6h sáng đầu tuần, trong tiết trời Seoul lạnh tê tái 2 độ, L.T.H.T (26 tuổi, sinh viên khoa Truyền thông, ĐH Hansung) len lỏi qua dòng người đang vội vã xuống tàu điện ngầm. Cô bước đi thật nhanh cho kịp lớp học thêm ngoại ngữ bắt đầu lúc 7h. Người đeo khẩu trang, đi găng tay, người thì không đồ bảo hộ, trạm phát sóng trên tàu liên tục phát tin về Covid-19 bằng tiếng Hàn và tiếng Anh.
Tối chủ nhật vừa rồi, thay vì đi chơi cùng bạn bè, H.T tất tưởi đi mua khẩu trang và nước rửa tay. Đường phố khu Hansungdae nơi cô đang sinh sống vốn nổi tiếng đông đúc nay cũng vắng vẻ lạ thường.
Theo học chương trình thạc sĩ ở Hàn Quốc được gần 2 năm, những tưởng cuộc sống đi học, đi làm thuận buồm xuôi gió, cô gái quê Vĩnh Phúc chẳng thể ngờ những ngày đầu năm, hành trình của mình lại gặp nhiều trắc trở.
Đường phố Seoul vắng vẻ những ngày dịch Covid-19 bùng phát |
Daegu đang là tâm điểm của dịch Covid-19 cả Hàn Quốc, cách chỗ H.T ở khoảng 300km. Ở Seoul, các trường đại học cũng đang trong kì nghỉ đông, người dân hạn chế đi lại nên đường phố vắng hơn. Mới chuyển đến sống ở khu Hansungdae được nửa tháng nên cô cẩn thận trong việc tìm nhà, nhưng cô cũng không ngờ khu vực mình sinh sống là một trong những nơi đầu tiên của Hàn Quốc có người nhiễm virus corona.
"Vì một chị nhiễm bệnh mà cả rạp chiếu phim gần nhà tôi phải đóng cửa, cách ly. Nữ bệnh nhân đó đã được chữa khỏi nhưng người dân sống quanh đây vẫn lo lắng, hoang mang. Giờ sống ở đây rồi, dịch bệnh đang bùng phát mạnh trên cả nước không lẽ lại chuyển đi nữa", H.T kể.
Cô chia sẻ, Tết Nguyên đán vừa rồi, cô không được gia đình cho về quê ăn Tết vì lo dịch bệnh ở Việt Nam, đặc biệt là quê hương Vĩnh Phúc - nơi bố mẹ cô đang sinh sống. H.T quyết định ở lại Seoul chờ đến cuối tháng 2 này sẽ về thăm nhà và ăn giỗ bà. Nhưng số phận thật trớ trêu, giờ đây Hàn Quốc lại trở thành nơi bùng phát dịch bệnh lớn thứ 2 của thế giới, H.T lại phải đắn đó suy nghĩ nên về hay ở lại.
H.T giãi bày, người thân ở Việt Nam gọi sang giục về vì sợ sẽ như một Vũ Hán thứ 2 nhưng sợ về sẽ có thể lây lan cho cộng đồng nên vẫn đang suy nghĩ các phương án thuận tiện và an toàn nhất.
Trung bình 1 tiếng đồng hồ, chuông báo điện thoại trong nhóm cộng đồng người Việt nơi cô sinh sống, học tập lại kêu lên. Trên các diễn đàn của du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc, nhiều sinh viên như cô cũng hoang mang, lo lắng trước tình hình dịch bệnh ngày một nghiêm trọng. Mọi người chia sẻ cho nhau thông tin vùng mình đang sống, ở trung tâm của dịch bệnh mọi người được khuyên hạn chế di chuyển tới.
Trên đường tuy thưa vắng nhưng các ga tàu điện ngầm vẫn rất đông đúc người qua lại |
Từ nhà đi qua 10 trạm tàu điện ngầm và 20 phút trên xe buýt đến nơi học, nỗi lo lắng tăng lên khi H.T phải đi qua nhiều khu vực đông người. Hôm nay đến lớp, cô thấy một số người nghỉ học vì lo sợ dịch, các thầy cô cũng đã dặn dò sinh viên rất kỹ, mỗi sinh viên còn được phát nước rửa tay khô.
