuổi. Sau 2-3 năm, có thể phẫu thuật lấy thanh nâng ngực.
Thực tế, có không ít trường hợp trẻ bị lõm ngực nhưng phụ huynh không biết. Có trường hợp đến viện khi đã bị lệch tim, tổn thương phổi, thoát vị hoành.
Nguy hiểm khôn lường bệnh lõm ngực bẩm sinh ở trẻ nhỏ
Khi trẻ bị lõm ngực, tim sẽ bị đẩy ra khỏi vị trí bình thường, làm thiếu hụt khối lượng máu tuần hoàn và ảnh hưởng tới nhịp tim.
T.Hạnh