Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Nỗi niềm của nước của tác giả Đặng Huỳnh Lộc.

1. Bạn có thể hình dung khi đứng trước cánh đồng vài chục ha đã thấy “mút tầm mắt”, “cò bay thẳng cánh”. Khi đứng trước một vùng Châu thổ Mekong có diện tích 49.520 km2 sẽ là một vùng đất rộng lớn đến nhường nào. Đó là một vùng tam giác được dòng Mekong mang phù sa màu mỡ bồi đắp và cho nhiều sản vật kéo dài từ Kratie ở phía Nam Campuchia, xuyên qua Phnompenh vào miền Nam Việt Nam đến bờ biển Đông. 

Đó là một vùng đất thấp, bằng phẳng, sông nối sông, đồng nối đồng, cao hơn mặt nước biển khoảng nửa mét, có nơi đến 3m, đặc biệt một phần nhỏ ở miền Tây Bắc cao đến hơn 100m. Phần lãnh thổ Việt Nam chiếm 74% tổng số diện tích vùng Châu thổ Mekong, phần còn lại nằm trong địa phận Campuchia. 

Nhiều tài liệu cho thấy, Châu thổ Đồng bằng sông Mekong hình thành hơn chục triệu năm trước, từ thời kỳ Cenozoic thứ 3 đến thời kỳ Pleistocene và thực sự hình thành trong khoảng cách nay 5.000 đến 6.000 năm. Có thể hình dung, khi ấy vùng bán đảo Đông Dương còn chìm sâu dưới mặt nước trong thời kỳ “biển tiến”, sau đó Châu thổ sông Mekong được phù sa từ thượng nguồn đổ xuống dần bồi đắp. 

mekongriverfishing09052020063629.jpg
Một đoạn sông Mekong. (Nguồn: luxurycruisemekong.com)

Một số khảo cổ cho thấy, chiều sâu của lớp đất phù sa của vùng Kratie dày 30m và các vùng cửa biển có nơi dày đến 300m. Đó là công lao của tạo hóa trải qua hàng chục triệu năm. Trên Châu thổ Cửu Long có khoảng 16 triệu dân và chủ yếu là nông dân sản xuất nông nghiệp. Từ xa xưa con người trên dải đất này đã biết sử dụng nguồn nước Mekong. Những cuộc khai quật, một số di chỉ cho thấy hệ thống thoát nước và kinh rạch dùng cho nông nghiệp và lưu thông ở vùng Châu thổ thượng nguồn Campuchia đã có từ hơn 1.000 năm trước, từ triều đại Angkor và hệ thống kinh đào phục vụ giao thông còn tồn tại đến ngày nay cũng có từ hơn 120 năm. Sau năm 75 của thế kỷ trước hệ thống kinh đào “dẫn thủy nhập điền”, tháo nước vùng Châu thổ Mekong được triển khai không kém phần quy mô với hơn 10.000 km kinh đào trong các “chương trình” tháo nước để khai khẩn đất phèn, đất mặn đã làm thay đổi diện mạo vùng Châu thổ sông Mekong, đồng thời cũng “tiêu hủy” những khu đầm lầy và rừng rậm…. 

Cách đây chục năm tôi viết bút ký “Những cánh rừng biến mất”, 180.000 ha rừng đước Mũi Cà Mau cũng còn rải rác, nay chỉ còn sót lại một khoảnh “vườn rừng” thuộc rừng quốc gia Mũi Cà Mau vài ngàn ha. Tương tự, những cánh rừng lưu vực sông Mekong cũng không ngoại lệ. Những chương trình di dân, khai hoang đã triệt hạ khoảng 1.300 km2 rừng tràm và 1.200 km2 rừng đước. 

Sau năm 1975, các cuộc di dân có tổ chức và không có tổ chức đến vùng Châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt với “chương trình” lấp kín Đồng Tháp Mười đã khiến khoảng 8.000 km2 đất đầm lầy Đồng Tháp Mười đã bị san lấp cho sản xuất nông nghiệp và ngư nghiệp.

2. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất trẻ theo nghĩa địa chất, được bồi đắp bởi những lớp phù sa mới và các loại khoáng sản tải xuống từ thượng nguồn. Nhờ phù sa bồi đắp mà vùng duyên hải Bán đảo Cà Mau nới rộng ra biển hàng năm trên dưới 100m. Đó là câu chuyện của trước đây, khi mà những con đê ngăn mặn Biển Đông, đê chắn biển Tây chưa được hình thành. Ngày nay thì mọi chuyện đã khác.

