Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở Khánh Hòa có bảo tàng ngầm, lưu giữ kỷ vật của 64 chiến sĩ Hải quân đã ngã xuống trong trận chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo 36 năm trước.
LỜI TÒA SOẠN
36 năm trước, vào ngày 14/3/1988, 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại giữa muôn trùng sóng biển trong trận chiến bảo vệ chủ quyền đất nước tại các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Những anh hùng năm ấy ra đi khi tuổi đời mới ngoài đôi mươi. Họ đã gác lại bao ước mơ hoài bão để dâng hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Lịch sử và Nhân dân mãi khắc ghi tên tuổi các anh, những người đã viết tiếp bản hùng ca giữ nước của ông cha.
Nhắc lại sự kiện này để thế hệ trẻ đang thụ hưởng nền hòa bình luôn biết tưởng nhớ và tri ân các bậc tiền nhân đã xác lập chủ quyền và thực thi chủ quyền, đã chiến đấu và hy sinh vì chủ quyền biển đảo. Ghi nhớ nỗi đau trong quá khứ để nâng niu, trân trọng và gìn giữ nền hòa bình đang có, để ký ức về Gạc Ma không bao giờ bị xóa nhòa trong lòng mỗi người con đất Việt...
Tháng 3 về, người dân khắp cả nước đổ về Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa). Đoàn người lặng lẽ dâng hương, dâng hoa hướng về cội nguồn, tri ân những anh hùng đã viết tiếp bản hùng ca giữ nước của ông cha…
64 chiến sĩ đã ngã xuống trong trận chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo. 36 năm đã trôi qua, nhưng câu chuyện về những tấm gương anh dũng hy sinh vẫn lưu truyền mãi.
Năm 2017, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma với diện tích hơn 20.000 m2, tổng mức đầu tư gần 130 tỷ đồng, đi vào hoạt động. Nổi bật giữa đất trời bao la, tượng đài các chiến sĩ Gạc Ma - trái tim của Khu tưởng niệm sừng sững thế đứng hiên ngang cùng lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nền trời xanh thẫm. Tượng đài có tên “Những người nằm lại phía chân trời” khắc họa hình ảnh 64 người con quả cảm, trong giây phút cuối cùng, vẫn giữ chặt lá cờ Tổ quốc trên tay để đánh dấu mốc chủ quyền trên đảo đá Gạc Ma.
Trước lúc hy sinh, các anh đứng thành vòng tròn, bất tử trước mũi lê, làn đạn của kẻ thù, quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc, giữa xung quanh là sóng nước Trường Sa mênh mông.
Từ tượng đài nhìn xuống Khu trưng bày ngầm là hình ảnh vòng tròn bất tử thiêng liêng. 64 đóa hoa tượng trưng cho 64 người con bất tử cùng ôm lấy lá cờ đỏ, ngôi sao vàng năm cánh nổi trên mặt nước.
Bên trong khu tưởng niệm có bảo tàng ngầm, lưu giữ những kỷ vật, lịch sử về đấu tranh giữ nước của những chiến sĩ đã tham gia trận chiến Gạc Ma, như mũ cối, bộ quân phục hải quân bạc màu, đôi dép bộ đội, chiếc radio, hay là những lá thư viết vội của các anh gửi về gia đình trước ngày lên đường ra đảo.
Những ngày này, từng đoàn người đã tham quan khu trưng bày những kỷ vật liên quan các liệt sĩ và không gian trưng bày bản đồ cổ khẳng định chủ quyền Việt Nam với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Theo Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, trong năm 2023, có hơn 440 đoàn với hơn 45.200 lượt khách đến thăm nơi này.
Nhiều kỷ vật của liệt sĩ được lưu giữ, như lá cờ tổ quốc được Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Phương và các đồng đội đã quyết tâm gìn giữ tới hơi thở cuối cùng trong trận chiến ngày 14/3/1988.
Đôi dép, chiếc bát, vô lăng, la bàn cùng một số kỷ vật khác được trưng bày tại bảo tàng. Đây là những đồ vật, dụng cụ quen thuộc của các chiến sĩ đã sử dụng trong thời gian trên đảo đá Gạc Ma.
Ảnh đám cưới của liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh cùng vợ Đỗ Thị Hà tại phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh (Khánh Hòa). Chia sẻ với VietNamNet, vợ liệt sĩ Doanh cho biết, hai người tổ chức hôn lễ đầu năm 1986. Cuối năm đó, họ có con gái đầu lòng, đặt tên là Đinh Thị Mỹ Lệ.
Tấm ảnh cưới đã cũ nhưng là kỷ vật vô giá của gia đình, bà Hà đem tặng lại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Bởi, bà xem đây là nơi an nghỉ của chồng mình cùng các chiến sĩ Hải quân đã ngã xuống vì biển đảo của Tổ quốc. Mỗi năm, đến ngày 14/3, bà lại tới đây thắp nén nhang cho chồng, cho đồng đội của ông.
