Câu chuyện trên cho thấy dù thị trường game Việt đã có những bước tiến rất dài chỉ trong vòng chưa đầy 20 năm phát triển nhưng cái nhìn kì thị, một chiều và đầy định kiến về game vẫn chưa thay đổi là bao nhiêu.
Vì đâu nên nỗi?
Đến nay dư luận xã hội Việt Nam chủ yếu vẫn có cái nhìn tiêu cực về game, xem Game như một "tệ nạn" xã hội "vô bổ", "ảnh hưởng học tập, lao động và nhân cách con người", "hại sức khỏe", "bạo lực", "sex".
Khi xã hội bức xúc về game thì cũng phải là không có cơ sở, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Quý Doãn khẳng định. Khá nhiều game đang lưu hành trên thị trường có những yếu tố kích động bạo lực, đồi trụy khiến dư luận dậy sóng.
Phục vụ thị hiếu và chạy theo lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng qua mặt cơ quan quản lý làm game lậu, phát hành chui các game xấu, game bẩn. Những thói quen xấu của một bộ phận game thủ như văng tục chửi bậy, hack cheat, nghiện game không kiểm soát… cũng góp phần làm xấu đi hình ảnh game thủ Việt nói chung.
Các nhà phát hành như VTC Online, VNG và FPT Telecom còn than thở rằng vì xã hội chỉ nhìn vào mặt trái nên truyền thông cũng nghiêng theo cách nhìn này để giật title, câu view và vẽ nên bức tranh về game đầy tăm tối.
Trong khi đó, game cũng như rất nhiều loại hình văn hóa phẩm khác, có tính 2 mặt. Mặt tích cực của game là giải trí, rèn luyện phản xạ, trí tuệ truyền bá văn hóa lịch sử. Ngoài ra, còn có dòng game chuyên về giáo dục, giúp rèn luyện các kĩ năng học hành. Ngành công nghiệp game còn đóng góp doanh thu cả ngàn tỷ đồng cho nền kinh tế và tiềm năng phát triển vẫn còn rất lớn.
Đã đến lúc xã hội cần có cái nhìn công bằng, đầy đủ, toàn diện hơn về trò chơi trực tuyến, và truyền thông cũng cần thay đổi để phục vụ cái nhìn đa chiều này.
Xóa định kiến: Ai buộc chuông người đó cởi
Thành viên Dark Baron, cựu quản lý diễn đàn game cho biết, game thủ luôn mong xã hội bỏ đi định kiến coi việc chơi game như là sở thích đọc sách hay xem phim vậy. Để xóa đi những kì thị, họ học cách thay đổi. Bằng các hoạt động từ thiện, bảo vệ môi trường… các game thủ đang dần khẳng định hình ảnh của một cộng đồng năng động, đầy lòng nhân ái và có trách nhiệm với xã hội. Họ cũng nhắc nhở nhau bỏ dần thói xấu trong game, xây dựng văn hóa chơi game lành mạnh.
Các nhà phát hành nghiêm túc cũng bắt đầu nỗ lực để cải thiện hình ảnh chung về game. Một mặt, họ chọn lựa game kĩ hơn, bỏ bớt những chi tiết bạo lực, các yếu tố sex không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Mặt khác, họ biến game thành nơi mà mọi người có thể thường xuyên kết nối và giúp đỡ lẫn nhau. Một phần doanh thu lớn hơn từ game được sử dụng để phục vụ cho công việc từ thiện. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này còn đề nghị có một báo cáo chung hàng tháng của các doanh nghiệp nộp lên cơ quan quản lý để đấu tranh với những doanh nghiệp làm game xấu, game bẩn, loại trừ dần những tiêu cực, bất cập trong ngành game.
Góp sức cho công cuộc ‘lột xác’ của ngành game trong con mắt công chúng, VietNamNet vừa cho ra đời trang thông tin chuyên về game tại địa chỉ www.gamesao.vn.
Mục tiêu trước mắt của GameSao là lắng nghe, thấu hiểu và nói hộ tiếng lòng của game thủ; phản ánh khách quan, đa chiều các thông tin về ngành game Việt Nam và thế giới.GameSao đặc biệt cổ vũ cho những game lành mạnh, có tính giáo dục cao, các tựa game thuần Việt và khuyến khích phát triển văn hóa chơi game thông thái.
Bên cạnh đó, GameSao cũng đấu tranh đến cùng với những hành vi tiêu cực trong game, với những nhà phát hành tham lam và cả các tựa game thiếu tính giáo dục. Hiện tại ngoài việc đọc tin trên GameSao, bạn đọc còn có thể giải trí bằng các game flash. Trong tương lai, GameSao sẽ game hóa việc đọc tin, tạo ra một sân chơi tương tác thú vị cho bạn đọc.
BTV Tuyết Minh, phụ trách trang GameSao cho biết: “Nếu nhìn game theo khía cạnh tích cực, chúng ta sẽ có cơ hội làm được nhiều việc có ích tác động đến thế giới trẻ. GameSao sẽ nhắm tới phần tích cực ấy để thay đổi nhận thức cộng đồng về game cũng như giới game thủ. Từ đó sẽ tác động để kéo người yêu game đến với game "sạch", thu hẹp phạm vi ảnh hưởng và giảm đối tượng sử dụng game xấu, đẩy lùi game xấu trên thị trường game Việt.”
Theo Vietnamnet.vn