- Hầu hết phụ huynh đều bất ngờ khi được biết năm học 2015 - 2016 phải bỏ ra số tiền gần gấp đôi năm trước để mua BHYT cho con. Còn giáo viên chủ nhiệm thì bỗng dưng trở thành “đại lý thuyết phục…”
Có gây sức ép đóng bảo hiểm?
Năm học 2015 – 2016 mới bắt đầu, nhưng ở nhiều nơi học sinh đã tựu trường trước khai giảng khoảng 2 tuần. Một số khoản thu như đồng phục, bảo hiểm…cũng được nhiều trường tách đợt nhằm phân tải tiền trường đầu năm.
Bận việc, chị Phương (Từ Liêm, Hà Nội) nhận “thông báo” từ con “cô nhắn mai hết hạn đóng tiền”. Chỉ kịp bảo con liệt kê các khoản, và trao tiền cho con nộp đúng hạn – cô cũng không chậm báo cáo với nhà trường. "Nhưng có khoản BHYT cứ luẩn quẩn trong đầu vì tăng gần gấp đôi so với năm học trước. Vì đã trao tiền cho con nên chị bấm bụng đến họp phụ huynh đầu năm sẽ phân trần cùng giáo viên chủ nhiệm…: - lời chị Phương.
Sau khai giảng, phụ huynh đối mặt với nhiều khoản thu (Ảnh: Hoàng Hường) |
Hầu hết phụ huynh được hỏi đều bất ngờ khi được biết năm học 2015 - 2016 họ phải bỏ ra số tiền gần gấp đôi năm trước để mua BHYT cho con em mình. Nếu năm học 2014 - 2015 là 289.800 đồng thì năm nay phải tăng lên đến 534.000 đồng/học sinh.
Và giáo viên chủ nhiệm phải trở thành “đại lý thuyết phục đến thu tiền bảo hiểm y tế cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Anh Hiệp (*) giáo viên tiểu học ở Nghệ An tâm sự: “Có là người trong cuộc mới hiểu được nỗi khổ của chúng tôi. Giáo viên chủ nhiệm phải kiêm luôn người thu đủ mọi khoản cho nhà trường, cho cái gọi là “ban đại diện cha mẹ học sinh” rồi đến thu bảo hiểm”.
“Với những vùng quê còn khó khăn việc phải đóng hơn 500.000 đồng tiền bảo hiểm cho con là áp lực không nhỏ” – anh Hiệp nói. Từng chứng kiến có trường hợp phụ huynh phải bán thóc, bán rau, gom từng cân sắt vụn để đóng tiền cho con. Họ cũng thấy ích lợi từ bảo hiểm nên góp nhặt đủ tiền mua bảo hiểm cho con..
Bản thân anh Hiệp cho biết mình may mắn khi được chủ nhiệm những ‘lớp chọn” ở trường, phụ huynh có điều kiện hơn nên việc thuyết phục của giáo viên để học sinh đóng bảo hiểm không nhiều khó khăn.
“Nhưng tình trạng giáo viên đầu buổi nhắc, cuối buổi giục học sinh đóng tiền là việc không hiếm. Thậm chí giáo viên còn yêu cầu học sinh viết cam kết hay chính thầy cô viết giấy, đóng dấu của hiệu trưởng gửi yêu cầu này về gia đình để gây sức ép đóng bảo hiểm” – anh Hiệp chia sẻ.
Mua rồi để…đó
Cô Hạnh – giáo viên tiểu học khác ở Vĩnh Phúc bức xúc: “Thực sự nhiều nhà cũng có nhu cầu đóng bảo hiểm nhưng không ít phụ huynh kêu ca vì khi có bảo hiểm nhưng phần khám xét, thủ tục rườm rà, không được phục vụ chu đáo. Như mọi năm các em đóng tiền tháng 9 nhưng tháng 10 mới nhận được thẻ BHYT, mất một tháng quyền lợi. Hay như cuối năm ngoái bảo hiểm nói thu thẻ cũ để phát thẻ mới nhưng đến dịp nghỉ hè không thấy thẻ mới đâu. Học sinh nhiều em có nhu cầu đi khám bố mẹ lại phải bỏ tiền túi tự túc. Thay vì đợi chờ thủ tục nhiêu khê của bảo hiểm, họ ngậm ngùi ôm cục tức chạy ra quán mua cho con ít thuốc thay vì chờ “ông” bảo hiểm”.
Hiệu trưởng giao nhiệm vụ thì phải làm nhưng trong lòng cô Hạnh thực sự áy náy: “Mình là giáo viên không thể nặng lời mà chỉ nói như dỗ dành hay dung uy tín để thuyết phục học sinh, phụ huynh đóng tiền. Có người thông cảm, nể cô thì mua. Nhưng cũng muối mặt lắm khi phụ huynh nói xiên rằng mình với trường và bên bảo hiểm chỉ toàn nói hão, mua bảo hiểm rồi chất lượng dịch vụ không được như những lời có cánh trước đó các cô gieo ra”.
“Năm nay trường tôi hiệu trưởng yêu cầu giáo viên phải thu 100% tiền bảo hiểm y tế với học sinh. Nhưng tôi nói với mọi người tôi chỉ tuyên truyền còn phụ huynh mua bao nhiêu thì tùy. Giữa lựa chọn được lòng hiệu trưởng nhưng mang tiếng với phụ huynh, tôi chấp nhận có thể sẽ không hoàn thành nhiệm vụ để về nhà khỏi phải đau đầu nghĩ cách vận động gia đình, học sinh mua bảo hiểm” – cô Hạnh tâm sự.
Khi được hỏi giáo viên làm nhiệm vụ này thì “hoa hồng” được bao nhiêu, cô Hạnh thẳng thắn: “Trường đặt ra quy định nếu thu được trên 90% được trên dưới 100.000 đồng tùy lớp đông hay ít học sinh, thu được 100% thì giáo viên được khoảng 200.000 đồng. Là giáo viên chúng tôi chỉ mong có thời gian chú tâm dạy học mà thôi”.
“BHYT nói chung và BHYT học sinh nói riêng là một chính sách an sinh xã hội lớn, đầy tính nhân văn của Nhà nước. Nhưng dường như hiện nay việc thu nộp bảo hiểm, tuyên truyền vận động đối với học sinh là trách nhiệm mặc nhiên thuộc về giáo viên chủ nhiệm, trong khi chúng tôi không thực sự có chuyên môn để nói cho phụ huynh, học sinh hiểu.
Điều quan trọng nhất là bảo hiểm tăng thì chất lượng có tăng, dịch vụ có tốt hay không. Ai đảm bảo, cam kết này. Nếu như những câu hỏi này không được giải quyết mà chỉ có mệnh lệnh hành chính từ trên ép xuống phải mua thì áp lực này với chúng tôi không biết khi nào mới được cởi bỏ” – cô Hạnh chia sẻ.
Văn Chung
(*): Tên nhân vật đã được thay đổi.