Rảo bước tiến về chiếc ôtô đang chờ đưa ông đến cơ quan, vị Phó Dân ủy (Thứ trưởng) Quốc phòng Liên Xô bất chợt trượt chân ngã. Viên sỹ quan tùy tùng vội chạy đến đỡ thủ trưởng dậy. Đầu giờ chiều, ông được lệnh bàn giao công việc và từ đó, không trở về nhà nữa.
Mikhail Nikolayevich (1893-1937) là một trong những tư lệnh và chiến lược gia lỗi lạc của nền nghệ thuật quân sự Xô-viết, người đặt nền móng cho các thắng lợi vĩ đại của quân đội Liên Xô, một trong 5 vị nguyên soái đầu tiên của Hồng quân Liên Xô.
Được đào tạo bài bản tại Trường quân sự Aleksandrovskoe nổi tiếng và từng phục vụ tại Trung đoàn Cận vệ Semyenovsky danh giá của quân đội Sa hoàng, Tukhachevsky sớm thể hiện tài năng quân sự cả trong Thế chiến thứ nhất và Nội chiến sau Cách mạng Tháng Mười.
Nguyên soái Mikhail Tukhachevsky. Ảnh: Wikipedia |
Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trấn áp cuộc nổi loạn của một nhóm lính thủy tại cảng Kronstadt gần Leningrad và bảo vệ Moscow năm 1918, ông được Dân ủy (Bộ trưởng) Quốc phòng Trotsky cử làm tư lệnh Tập đoàn quân số 5 Hồng quân chiến đấu đánh đuổi tướng Bạch vệ Kolchak, giải phóng vùng Siberia năm 1919, tiếp sau đó tham gia đánh bại đội quân của tướng Denikin ở Crưm năm 1920.
Năm 1921, Tukhachevsky được bổ nhiệm làm Giám đốc Học viện quân sự Hồng quân. Từ năm 1925 đến năm 1928, ông là Tổng Tham mưu trưởng Hồng quân, Phó Dân ủy Quốc phòng. Trên cương vị này, ông đã có những đóng góp to lớn trong việc cải tổ Hồng quân từ một lực lượng vũ trang không chính quy trở thành một đội quân chuyên nghiệp và kỷ luật.
Đặc biệt, Tukhachevsky rất chú trọng việc hiện đại hóa Hồng quân, thay thế lực lượng kỵ binh truyền thống bằng lực lượng tăng-thiết giáp. Tukhachevsky cũng đưa ra nhiều ý tưởng tiên tiến về nghệ thuật quân sự, đặc biệt là về sự phối hợp máy bay và xe tăng trong các chiến dịch. Ông là cha đẻ của học thuyết “Tác chiến thọc sâu”, sử dụng các lực lượng phối hợp tấn công sâu vào phòng tuyến của đối phương để tiêu diệt hậu phương và hậu cần của chúng.
Học thuyết của Tukhachevsky ban đầu bị một số tướng lĩnh phản đối, nhưng sau được áp dụng thành công mang lại chiến thắng của Hồng quân do tướng Zhukov chỉ huy trước quân đội Nhật trong trận Khalkhin Gol năm 1939.
Trong Chiến tranh Vệ quốc, học thuyết của Tukhachevsky đã phát huy hiệu quả to lớn dẫn đến nhiều chiến thắng quan trọng của Hồng quân, trong đó phải kể đến thắng lợi của trận Stalingrad và chiến dịch Bagration.
Đang ở đỉnh cao vinh quang, ngày 22/5/1937, vị nguyên soái Liên Xô trẻ nhất khi được thụ phong bất ngờ bị bắt và bị buộc tội làm gián điệp cho Đức Quốc xã và tham gia “bè lũ phản cách mạng Trotsky trong quân đội”. Sau một phiên tòa được xử kín, Tukhachevsky cùng 8 chỉ huy cao cấp khác bị tuyên có tội và bị xử tử hình ngày 12/6/1937.
Theo nhiều nhà nghiên cứu thì cơ quan tình báo Đức đã làm giả các tài liệu về sự liên quan của Tukhachevsky với Bộ Tổng tham mưu Đức Quốc xã, nhằm làm lãnh đạo nghi ngờ Tukhachevsky, loại bỏ ông, qua đó làm suy yếu khả năng phòng thủ của Liên Xô. Cũng có một số học giả cho rằng, do Tukhachevsky quá nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng lớn nên những kẻ ghen ghét đã dèm pha đố kị và tìm cách hãm hại ông.
Tuy còn rất nhiều vấn đề cần làm rõ hơn để có kết luận xác đáng về cái chết oan uổng của nhà chỉ huy quân sự tài ba một thời này của quân đội Xô-viết, nhưng có một điều thuộc về lịch sử và sẽ không bao giờ có thể thay đổi được là việc xử bắn Tukhachevsky và một số sĩ quan Hồng quân khác đã chính thức mở màn cho một cuộc thanh trừng đẫm máu nhất trong lịch sử quân đội Liên Xô, gây ra những tổn thất vô cùng khủng khiếp.
Đã có 5 nghìn tướng lĩnh, sĩ quan bị xử bắn vì bị buộc tội liên quan đến Tukhachevsky; khoảng 30 nghìn sĩ quan trong Bộ Tổng tham mưu bị tử hình qua các vụ thanh trừng, chiếm khoảng 80% tổng số sĩ quan của Hồng quân lúc đó.
Các cuộc thanh trừng này đã sát hại 3 trong số 5 nguyên soái đầu tiên, 13 trong số 15 tư lệnh phương diện quân, 57 trong số 85 tư lệnh tập đoàn quân, 110 trong số 195 sư đoàn trưởng, 220 trong số 406 lữ đoàn trưởng và tư lệnh tất cả các quân khu.
Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu đưa đến thất bại của Hồng quân Liên Xô trong những ngày đầu Chiến tranh Thế giới thứ 2, khi quân Đức tấn công Liên Xô.
Hai mươi năm sau, ngày 31/1/1957, Mikhail Tukhachevsky được minh oan, được phục hồi danh dự và các chức vụ cũ. Tuy nhiên, việc đó không bù đắp được cho những mất mát, đau thương mà gia đình ông và đất nước phải gánh chịu.
Nguyên Phong