Mấy mươi năm trước, khi chuẩn bị tư liệu viết bút ký “Rừng báo bão”, tôi đã tìm đọc một số tài liệu về hải dương để biết vì sao Mũi Cà Mau quay về phía Tây? Nhờ đó được biết, biên độ triều biển Đông luôn có khuynh hướng cao hơn biển phía Tây, trong khi đó dòng hải lưu Bắc từ phía đảo Hải Nam đổ xuống phía Nam, gặp dòng hải lưu Đông từ ngoài khơi đẩy vào làm cho dòng hải lưu Bắc chảy vào phía trong đảo Hoàng Sa và Trường Sa mang theo phù sa bồi đắp ven biển Đông và phía Tây. Khi những tuyến đê biển Đông hình thành đã ngăn chặn “dòng chảy” hải lưu Đông, làm cho dòng hải lưu Bắc chảy ra ngoài Hoàng Sa và Trường Sa, ven biển Đông chẳng những không còn được phù sa bồi đắp mà còn bị xói lở. “Sự xói lở còn nhanh hơn khi phù sa từng lớp, từng đợt hình thành. Và, mũi đất đang co rúm lại trước dòng hải lưu chuyển hướng”. Đó là những dòng kết thúc bút ký “Rừng báo bão” mấy mươi năm trước.

Châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích 39.000 km2, trong đó có hơn 24.000 km2 dành cho sản xuất nông nghiệp và ngư nghiệp, 4.000 km2 rừng. Đây chỉ là những con số còn lại trên các thống kê. Thực tế thì đã hoàn toàn khác. Nhiều vùng đất nông nghiệp đã “nằm xen kẽ khu dân cư” (chữ của các nhà quy hoạch). Nghĩa là “đất nông nghiệp” nhưng không còn được sản xuất nông nghiệp mà đã sử dụng vào mục đích khác.

baodantoc.jpg
Ảnh: Baodantoc.vn

Những năm gần đây các nhà hoạch định kinh tế rất say sưa về sản phẩm nông nghiệp của vùng Châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long xem như là một thành công khi vùng đất này chiếm đến 50% lượng lúa gạo sản xuất toàn quốc, góp phần đưa Việt Nam lên quốc gia hàng thứ nhì trên thế giới về sản xuất lúa gạo. 

Nhưng khi sản xuất nông nghiệp nằm trong tình trạng không kiểm soát, chạy theo sản lượng và khi mà máu tư hữu trong người nông dân luôn cuồn cuộn chảy trong huyết quản, chỉ quan tâm đến năng suất và lợi nhuận đã tạo nên “tập quán canh tác” sử dụng thái quá phân bón, thuốc trừ sâu, hóa chất diệt cỏ khiến nguồn nước bị ô nhiễm. Điều này đã làm cho dòng nước Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, Châu thổ sông Mekong nói chung vốn vốn đã kém phẩm chất từ nhiều năm qua giờ càng thêm ô nhiễm, tạo nên mối nguy hại cho các loài thủy sản. 

Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 24.000 km2 dành cho sản xuất nông và ngư nghiệp thì có đến 1.000 km2 đất mỗi năm trồng 3 vụ, 10.000 km2 hai vụ và 1.300 km2 một vụ. Các con số có vẻ khô khan và thường không nói lên được điều gì, nhưng trong trường hợp này nó đã nói lên một phần sự thật từ việc tăng diện tích sản xuất nông nghiệp và tăng vụ đã tạo nên áp lực trực tiếp vào khối lượng và phẩm chất nguồn nước ngọt của sông Mekong và Đồng bằng sông Cửu Long cho sinh hoạt và công nghiệp nuôi trồng thủy sản. Trong khi đó, Đồng bằng sông Cửu Long hiện có đến 80% lượng nước ngọt dùng cho sản xuất nông nghiệp, chỉ có 5% dùng cho sinh hoạt gia đình. 

Nguồn nước mặt khan hiếm và ô nhiễm, khiến hầu hết mọi gia đình ở Đồng bằng sông Cửu Long phải sử dụng nước ngầm. Được biết, nguồn nước ngầm ở Đồng bằng sông Cửu Long đã được sử dụng từ hơn 100 năm nay, nhưng chưa được kiểm tra và phân tích. Một chuyên gia ngành nước ngầm nói với tôi rằng, ở Đồng bằng sông Cửu Long có 5 “luồng” nước ngầm từ dạng Holocene đến thượng Miocene. Trong đó, “luồng” nước thượng Pleistocene qp2-3 ở vùng Bắc và Nam Châu thổ Mekong nằm sâu khoảng 50-100 mét dưới mặt đất, giữa những lớp cát to và mịn, và chứa khoảng 1.000mg/lít chất hoà tan; sâu hơn nửa, là nguồn nước hạ Pleistocene qp1 nằm 50-250 m dưới mặt đất, giữa những lớp đá sỏi, cung cấp 60% số lượng nước ngầm ở Đồng bằng Cửu Long, hai nguồn nước qp1 và qp2-3 được khai thác nhiều nhất. Tuy nhiên, nguồn nước qp2-3 nằm trồi lên mặt đất thường được sử dụng. 

Những ảnh hưởng của nước lụt trong tích trữ nguồn nước ngầm và tương quan giữa nguồn nước mặt ngấm mặn, ngấm phèn và phẩm chất nguồn nước ngầm chưa có công trình nào nghiên cứu thấu đáo. Sự khác biệt rõ rệt về lượng mưa giữa hai mùa dẫn đến ngập lụt vào mùa mưa và thiếu nước vào mùa khô ở Đồng bằng sông Cửu Long đã diễn ra nhiều hệ lụy. 