Bức thư của liệt sĩ Nguyễn Văn Phương viết ngày 6/3/31988 tại Cam Ranh, gửi gia đình trước khi ra đảo. Hơn 1 tuần sau đó, anh hy sinh. Quân phục Hải quân và Huy chương chiến công của liệt sĩ Lê Văn Xanh... được trưng bày.
Bảo tàng chính có Không gian tưởng niệm những liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến ngày 14/3/1988. Khi tới đây, nhiều cựu binh, thân nhân các liệt sĩ bày tỏ xúc xúc động khi di ảnh liệt sĩ Trần Quốc Trị được PGS.TS Ngô Văn Minh (công tác Học viện Chính trị khu vực 3 - Đà Nẵng) với sự trợ giúp của nhiều người đã tìm thấy, và trao cho Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma vào tháng 12/2020.
PGS.TS Ngô Văn Minh (ảnh phải) trao lại di ảnh liệt sĩ Trần Quốc Trị cho đại diện Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Ảnh: V.Ngọc.
Chia sẻ với VietNamNet, PGS.TS Ngô Văn Minh cho biết, tháng 3/2019, ông dẫn đoàn học viên lớp cao cấp lý luận chính trị đi thực tế tại tỉnh Khánh Hòa, đã tới thắp hương tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Ông đã dừng lại thật lâu tại vị trí di ảnh của liệt sĩ Trần Quốc Trị (SN 1966, xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình). Bởi, trong khi 63 liệt sĩ đều có di ảnh, thì vị trí gắn ảnh của liệt sĩ Trần Quốc Trị chỉ là một ô trống.
Ban quản lý khu tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma cho biết, dù đã tìm nhiều cách, nhưng đến thời điểm đó vẫn không thể tìm được bất cứ một hình ảnh nào của liệt sĩ Trần Quốc Trị.
Từ khi ấy, người thầy giáo luôn trăn trở và có một niềm tin mãnh liệt là sẽ tìm thấy di ảnh của liệt sĩ Trần Quốc Trị. Ông kêu gọi các học viên giúp sức, phát động hành trình “Tìm ảnh cho anh”.
Cứ thế, mỗi lúc lên giảng đường, hay có dịp đi dạy ở Quảng Bình, ông lại kể câu chuyện về hạ sĩ Trần Quốc Trị, quê xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch, hy sinh tại đảo Gạc Ma hơn 30 năm trước nhưng chưa có di ảnh.
Di ảnh của liệt sĩ Trần Quốc Trị (bìa phải ảnh trên cùng).
Một thời gian khá lâu, đến ngày đầu tháng 1/10/2020, nơi PGS.TS Ngô Văn Minh nghĩ đến là kho lưu trữ tàng thư căn cước công dân thuộc Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Quảng Bình. Niềm vui như vỡ òa khi hồ sơ lưu trữ của liệt sĩ Trần Quốc Trị vẫn được lưu giữ, trong đó của bức ảnh chân dung của anh.
Di ảnh của liệt sĩ Trần Quốc Trị sau đó được Ban quản lý Khu tưởng niệm liệt sĩ Gã Ma tạc lên đá, gắn vào ô duy nhất còn trống trong nhà lưu niệm...
Khu tưởng niệm hiện có 3 người thuyết minh. Chị Lý Thị Ngọc Mai đang giới thiệu các hình ảnh trưng bày với đoàn chiến sĩ Học viện Hải quân ở Nha Trang. Là chuyên viên Ban Tuyên giáo huyện ủy Cam Lâm, mỗi khi cuối tuần, chị Mai lại vận áo dài tới đây làm thuyết minh. Công việc này gắn với chị từ khi công trình được đưa vào hoạt động, giúp chị học hỏi được nhiều điều, nhất là lịch sử.
Ông Võ Duy Trúc, Trưởng Ban quản lý Khu tưởng niệm cho biết, từ khi đi vào hoạt động, đơn vị đã nhận được nhiều kỷ vật liên quan đến các liệt sĩ Gạc Ma do chính thân nhân của họ trao tặng. Trong ảnh, bà Trần Thị Huệ ở TP Đà Nẵng, đã trao tặng bức thư của con trai là liệt sĩ Lê Thế gửi về gia đình trước khi hy sinh.
Trận chiến Gạc Ma nổ ra ngày 14/3/1988. Trong cuộc chiến chống quân xâm lược, 64 chiến sĩ Việt Nam đã anh dũng hy sinh, quyết tử để bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên vùng biển đảo quê hương.
Khi tàu HQ-936 qua vùng biển đảo Gạc Ma, hai mắt chị Trần Thị Thủy đỏ hoe, ngấn nước khi nghe tiếng nhạc “Hồn tử sĩ” ngân lên trong lễ tưởng niệm. Lúc ấy, trong tâm trí chị, hình bóng của cha cùng đồng đội hiện lên hiên ngang dưới quốc kỳ.
Ngày 14/3/1988, trên vùng biển Gạc Ma - Len Đao (Trường Sa, Khánh Hòa), 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân đã anh dũng hy sinh trong trận chiến để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.