- Với không ít phạm nhân được hưởng ân xá, đặc xá ra tù là niềm vui vô bờ bến, nhưng đâu đó trong tâm tư, ngày về với họ còn đó nỗi niềm, những lo toan phía trước...

Phía sau niềm vui rũ áo tù

Trước đây, trong ngày đặc xá của tại trại giam Thủ Đức, Bộ Công an, tôi gặp Hùng, 17 tuổi đời nhưng hơn một năm rưỡi trước, phạm nhân này từng là thủ lĩnh của 1 băng nhóm nhí thực hiện nhiều vụ...cướp xe đạp ở TP.HCM.

Hôm ấy, cầm quyết định đặc xá, tha tù trước thời hạn, khuôn mặt Hùng nhiều nét tâm tư. Hùng nói: “Chẳng có ai đón con cả. Con đang chờ đi ké xe của một chú cũng được đặc xá lần này, để về Sài Gòn”.

{keywords}
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong lần thăm phạm nhân đang học tập, cải tạo tại trại giam Xuân Lộc thuộc Bộ công an mới đây

Hùng có người anh trai cũng đang chấp hành bản án lần thứ hai. “Về rồi, liệu có “nhớ nghề” nữa không?” tôi bất chợt hỏi. Câu trả lời của Hùng khá bất ngờ “Chưa biết nữa! hên – xui thôi cán bộ à?”.

Người viết đã từng gặp gỡ, trò chuyện với không ít phạm nhân thụ án tại các trại giam ở tỉnh thành phía Nam. Có phạm nhân từng là đại ca giang hồ khét tiếng, cũng có những người chỉ là giang hồ "cấp phường", trộm cắp vặt...

Đa số họ khi thi hành xong án phạt, hay được hưởng chính sách ân xá, đặc xá, tỏ ra rất tâm tư, không biết ngày về sẽ như thế nào, không hình dung nổi và cũng không biết phải bắt đầu từ đâu? Con đường tái phạm hay phục thiện với họ, có lẽ chỉ là ranh giới mong manh.

Cán bộ trại giam Thủ Đức, Bộ Công an từng chia sẻ câu chuyện khá hài hước nhưng có thật. Có phạm nhân mãn hạn tù, tha thiết xin cán bộ quản giáo cho…ở lại trại. Chỉ đơn giản là về với xã hội, họ không biết đi đâu về đâu? không biết làm gì để sống?. Với nhiều người mãn hạn tù là niềm vui vô bờ bến, nhưng với không ít phạm nhân thì ngày về còn là nỗi lo cơm áo, nghề nghiệp để hòa nhập cộng đồng…

Ân xá, đặc xá thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Những người được hưởng chính sách và cả những người đã chấp hành xong án phạt tù, liệu có tái hòa nhập cộng đồng thuận lợi, hay hoàn lương đúng nghĩa, mới là vấn đề đáng quan tâm. 

{keywords}
Trao quyết định đặc xá cho phạm nhân tại trại giam Chí Hòa, TP.HCM trong sáng 31/8

Mới đây, ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch hội đồng đặc xá Trung ương đã làm việc với các trại giam thuộc Bộ và ban giám đốc công an các tỉnh thành phía Nam về công tác đặc xá.

Ông cũng như các lãnh đạo trại giam tỏ ra đặc biệt quan tâm đến câu chuyện đằng sau ân xá, đặc xá. Đó là sự tái hòa nhập cộng đồng của những người thoát trại về với xã hội.

Chung tay giúp những cựu phạm nhân làm lại cuộc đời

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Cần cả một hệ thống chính trị, nhiều cơ quan ban ngành, cả các doanh nghiệp, doanh nhân chung tay giúp đỡ những người mãn hạn tù, những người được ân xá, đặc xá trở về. Vấn đề là tạo cho họ công ăn việc làm, ổn định cuộc sống. Chưa cần ở họ sự đóng góp cho xã hội, mà ít nhất là giúp họ có thể tự nuôi sống được mình, giúp đỡ gia đình…”.

Còn nhớ, Liên Khui Thìn – cựu tử tù trong vụ án kinh tế Minh Phụng Epco, không ngờ có ngày về, thậm chí lập ra “quỹ hoàn lương” giúp đỡ cho những cựu tù. Hay chuyện đại ca giang hồ khét tiếng một thời, Hùng “sầu”, giờ là chủ một cơ sở điêu khắc tại huyện Hóc Môn, TP.HCM, chuyên nhận những người tù hết án, giúp họ làm lại cuộc đời.

{keywords}
Người mẹ mừng rơi nước mắt đón con trong ngày đặc xá trước cổng trại giam Chí Hòa

Nhưng thử hỏi, một năm ở các trại giam trên cả nước có bao nhiêu phạm nhân rũ bỏ áo tù được trở về? Trong số đó có bao nhiêu người được vay vốn từ quỹ của ông Liên Khui Thìn hay được nhận vào các cơ sở như xưởng điêu khắc của Hùng “sầu”? Số người được địa phương quan tâm, hỗ trợ vốn làm ăn? Xem ra những cựu tù nhận được sự ưu đãi chưa nhiều.

Đại tá Hồ Phi Thắng – giám thị trại giam Xuân Lộc cho biết, tỷ lệ phạm nhân tái phạm ở trại này khá cao, từ 18 – 26%, có phạm nhân mang đến 5 – 6 tiền án về nhiều tội danh khác nhau.

Khi báo cáo với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây, đại tá Thắng trình bày, phạm nhân khi học tập cải tạo ở trại được ghi chép công nhật, lưu tiền công trong sổ sách với mức lao động vài ngàn đồng/ngày. Và khi mãn hạn tù phạm nhân đó được nhận tiền lương cộng dồn trích ra từ quá trình lao động ở trại để làm quỹ tái hòa nhập cộng đồng trong ngày về.

Theo lời đại tá Thắng, mức phạm nhân nhận cho ngày về, là vài triệu đồng. Thử hỏi với chừng đó tiền, người mãn hạn tù, có thể làm được gì? Không phải ai chấp hành xong án tù cũng được gia đình rộng vòng tay cưu mang, chu cấp vốn liếng để làm ăn?

Một cựu tù từng mang án giết người mà tôi gặp cách đây không lâu, đã cay đắng khi nói về những gian nan khi làm thủ tục vay vốn nhằm mua một chiếc xe máy để hành nghề xe ôm nuôi sống gia đình.

{keywords}
Nhiều người rũ áo tù về với xã hội nhưng đối diện với bao bộn bề lo toan

Một thanh niên khác, từng có hai tiền án tội “trộm” và “cướp, mới đây bị công an ở TP.HCM bắt giữ về tội “cướp giật” - người viết có dịp trò chuyện. Anh kể, sau khi mãn hạn tù lần hai, cầm đơn xin việc khắp nơi nhưng chẳng ai dám nhận một người tù tội. Túng quá hóa liều, anh trở lại đường cũ.

Đến nay, tôi không biết “tướng cướp” Hùng nhí đã gặp ở trại Thủ Đức hay người cựu tù mang bản án “giết người” mơ một chiếc xe ôm hoàn lương, hiện giờ ra sao, đã trôi dạt nơi đâu và hành trình tìm lại cuộc đời của họ có họ có “thuận buồm xuôi gió” hay không?

Chỉ mong rằng, cộng đồng hãy giang rộng vòng tay chào đón, và thực tế hơn, là cho họ cơ hội làm lại...

Đàm Đệ