Mùa khô dòng Mekong thiếu nước, không đủ để ngăn nước biển mặn tràn vào các dòng sông, một số vùng Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang gần biển đều bị nhiễm mặn. Vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long nước biển mặn xâm nhập vào mùa khô bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng Tư, có nơi kéo dài đến tháng Sáu do nước Biển Đông và biển Tây tràn vào. Mùa mưa ngập lụt và mùa khô ngập mặn luôn là hình ảnh tương phản của Đồng bằng sông Cửu Long.

3. Đồng bằng sông Cửu Long còn bị ảnh hưởng của nước thủy triều từ biển Đông và biển Tây. Về phía Đông, thủy triều lên xuống theo chế độ bán nhật triều với biên độ thay đổi trên dưới 3m. Viết đến đây tôi bỗng nhớ hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tín:

“Xin cảm ơn con nước ròng sát kiệt 

Để lòng sông không che đậy lòng mình…". 

Người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long hiểu rõ dòng sông nơi mình sinh ra, lớn lên và gắn bó, đã biết lợi dụng khi nước ròng nước lớn. Khi con lên xuống cũng là mùa để cải tạo đất và khi con nước lên tưới rửa đất đai, nuôi con cá con tôm.  

Chương trình “ngọt hóa bán đảo Cà Mau” đồ sộ và tốn kém đã xây dựng một hệ thống 12 cống đập ngăn mặn ở các cửa sông chính và kinh đào nối biển Đông và biển Tây từ Sóc Trăng xuống tận Cà Mau. Hệ thống 12 cống đạp đầu tư quy mô lớn với cửa đập tự động mở khi thủy triều xuống và đóng lại khi thủy triều lên nhằm ngăn chặn nước biển mặn xâm nhập bán đảo Cà Mau, trong đó có dự án Quản Lộ Phụng Hiệp khởi công năm 1992 và hoàn tất năm 2001, tổng chi phí cả chi phí nạo vét hơn 250km kinh rạch lên đến trên 12 tỷ đô la, nhưng cũng mang lại ít hiệu quả, thậm chí là đã tác động đến môi sinh, ngăn chặn các loài thủy sản di chuyển từ sông ngòi vào đồng ruộng. 

Trở lại “Chuyện của những dòng sông”, có thể thấy sông Mekong hằng năm chuyên chở đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 150 triệu tấn phù sa, hầu hết là những bụi quặng và đất sét. Một tài liệu ước tính hàng năm nguồn nước sông Mekong đem đến cho lưu vực Đồng bằng sông Cửu Long hàng triệu tấn chất đạm Nitơ, Phosphorus và những nguyên tố cần thiết cho trồng trọt. 

Việc khai thác rừng cạn kiệt rừng đầu nguồn và khai thác dòng Mekong thiếu kế hoạch ở thượng nguồn là hai yếu tố làm thay đổi phẩm chất nguồn nước hạ nguồn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long, nguồn nước ở nhiều nơi bị acid hóa do canh tác ở những vùng đất phèn, bị ô nhiễm bởi một số hóa chất, cùng với đó là nguồn nước ứ đọng ngày một gia tăng là điều đáng lo ngại cho sức khỏe con người.

Gần đây Đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện một mô hình mới sản xuất nông nghiệp của kỹ sư nông nghiệp Hồ Quang Cua và cộng sự. Đó là mô hình trồng lúa trên đất nuôi tôm nhiễm mặn, hay còn gọi nôm na là “một vụ tôm một vụ lúa”, sản phẩm đã thu được là giống lúa ST25 với hai lần đạt danh hiệu là gạo ngon nhất thế giới (năm 2019 và 2023). Mô hình này đang được triển khai ở vùng ven biển Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng và đang lan rộng ra tận vùng nhiễm mặn Kiên Giang. Phương pháp canh tác có thể nói tóm gọn là mùa khô lấy nước mặn nuôi tôm, sắp sa mưa thì tháo nước ra khỏi đầm nuôi tôm để phơi đất, chờ mưa xuống rửa mặn rồi xả nước rửa mặn lần hai chuẩn bị xuống giống, khi lúa “vàng đồng” tiếp tục tháo nước khô mặt đồng để cây lúa “không kịp” nhiễm mặn, đồng thời thuận lợi cho việc đưa máy gặt đập vào thu hoạch, vừa giảm chi phí thu hoạch, vừa kịp “chạy mặn”. 

Nếu mô hình sản xuất nông nghiệp “một lúa một tôm” của Anh hùng lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua và cộng sự được triển khai các tỉnh ven biển bán đảo Cà Mau, nằm trong “tứ giác” Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau thì hệ thống 12 cống đập ngăn mặn trong chương trình ngọt hóa Bán đảo Cà Mau được đầu tư quy mô hơn 12 tỷ đô la trước đây một thời “thi gan cùng tuế nguyệt” sẽ được phát huy hiệu quả.

Đặng Huỳnh Lộc

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng

Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng:  01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng. 

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: http://www.tothethao.com/bong-da_bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

boxtaitro dongsong.jpg