Trường ĐH nơi cô theo học thông báo sẽ hoãn kỳ học mới đến ngày 9/3. 21h tối 24/2 thủ đô Seoul được thông báo đã có 31 người nhiễm virus Covid-19.
Ngồi trong nhà nghe tiếng còi xe cứu thương hú liên tục
Chị Thúy Ngọc, giảng viên dạy tiếng Việt cho người Hàn đang sống ở TP Cheongju, cách Seoul 120km về phía nam.
Nơi chị ở tuy mới có 2 người nhiễm Covid-19 nhưng toàn bộ TP vẫn trong tình trạng báo động cấp nguy hiểm. Chính quyền yêu cầu người dân hạn chế tối đa ra ngoài, nghiêm cấm các hoạt động tôn giáo, hội họp... Trường học và các trung tâm dạy thêm tạm thời đóng cửa 1 - 2 tuần. Chính phủ khuyến khích mọi gia đình tự giữ trẻ tại nhà nhưng vẫn có các trung tâm hỗ trợ trông giữ trong trường hợp bất khả kháng.
Cuộc sống thường nhật đảo lộn đáng kể, với việc hạn chế tối đa đi lại. “Các lớp học của tôi đều phải hoãn dài hạn. Trẻ con không được tham gia hoạt động nào. Bình thường con gái tôi học lớp 5, đi học thêm piano và tới trung tâm văn hóa đi bơi 3 lần, rồi có các hoạt động như đá bóng, thăm quan, trải nghiệm... Tất cả đều hủy hết từ thứ 6 tuần trước. Hôm nay tôi vừa nhận tin nhắn tạm thời nghỉ ít nhất 1 tuần”, chị Ngọc chia sẻ.
Chị cho biết, hiện tại, trên thị trường khẩu trang đắt gấp mấy lần nhưng hầu như không có mà mua. Mọi người phải mua thêm khẩu trang vải. Giá loại khẩu trang này cũng đắt gấp đôi ngày thường. Nhu yếu phẩm như thuốc men, lương thực không thiếu nhưng người dân cũng tăng mua vì ngại đi lại nhiều ngoài đường. Việc đặt hàng trên mạng cũng gia tăng.
Theo chị Ngọc, chính quyền sở tại đang rất nỗ lực phòng chống dịch Covid-19. Hàng ngày, người dân nhận được thông tin qua truyền hình vào buổi sáng và chiều. Tỉnh, thành phố liên tục gửi tin nhắn về cách xử lý khi có triệu chứng lây nhiễm, đường dây nóng, số điện thoại của các bộ phận phụ trách. Các thông tin về Covid-19, cách hướng dẫn phòng chống được đưa lên kênh truyền hình chủ yếu bằng 3 thứ tiếng: Hàn, Trung, Anh.
“Tôi ngồi trong nhà mà liên tục nghe tiếng còi xe cứu thương chạy ngoài đường. Xem truyền hình mới được biết là hiện tại, các xe cứu thương trên toàn quốc được huy động về tâm dịch Daegu. Chính phủ nhấn mạnh sẽ dồn mọi nguồn lực giúp Daegu.
Các phương tiện truyền thông kêu gọi người dân đồng lòng chia sẻ, nhất là những vật phẩm đang khan hiếm như khẩu trang hay nước rửa tay, không tạo ra hoảng loạn bằng việc mua quá nhiều đồ tích trữ như thực phẩm. Mọi người cùng hướng tới Daegu, không nên kỳ thị hay trách cứ”, chị kể.
Một số hình ảnh do sinh viên ở Hàn Quốc chụp:
Tính đến chiều 24/2, Hàn Quốc đã có thêm 231 ca nhiễm chủng virus corona mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh lên 833 người, bao gồm cả 13 quân nhân. Nhà chức trách y tế địa phương cũng ghi nhận ca tử vong thứ 7 vì dịch Covid-19. Có khoảng 200.000 công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động tại Hàn Quốc, riêng tại tâm dịch - TP Daegu là 8.285 người và tại tỉnh Gyeongsangbuk là 18.502 người. |